Cả nước đều biết, lễ hội thả hoa tưởng nhớ các liệt sĩ bên bờ sông Thạch Hãn – Quảng Trị diễn ra vào tháng 7 hàng năm. Lê Bá Dương – tác giả của những câu thơ nổi tiếng “Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”, tất cả đều đã biết.
Nhưng, hẳn rằng vẫn rất ít người được biết, lễ hội thả hoa đầy xúc động ấy lại ra đời sau cuộc gặp gỡ của hai người đàn ông, hai người lính đến từ hai miền của đất nước, với hai cương vị công tác khác nhau. Trong trái tim họ có chung một dòng máu, một nhịp đập của tinh thần Việt: biết tri ân, biết nâng niu những giá trị bất biến của dân tộc.
Quyết định từ sự thấu hiểu
Tra cứu về “Lễ hội thả hoa trên sông Thạch Hãn” và ông Lê Bá Dương (hiện đang là nghệ sĩ nhiếp ảnh, hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, phụ trách Văn phòng của báo Văn hóa tại Nha Trang, Khánh Hòa) - người từng có nhiều năm dành dụm tiền mua hương, hoa thả xuống dòng sông Thạch Hãn để tưởng nhớ linh hồn đồng đội của mình cho đến khi nó trở thành lễ hội như ngày nay - chỉ có vỏn vẹn dòng thông tin: “Hàng chục năm, ông Lê Bá Dương đơn độc thả hoa như thế; đến thời ông Vũ Trọng Kim làm Bí thư tỉnh Quảng Trị thì mới phát động thành phong trào rầm rộ như ngày nay”.
Còn câu chuyện đằng sau sự kiện đó là gì, thì chưa mấy ai được biết.
Thả hoa tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ |
Đi tìm hồi ức về những ngày tháng đó, người viết có dịp được trao đổi với ông Lê Bá Dương để rồi biết, để rồi cảm động với cuộc gặp gỡ của hai người đàn ông, hai người lính đến từ hai miền của đất nước, ở hai cương vị công tác khác nhau. Trong trái tim của họ lại có chung một dòng máu, một nhịp đập của tinh thần Việt: biết tri ân, biết nâng niu những giá trị bất biến của dân tộc.
Ông Lê Bá Dương kể: “Sau giải phóng thống nhất được 1 năm, năm 1976 tôi bắt đầu tìm về với Quảng Trị, với Thạch Hãn để thả hoa xuống dòng sông cho các đồng đội đã hy sinh của mình. Những năm đó, xã hội còn nghèo, bản thân tôi cũng phải dành dụm từng đồng để mưu sinh nhưng tiền để mua hoa thì không bao giờ đắn đo.
Ông Vũ Trọng Kim tặng quà cho gia đình chính sách tại Khe Sanh, Lao Bảo, Quảng Trị |
Thế nên, lắm người bảo tôi khùng, không đủ ăn mà mua hoa thả sông thật lãng phí. Nhưng, tôi biết mình đang làm gì và không bao giờ bỏ cuộc. Tôi còn nhớ đến năm 1987, cũng trong dịp tháng 7, anh em cán bộ xã Triệu Phong có việc ra chợ Quảng Trị mua hoa nhưng bà con ở chợ nói rằng, hoa đã được một người đàn ông mua hết mang ra bờ sông Thạch Hãn rồi.
Thấy lạ, các anh ấy tìm ra gặp tôi và nói chuyện. Hóa ra họ cũng đều là anh em du kích địa phương đã đi qua những năm tháng chiến tranh cả, thế nên rất nhanh chóng đồng cảm với tôi và chúng tôi đồng hành với nhau trong việc thả hoa trên sông từ dạo đó”.
Khoảng năm 2000, theo trí nhớ của ông Lê Bá Dương, khi ông Vũ Trọng Kim (hiện đang là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) về làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, đã biết đến câu chuyện thả hoa và người đàn ông bị gắn tên là “khùng”.
Ông Kim mời ông Lê Bá Dương đến gặp để hỏi chuyện. “Chúng tôi, hai người đàn ông cùng sinh năm 1953, người Quảng Nam, người Nghệ An nhưng không hiểu sao chỉ sau một vài phút bỡ ngỡ ban đầu đã hợp nhau đến lạ, như một thứ duyên. Bởi, anh Kim khi còn thiếu niên đã là dũng sĩ cách mạng, còn tôi trốn nhà đi bộ đội khi còn rất trẻ. Hồi trốn nhà nhập ngũ, tôi đã từng được nghe, được đọc về tấm gương của anh Kim và rất ngưỡng mộ anh ấy” – ông Dương bồi hồi nhớ lại.
Trong cuộc gặp gỡ đó, ông Dương lý giải với ông Vũ Trọng Kim lý do thả hoa xuống dòng sông Thạch Hãn của mình rằng, “anh em chúng ta đều từ trận mạc đi ra và đều hiểu rằng không phải người lính nào cũng được trở về nhà, thậm chí dù chỉ bằng hài cốt, vì máu xương họ đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trận, hòa với non sông đất nước này. Thế nên, tôi làm thế để anh em biết rằng chúng ta - những người còn sống - luôn thương nhớ, không bao giờ quên sự hy sinh của họ”.
Sau lần gặp gỡ ấy, Bí thư Tỉnh ủy Vũ Trọng Kim đã bàn bạc với các đồng chí trong Tỉnh ủy để nhân rộng việc làm của ông Dương thành phong trào cho nhân dân. Nhiệm vụ đó được giao cho nhà văn Xuân Đức (tác giả tiểu thuyết nổi tiếng Người không mang họ) lúc bấy giờ là Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh và ông Xuân Đức với tài nghệ dựng kịch bản, tổ chức của mình, đã cho ra đời “Lễ hội thả hoa trên sông Thạch Hãn”.
Trong đêm lễ hội đầu tiên, bên bờ sông Thạch Hãn lộng gió, ông Vũ Trọng Kim và ông Lê Bá Dương lặng đứng bên nhau lắng nghe tiếng gió, tiếng sóng như những tiếng thầm thì của đồng đội. Ông Dương đã thay lời cảm ơn của mình tới ông Vũ Trọng Kim bằng một câu nói ngắn gọn: “Người Quảng Trị mình là vậy, dù đói nghèo, giông bão cũng không bao giờ quên và nề hà chuyện ân nghĩa ”. Năm đó là năm 2001.
Ông Vũ Trọng Kim, giờ đây rất bận bịu với công tác của mình nên khi được hỏi về hồi ức những tháng năm đó, đã nhường lời cho ông Lê Bá Dương và chỉ bổ sung thêm rằng: “Sau khi nói chuyện cùng anh Dương, tôi đã rất cảm động và tôi nghĩ rằng mình đã quyết định đúng khi đề xuất nâng việc làm đó lên thành phong trào, thành lễ hội. Sự biết ơn những hy sinh, những máu xương đã đổ không bao giờ là đủ và không bao giờ là thừa”.
Đưa quê hương về với đồng đội
Được biết, không chỉ mỗi dịp tháng 7, hàng năm ông Lê Bá Dương còn nhiều lần tìm về với Quảng Trị. Đúng như ông Kim đã nói, sự biết ơn những hy sinh, những máu xương đã đổ không bao giờ là thừa hay đủ nên ông Dương luôn muốn làm những gì tốt nhất cho đồng đội đã ngã xuống, chừng nào sức khỏe và điều kiện còn cho phép.
Ông đã đứng ra tìm nguồn tài trợ, tổ chức cho rất nhiều đoàn cựu chiến binh về thăm lại chiến trường Quảng Trị - Thành cổ xưa. Không chỉ thế, ông còn có sáng kiến đề nghị những người cựu chiến binh từ 3 miền Bắc – Trung – Nam lấy nước, đất của Hoàng thành Thăng Long, sông Hồng, Hồ Gươm, sông Lam, 18 Thôn vườn trầu, Bến Nhà Rồng… và đất vườn, nước giếng tại nhà các liệt sĩ để hòa vào dòng sông Thạch Hãn, tượng đài Thành cổ như một cách “đưa quê hương về cho đồng đội”, theo lời ông….
Tôi, người viết bài này, khi nghe đến đây bỗng thấy mắt mình ậng nước. Sinh ra ở mảnh đất nơi có nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng nhất cả nước, tôi hiểu những gì mà sự mất mát, đau thương mang lại. Mảnh đất vườn nhà vẫn ngày đêm ngóng bước chân các anh trở về, giếng nước sân nhà vẫn chờ mong bàn tay các anh kéo gầu, làn môi các anh vục vào dòng nước mát quê hương.
Và mẹ, mẹ vẫn ngồi đó, đôi mắt già nua, mờ đục hướng ra cửa để lắng nghe từng bước chân anh: “Về rồi đó hả con? Đói không, lạnh không? Mau vào nhà ăn cơm đi con”. Và, tôi tin rằng những chai nước, những nắm đất từ mọi miền quê hương mà người cựu chiến binh Lê Bá Dương và những đồng đội của mình mang đến sẽ giúp cho các anh – những linh hồn liệt sĩ bất diệt – được về với quê nhà, về với mẹ.
Xuân Hoa