Em gái quê mơ mộng
12 tuổi rời xa quê nhà ở một huyện miền núi Cẩm Thủy,Thanh Hóa, Huệ ra Hà Nội theo học ngành múa với suy nghĩ đơn giản là thích nhảy múa, yêu văn nghệ. “Em không hiểu sao mình lại theo nghiệp múa, bố mẹ đều là tiểu thương buôn bán nhỏ ở một nơi miền núi xa lắc lơ không có một thứ gì dính dáng đến múa mà lại lại Ballet, thứ nghệ thuật quý tộc xa xỉ đó”, Huệ hồn nhiên chia sẻ.
Nhưng rồi Huệ vẫn theo đuổi giấc mơ lớn đó, được múa, được tỏa sáng, được theo đuổi điều đam mê không giới hạn. Những chuyến xe buýt đưa cô gái nhỏ bé với chiếc ba lô to đùng đủ các dụng cụ học tập từ Kim Giang lên Trường múa Việt Nam vẫn đều đặn bao mùa mưa nắng. Sự âm thầm đó khiến Huệ trở thành một nhân tố nổi bật của lớp học.
Luôn giành được học bổng trong suốt các năm học, Huệ không bao giờ bỏ học dù phải đi làm thêm để trang trải cuộc sống, vì học múa rất tốn kém, tiêu hao năng lượng. Sự miệt mài đó khiến Huệ có một nền tảng tốt sau khi tốt nghiệp. Nhiều nhà hát lớn mời em về làm việc, nhưng cuối cùng Huệ chọn Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam, nơi mà Huệ tin tưởng sẽ bồi đắp cho giấc mơ của mình.
Trước khi làm vở Hồ Thiên Nga, Huệ đã có khoảng thời gian làm việc và học hỏi dưới sự dẫn dắt của nguyên Giám Đốc Phạm Anh Phương và nghệ sĩ nhân dân Kiều Ngân, cùng sự chia sẻ kinh nghiệm từ các anh chị Soloist trước, đã tạo cho Huệ nhiều kinh nghiệm trong sự nghiệp non trẻ. Em cho biết đó là những năm tháng cô không bao giờ quên, sự thành công mà em có được hôm nay có sự tận tụy của những người thầy đầu tiên đó.
Khi Giám đốc nhà hát Trần Ly Ly quyết định táo bạo dựng lại vở Hồ Thiên nga với một khát khao rằng: Người Việt Nam sẽ làm được điều mà thế giới làm và phải bắt đầu từ vỡ Ballet đỉnh cao của Ballet: Thu Huệ được chọn là vai chính (Soloist) với ấp ủ lớn của Trần Ly Ly là phải đưa nghệ thuật kinh viện này đến với cộng đồng.
Những ngày tập luyện cùng với hàng trăm người trong nhiều tháng liền, với cương vị là giám đốc nhà hát, chỉ đạo nghệ thuật, Trần Ly Ly thốt lên khi nói về Thu Huệ: “ Đó là một diễn viên Ballet đẳng cấp, là linh hồn của vở diễn mà không có ai thay thế được trong thời điểm này”.
Còn đạo diễn, diễn viên múa hàng đầu tại Royal Ballet London (Đoàn ballet hoàng gia Anh) Lê Ngọc Văn được mời làm đạo diễn, biên đạo múa của vở diễn, dù rất kiệm lời khen cũng thừa nhận:
“Thu Huệ là diễn viên Soloist hàng đầu Việt Nam”.
Anh cho biết thêm: “Chưa có một đoàn múa nhà nước ở miền bắc nào có đội ngũ diễn viên làm việc chuyên nghiệp như tập thể diễn viên múa Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam, họ làm thật, họ bỏ sức thật sự. Rất đáng để chúng ta khâm phục và tôn trọng”.
Tạp chí Forbes đã chọn Huệ vào 30 nhân vật gây cảm hứng cho cộng đồng |
Tỏa sáng sau biết bao nhọc nhằn
Trong phần đánh giá về Thu Huệ, tạp chí Forbes Việt Nam viết: “Thu Huệ là diễn viên Ballet Việt Nam đầu tiên đảm nhận vai chính cả thiên nga trắng và thiên nga đen trong vở Hồ Thiên nga trong một đêm diễn. Phân vai như vậy đòi hỏi nghệ sĩ phải có tài năng, sức khỏe và sự khổ luyện để đạt tới kỹ thuật mong muốn. Đây là một thách thức lớn trong môi trường ít có điều kiện biểu diễn, đào tạo còn nhiều hạn chế như ở Việt Nam.
Thiên nga trắng và Thiên nga đen là hai nhân vật đối ngược trong một vở diễn, trong cùng một nhân vật đều được đẩy đến tận cùng cao trào của cảm xúc. Đó là biểu tượng của cảm xúc xung đột nội tâm dữ dội”.
Nhiều đêm diễn cháy vé, truyền thông ngạc nhiên, công chúng thán phục. Thu Huệ vẫn lặng lẽ chuẩn bị cho những đêm diễn tiếp theo, mỉm cười với cả lời khen chê của người đời. “Công chúng chỉ thấy diễn viên lấp lánh trên sân khâu, và khi cánh màn nhung khép lại họ không hiểu nghệ sĩ chịu nhiều sức ép thế nào. Nhưng đã mang lấy nghiệp diễn thì phải cứ tỏa sáng, cứ say mê với nhân vật của mình”, Huệ bộc bạch.
Khi tôi hỏi về thành công của Huệ, em chỉ cười: “Đó là may mắn trong sự nghiệp của em và em cảm thấy hãnh diện vì những gì mình đã trải qua. Nhiều khó khăn, gian khổ, thiếu thốn, nhưng chưa bao giờ em nghĩ sẽ bỏ dở con đường đã đi. Sự ghi đó khiến em cảm thấy thật đặc biệt. Nó là nền tảng quý báu để em vươn cao hơn nữa trong sự nghiệp. Bây giờ em đang vui vì mọi thứ thật đẹp, nó chẳng khác gì một giấc mơ có thật”.
Vở diễn Hồ Thiên nga được đánh giá là đột phá của Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam |
“142 năm sau lần công diễn đầu tiên tại Moskva, vở ballet kinh điển “Hồ Thiên Nga” đã được tái hiện với nhiều phiên bản khác nhau tại hàng trăm nhà hát khác nhau trên thế giới. Con số này cho thấy kiệt tác này đã trở thành một quy chuẩn của nét đẹp phương Tây, của nhân loại, đòi hỏi kỹ thuật biểu diễn phải đạt tới bậc điêu luyện.
Lần đầu tiên vở ballet này được trình diễn đầu đủ ở Việt Nam là năm 1985 dưới sự dàn dựng của chuyên gia người Nga. Từ đó tới nay, “Hồ Thiên Nga” vẫn là một thách thức không nhỏ đối với các nghệ sĩ và biên đạo ballet Việt Nam. Họ chỉ có thể biểu diễn những trích đoạn ngắn, nếu dài hơn thì phải mời các đoàn ballet của Nga. Điều này vừa là khó khăn, vừa là mục tiêu nỗ lực của các nghệ sĩ Việt Nam.
Kể từ khi về đảm nhận quyền lãnh đạo VNOB (3/2018), NSƯT Trần Ly Ly đã nuôi tham vọng đưa toàn bộ “Hồ Thiên Nga” lên sân khấu Việt, trình diễn hoàn toàn bởi người Việt. Đây là một quyết định táo bạo đối với lãnh đạo và toàn bộ các thành viên nhà hát. Bất chấp sự thiếu thốn về tiền bạc, mỗi cá nhân đều dốc hết sức mình để đạt được trình độ kỹ thuật tiêu chuẩn châu Âu.
Chính vì vậy, lần công diễn “Hồ Thiên Nga” này không chỉ thể hiện niềm vinh dự lớn lao của các thành viên nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam trong lễ kỷ niệm 60 năm thành lập mà còn đánh dấu một bước chuyển mình của nền ballet Việt Nam nói chung”. (nguồn Hanoi Grapevine)