“Hai con dê” qua cầu…
Ba ngày Tết đi qua, khi mọi người tin rằng Tết Tân Mão là một cái Tết an toàn nhất mấy năm gần đây thì tối ngày 4 Tết (6/2) lại xảy ra vụ tai nạn hy hữu nhất thế giới khi đoàn tàu Nam – Bắc đâm trực diện 6 ô tô trên cầu Ghềnh, thuộc địa phận TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, khiến hai cha con ông Trần Ngọc Khải và anh Trần Thanh Tuấn, cùng trú tại phường Tân Mai, TP Biên Hòa thiệt mạng và 26 người khác bị thương.
Một chiếc xe gặp tai nạn trên Cầu Ghềnh |
Một nhân chứng đồng thời là người bị thương sau vụ tai nạn, ông Trần Chí Kiên, đã mô tả lại giây phút đối mặt với tử thần khi ông thấy đoàn tàu xuất hiện trước mặt, còn bản thân ông và bốn người thân trên chiếc xe taxi thì kẹt cứng trong xe.
Theo lời ông Kiên, chiếc taxi chở gia đình ông đã đi qua hơn nửa cầu Ghềnh thì không thể đi tiếp do vướng dòng xe chiều ngược lại. Một trong các chiếc xe ở hướng ngược lại không chịu lùi để nhường đường. Nhân viên gác chắn cũng có mặt và yêu cầu người tài xế này lùi lại nhưng phải giằng co một lúc, tài xế xe đó mới chịu lùi. Nhưng mọi việc đã muộn, đoàn tàu SE2 tông trực diện vào những chiếc xe đang nằm trên đường đi của nó.
Theo các nhân chứng khác có mặt tại hiện trường thì việc ùn tắc trên cầu dẫn đến vụ tai nạn là do ô tô hai chiều đã lưu thông cùng lúc dẫn đến tắc đường vào đúng thời điểm tàu lưu thông trên cầu. Các tài xế giành đường như chuyện “hai con dê qua cầu”, còn lái tàu thì không biết chuyện gì xảy ra trên cầu nên vẫn cứ cho tàu đi theo đúng lộ trình và việc va chạm là điều tất yếu xảy ra.
Người gác chắn lơ là
Cả nước còn một vài cây cầu sử dụng chung cho cả đường bộ và đường sắt, tất cả các cầu này đều có các chốt chắn ở hai đầu. Khi đến giờ tàu chạy, nhân viên gác chắn phải hạ barie để chặn các phương tiện cơ giới đường bộ lưu thông trên cầu. Nếu tối 6/2, các barie được hạ xuống đúng lúc thì không có chuyện tắc cầu vào giờ chạy tàu và không có vụ tai nạn xảy ra.
Theo kết quả điều tra ban đầu của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai, vụ tai nạn hy hữu này xảy ra do lỗi của nhiều cá nhân, đặc biệt là các nhân viên gác chắn ở hai đầu cầu Ghềnh và lỗi do cả đèn tín hiệu đường sắt hoạt động “không chuẩn”. Ông Tô Quang Toán, nhân viên bảo trì đèn tín hiệu đã thừa nhận với Công an tỉnh Đồng Nai rằng ông đã không kịp thời khắc phục đèn tín hiệu hư nên không cảnh báo được cho đoàn tàu.
Ngoài những lỗi đến từ nhân viên của ngành đường sắt làm nhiệm vụ tại khu vực cầu Ghềnh, vụ tai nạn trở nên nghiêm trọng còn do “tác nhân” khác là bản thân những người tham gia giao thông. Nếu không có vụ kẹt xe trên cầu thì tai nạn có xảy ra nhưng sẽ không thiệt hại nhiều về sức khỏe và tài sản của người tham gia giao thông. Vì thế, những người làm cho vụ tai nạn trở nên nghiêm trọng cũng đã bị Cơ quan điều tra thẩm vấn để làm rõ trách nhiệm.
Thông tin ban đầu từ cơ quan chức năng thì cơ quan công an cũng đã triệu tập anh Nguyễn Hùng Quốc, lái xe taxi của hãng Vinasun để điều tra việc gây ùn tắc giao thông khu vực cầu Ghềnh. Theo điều tra ban đầu, khi các ô tô bị nạn đi vào khu vực cầu thì bị ùn tắc do xe Quốc đi ngược chiều. Khi vào trong cầu, anh Quốc không chịu nhường đường mà tiếp tục đi theo chiều ngược lại khiến thời gian ùn tắc lâu thêm nên không kịp thông cầu khi xe lửa tới.
Cùng một lúc có nhiều người mắc lỗi nên vụ tai nạn đã xảy ra. Vậy ai là người phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe và tài sản cho người bị nạn? Chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Văn Toàn, VPSL Khánh Hưng về vấn đề này: Thưa Luật sư, đã có người chết và tài sản bị hư hỏng có thể tới nhiều tỷ đồng. Nhưng, rất nhiều người có lỗi trong việc để xảy ra vụ tai nạn, vậy ai sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại? Cơ sở pháp lý nào xác định trách nhiệm bồi thường thuộc về doanh nghiệp chủ sở hữu tàu, thưa ông? Cơ sở pháp lý để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại là các quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, được quy định tại Chương 21 Bộ luật Dân sự (từ Điều 604 đến Điều 630). Theo các quy định tại Chương này, chủ các phương tiện cơ giới đường bộ, đường sắt phải bồi thường trong trường hợp phương tiện đó gây thiệt hại cho người khác. Tại Điều 618 cũng quy định cụ thể, trường hợp người của pháp nhân gây thiệt hại trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của pháp nhân thì pháp nhân phải bồi thường. Trong vụ việc này, để xảy ra tai nạn có lỗi của nhân viên gác chắc, nhân viên lái tàu, nhân viên bảo trì đèn tín hiệu của Tổng Công ty đường sắt nên đơn vị này phải bồi thường. Trường hợp lái xe taxi Vinasun cũng bị thiệt hại về tài sản nhưng anh ta cũng có lỗi “làm tắc đường” thì anh ta có được bồi thường không, thưa ông? Nguyên nhân trực tiếp xảy ra tai nạn là lỗi của nhân viên đường sắt còn lỗi của lái xe là điều kiện để tai nạn xảy ra và làm cho tính chất của thiệt hại lớn hơn. Vì thế, việc lái xe có lỗi làm cho tắc đường không làm loại trừ trách nhiệm bồi thường của Tổng Công ty đường sắt cho những người bị nạn. Chỉ loại trừ việc bồi thường nếu lỗi hoàn toàn thuộc về người bị nạn như một số vụ việc bị tàu đâm do băng qua đường sắt khi đã có tín hiệu cấm qua đường. Xin cảm ơn ông!
Trong vụ việc này, việc xác định ai bồi thường, bồi thường cho ai và bồi thường như thế nào là việc khá phức tạp do yếu tố lỗi hỗn hợp của cả chủ phương tiện gây tai nạn và người bị nạn. Tuy nhiên, tôi cho rằng trong vụ tai nạ này, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam là tổ chức phải chịu trách nhiệm chính đối với những thiệt hại về tài sản và sức khỏe của người bị nạn.