Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 31 Luật BHXH, điều kiện hưởng chế độ thai sản của lao động nữ sinh con là phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Khoản 1 Điều 9 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể điều kiện này như sau: Thời gian 12 tháng trước khi sinh con được xác định như sau:
- Trường hợp sinh con trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con;
- Trường hợp sinh con từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng BHXH, thì tháng sinh con được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Trường hợp tháng đó không đóng BHXH thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này.
Trường hợp bà Trương Thị Thi bắt đầu tham gia, đóng BHXH từ tháng 11/2014 đến hết tháng 3/2017, sau đó thì nghỉ việc. Hiện tại chưa tìm được việc mới và không đóng BHXH tiếp tục.
Bà Thi dự kiến sinh con vào nửa cuối tháng 11/2017. Nhưng tháng 11/2017 bà không đóng BHXH, nên thời gian 12 tháng trước khi sinh được tính như trường hợp sinh con trước ngày 15 của tháng: Tháng sinh con 11/2017 không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Theo đó, thời gian 12 tháng trước khi sinh con được tính từ tháng 11/2016 đến tháng 10/2017, nếu trong thời gian này bà Thi đã đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên thì bà được hưởng chế độ thai sản theo quy định.
Tuy nhiên, thực tế trong thời gian 12 tháng tính từ tháng 11/2016 đến tháng 10/2017 bà Thi chỉ đóng BHXH được 5 tháng, gồm: Tháng 11/2016, tháng 12/2016, tháng 1/2017, tháng 2/2017 và tháng 3/2017 (chưa đủ 6 tháng). Vì vậy, bà Thi không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản./.