Sau khi Báo đăng, gia đình ông Khanh nhận được trả lời từ cả VKS và công an. Hai cơ quan này “đùn đẩy” nhau thẩm quyền cho ông Khanh tại ngoại.
Đề nghị hợp tình, hợp lý của gia đình ông Khanh
Ông Khanh bị cáo buộc là đồng phạm giúp sức cho hai cán bộ Ngân hàng BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Ông Khanh liên tục kêu oan. Do hồ sơ vụ án nhiều thiếu sót, mới đây HĐXX phiên sơ thẩm đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
Trước đó, ngày 27/12/2019, bà Huỳnh Thị Phương Anh (vợ ông Khanh) và ông Nguyễn Thanh Sang (em ruột ông Khanh) có “đơn xin bảo lãnh” cho ông Khanh được tại ngoại để chữa bệnh. Đơn gửi VKSND và CQĐT công an tỉnh Bình Dương.
Đơn nêu ra các căn cứ pháp lý cho thấy việc cho ông Khanh tại ngoại là có căn cứ. Thứ nhất, ông Khanh có địa chỉ cư trú và lý lịch rõ ràng, từ khi bị bắt tạm giam đến nay không vi phạm, khai báo rõ ràng.
Thứ hai, đến nay chưa có căn cứ chứng minh và CQĐT chưa nêu được việc ông Khanh phạm tội với vai trò đồng phạm, giúp sức là phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay gì khác.
Thứ ba, sức khỏe ông Khanh hiện rất yếu. Tại phiên sơ thẩm bị trả hồ sơ mới đây, ông Khanh không thể đứng được, tai bị điếc nặng, có biểu hiện tai biến mạch máu não.
“Vì thế, để đảm bảo cho chồng, cho anh chúng tôi có thể đủ sức khỏe cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thì cần phải được chăm sóc hỗ trợ điều trị tại nhà”, đơn nêu.
Gia đình cam kết nếu được tại ngoại, ông Khanh sẽ chấp hành có mặt theo giấy triệu tập, không đi khỏi nơi cư trú, không thực hiện các hành vi làm ảnh hưởng đến vụ án.
Việc cho ông Khanh tại ngoại được các luật sư đánh giá là phù hợp cả tình và lý. Đặc biệt là lý do sức khỏe của ông Khanh sẽ ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án nên cần được tại ngoại để chữa bệnh.
Công an và VKS “đá bóng” thẩm quyền giải quyết
Sau khi PLVN có bài phản ánh, ngày 10/1/2020, vợ ông Khanh nhận được trả lời từ VKS, em ông Khanh thì nhận được trả lời của CQĐT. “Không rõ hai cơ quan này có phân công nhau gửi hay không mà mỗi cơ quan gửi trả lời cho một người; dù trong đơn chúng tôi đề tên hai người và đề tên hai cơ quan. Trong hai trả lời cũng nêu tên hai chúng tôi”, vợ ông Khanh nói.
Văn bản trả lời số 140/PC03(Đ4), ngày 02/1/2020 do Thủ trưởng CQĐT, Đại tá Trần Văn Chính ký, nêu ngày 31/12/2019 CQĐT có nhận được đơn xin bảo lãnh của bà Phương Anh và ông Sang.
Ngày 24/12/2019, CQĐT có tiếp nhận hồ sơ mà ông Khanh bị truy tố là đồng phạm giúp sức theo Quyết định trả hồ sơ của VKS. Cùng ngày CQĐT ra lệnh tạm giam với ông Khanh 1 tháng (từ 24/12/2019-22/1/2020) và lệnh này đã được VKS ra quyết định phê chuẩn.
“Căn cứ khoản 2 Điều 125 BLTTHS quy định việc hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn, CQĐT xét thấy cần thiết phải tạm giam ông Khanh để phục vụ công tác điều tra và việc hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp tạm giam với ông Khanh là thẩm quyền của VKSND Bình Dương”, văn bản nêu.
Ngược lại với trả lời của CQĐT rằng thẩm quyền hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp tạm giam thuộc VKS, VKSND Bình Dương có Giấy báo tin số 07/GBT–VKS–P1, ngày 2/1/2020 do kiểm sát viên Huỳnh Trung Hiếu ký, nêu hiện vụ án đang được CQĐT Công an Bình Dương thụ lý điều tra bổ sung. “Do đó, VKS chuyển đơn xin bảo lãnh đến CQĐT để thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền và tiến hành kiểm sát việc giải quyết đơn theo pháp luật”, văn bản nêu.
“Như vậy, VKS và CQĐT đang đùn đẩy, “đá nhau” về thẩm quyền giải quyết đơn xin bảo lãnh cho chồng tôi. VKS nói thẩm quyền của công an, công an lại nói thẩm quyền của VKS”, vợ ông Khanh nói.
Bà Phương Anh còn thắc mắc, hai văn bản ký ngày 2/1/2020 nhưng theo dấu bưu điện thì ngày 7/1/2020 mới được gửi đi; nghĩa là cùng ngày 7/1/2020 PLVN có bài viết phản ánh việc CQĐT nhiều lần im lặng với đơn xin bảo lãnh của gia đình ông Khanh.
Luật sư: “Thẩm quyền thuộc VKS”
Trước sự việc này, các luật sư (LS) cho rằng thẩm quyền giải quyết đơn xin bảo lãnh và hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn thuộc về VKSND tỉnh Bình Dương.
LS Nguyễn Hoài Nghĩa (Đoàn LS TP HCM), nói: “Việc tạm giam ông Khanh 1 tháng mà CQĐT ra lệnh đã được VKS phê chuẩn. Khoản 2 Điều 125 BLTTHS quy định “Với những biện pháp ngăn chặn do VKS phê chuẩn trong giai đoạn điều tra thì việc hủy bỏ hoặc thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác phải do VKS quyết định”.
Như vậy việc giải quyết đơn xin bảo lãnh và có hủy bỏ, thay thế biện pháp ngăn chặn hay không thuộc thẩm quyền của VKSND Bình Dương. Trong trường hợp còn 10 ngày nữa sẽ hết hạn tạm giam thì CQĐT có quyền làm văn bản thông báo đề xuất, nêu ý kiến có hủy bỏ, thay thế biện pháp ngăn chặn hay tiếp tục tạm giam để VKS biết”.
Theo LS Nghĩa, VKS trả lời “không thuộc thẩm quyền nên chuyển đơn đến CQĐT” là trái quy định pháp luật.
Đồng quan điểm, LS Nguyễn Văn Dũ (Đoàn LS TP HCM) nói: “VKS trả lời như thế là không đúng. Thẩm quyền trong trường hợp này thuộc về VKS”. Ngoài khoản 1 Điều 125 BLTTHS, LS Dũ trích dẫn khoản 3 Điều 5 Thông tư liên tịch 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP của VKSND Tối cao, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Theo Thông tư liên tịch 04, khi VKS nhận được đơn xin bảo lãnh thì VKS trao đổi với CQĐT và ra quyết định có hủy bỏ tạm giam, thay đổi biện pháp ngăn chặn hay không”.
Vợ và em trai ông Khanh cho biết sẽ khiếu nại việc VKS và Công an Bình Dương không cho ông Khanh tại ngoại để chữa bệnh.