Phim nước ngoài đại thắng phòng vé
Đã hết quý III bước sang quý IV, quý cuối cùng trong năm 2023 nhưng nhìn lại các dự án phim Việt dường như vẫn “dậm chân tại chỗ” sau những “cú hích” mạnh mẽ tại các phòng vé từ Tết Nguyên đán. Thành công của những đại diện sáng giá như: “Nhà bà Nữ”, “Chị chị em em”, “Siêu lừa gặp siêu lầy” hay “Lật mặt 6” với doanh thu hàng trăm tỷ đồng đã tạo đột phá cho doanh thu của thị trường điện ảnh nội địa nửa đầu năm. Dẫu biết rằng thường các kỳ nghỉ lễ sẽ là thời điểm vàng để các bộ phim “khuấy đảo” phòng vé nhưng không thể phủ nhận thành công còn đến từ chất lượng phim.
Với “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, điện ảnh Việt đã có cú “mở bát” đáng nhớ khi sau 6 tháng với 10 dự án điện ảnh nội địa trình làng, tổng doanh thu của phim Việt đã vượt 1.000 tỉ đồng (theo thống kê từ Box Office Vietnam). Đây có thể xem như thành tích tốt nhất của thị trường điện ảnh nước nhà trong vòng 5 năm qua. Con số này bằng doanh thu của cả năm 2019 - năm thị trường phim Việt được đánh giá sôi động bậc nhất.
Những tưởng sẽ “đầu xuôi đuôi lọt” nhưng đáng tiếc, điện ảnh Việt sớm đánh mất phong độ ở giai đoạn nửa cuối năm, dù đã đến thời điểm để các dự án tăng tốc về đích nhưng gần như chưa có một dự án phim thương mại nào đạt được những con số khủng. Thay vào đó, từ tháng 6/2023 phòng vé Việt chỉ là cuộc đua của các tác phẩm nước ngoài. Loạt “bom tấn” như: “Fast & Furious 10: Quá nhanh quá nguy hiểm”, “Transformers: Quái thú trỗi dậy”, “Nàng tiên cá”, “Nhiệm vụ bất khả thi 7”, “Vệ binh dải ngân hà 3”... chiếm lĩnh thị trường phim hè.
Nhiều năm qua, hiện tượng phim ngoại “lấn át” phim Việt vào mùa hè vẫn thường xảy ra. Đây là thời điểm nhiều bộ phim nước ngoài “đổ bộ” vào thị trường phòng vé Việt Nam với mức kinh phí đầu tư lớn, dàn diễn viên nổi tiếng, kỹ xảo hoành tráng. Đứng trước sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các bộ phim “bom tấn” nước ngoài, phim điện ảnh Việt được cho là “lép vế” khi ra rạp thời điểm này.
Số phim Việt trình làng chỉ đếm trên đầu ngón tay và cũng không đủ gây ấn tượng và tạo “cú hích” tại các phòng vé. Tiêu biểu như: “Fanti”, “Kẻ ẩn danh”, “Bến phà xác sống”, “Chạm vào hạnh phúc”,… “Fanti” của đạo diễn Việt kiều Andy Nguyễn đánh dấu sự trở lại của phim Việt tại phòng vé sau khi “Lật mặt 6” rời rạp. Ý tưởng được đánh giá mới mẻ nhưng phim không tạo hiệu ứng như kỳ vọng. Doanh thu khiêm tốn hơn 1,1 tỷ đồng trong 3 ngày chiếu đầu tiên khiến “Fanti” trở thành phim Việt có doanh thu mở màn thấp nhất tính từ đầu năm 2023.
Phim hành động “Kẻ ẩn danh” ra mắt vào tháng 8/2023 được kỳ vọng sẽ ít nhiều tạo nên dấu ấn trong các phòng vé nhưng thực tế với nội dung được đánh giá không có gì mới, nhiều tình tiết khiên cưỡng… “Kẻ ẩn danh” chỉ thu về được 42 tỉ đồng sau 3 tuần ra rạp. Hậu truyện của Cù lao xác sống được đánh giá “thảm họa” năm 2022, phim kinh dị Bến phà xác sống ra rạp 1/9/2023 tiếp tục đi vào “vết xe đổ” khi bị đánh giá “thảm họa” của dòng phim thương mại trong năm 2023. Thế nên không nằm ngoài dự đoán, phim chỉ chạm mốc doanh thu gần 4 tỉ đồng.
Ra rạp cũng gần thời điểm của hai phim trên, “Chạm vào hạnh phúc” lại khai thác chủ đề tình cảm gia đình, vốn là “món ăn” quen thuộc và dễ ghi điểm với khán giả Việt. Song, phim khó tạo “cơn sốt” tại phòng vé vì quy tụ dàn diễn viên không mấy hút khách. Cùng với đó, phim cũng không có nhiều đột phá khi nội dung và lối kể chuyện mang đậm màu sắc truyền hình. Sau 2 tuần công chiếu, phim thu về vỏn vẹn có hơn 2 tỉ đồng.
Làm một phép tính nhỏ với doanh thu của bộ phim “bom tấn” “Transformers: Quái thú trỗi dậy”, chỉ sau 3 ngày ra mắt phim đã thu về gần 30 tỷ đồng, có lẽ là câu trả lời rõ nhất cho thấy dấu hiệu “hụt hơi” của dòng phim thương mại Việt Nam. Vậy câu hỏi đặt ra phim thương mại thất bại tại các phòng vé là do thị trường hay chất lượng phim? Điểm lại những tác phẩm đã công chiếu, có lẽ chúng ta phần nào đã có câu trả lời. Nếu không có những tác phẩm với nội dung hấp dẫn, dàn diễn viên “hot” và được đầu tư “khủng” thì có lẽ việc tạo ra những “cú hích” tại các phòng vé là điều xa vời.
“Nhà bà Nữ” - “cú hích” đầu năm của điện ảnh Việt. (Ảnh: “Nhà bà Nữ”) |
Điện ảnh Việt trên đường đi tìm chính mình
Mỗi năm, có hàng chục phim điện ảnh Việt Nam được ra mắt cho thấy sự nỗ lực của điện ảnh nước nhà nhằm lấy lại thị trường từ các hãng phim nước ngoài. Tuy nhiên, để “điểm mặt gọi tên” các tác phẩm thực sự “đánh bật” điện ảnh nước ngoài tại các rạp chiếu phim nội địa vẫn đếm trên đầu ngón tay. Dù số lượng nhiều nhưng không đi đôi với chất lượng là những nuối tiếc để lại trong lòng công chúng và những người đặt kỳ vọng vào nền điện ảnh trong nước.
Điện ảnh là loại hình nghệ thuật tiếp nhận tính tổng hợp của 6 loại hình văn học nghệ thuật trước đó và ngày càng hoàn thiện, làm giàu cho ngôn ngữ biểu hiện khá hoàn chỉnh và luôn năng động, hướng tới sự cách tân. Tuy nhiên, nếu muốn tạo nên sự hấp dẫn lâu bền ngoài tư duy sắc bén về điện ảnh, những nhà làm phim không thể tách rời cái gốc vững chắc được vun đắp bằng bản sắc riêng từ văn hóa bản địa của mình. Đó là điều làm nên sự khác biệt giữa điện ảnh nước này với điện ảnh nước khác và có vị trí khó quên trong lòng khán giả.
Theo Thạc sĩ, nhà biên kịch Trần Thị Thanh Hồng, từ thực tế phát triển của các nền điện ảnh nổi tiếng trên thế giới chúng ta có thể điểm qua hành trình tồn tại và phát triển đi lên của một số nền điện ảnh tiêu biểu ở châu Á như điện ảnh Trung Quốc và điện ảnh Hàn Quốc.
Điện ảnh Trung Quốc, sau nhiều thập niên được sản xuất theo chủ đề thời vụ, các nhà làm phim Hoa ngữ tập trung ngược về cội nguồn, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên vô tận là lịch sử cổ đại, trung đại và các giá trị văn hoá truyền thống. Có thể nói trong việc làm phim lịch sử khó có nền điện ảnh nào vượt được điện ảnh Trung Quốc. Ngoài ra còn có thể kể đến thể loại phim võ thuật kungfu, một thể loại đã tạo ra đặc điểm riêng biệt cho điện ảnh Trung Quốc và có thể coi là biểu tượng văn hóa của đất nước này. Dòng phim kungfu thậm chí đã ảnh hưởng đến phong cách của dòng phim hành động ở Hollywood.
Khác với Trung Quốc, các nhà sản xuất phim Hàn Quốc luôn xác định mục tiêu chính là làm phim giải trí và thị trường chính là phục vụ khán giả trong nước. Cách làm phim mới này bắt đầu từ thế kỷ 21 đã giúp Hàn Quốc thoát khỏi cảnh doanh thu ảm đảm vì tư duy làm phim cũ kỹ, xa rời cuộc sống hiện đại. Với hướng đi mới, điện ảnh Hàn “làm mưa làm gió” tại thị trường trong nước với hàng loạt phim vượt mốc 10 triệu lượt xem. Đây cũng là một trong số các nền điện ảnh trên thế giới ít bị ảnh hưởng và họ cạnh tranh sòng phẳng với những bộ phim đến từ Hollywood.
Nhìn vào hướng đi của hai nền điện ảnh tiêu biểu châu Á, có thể thấy điện ảnh Việt Nam vẫn đang trên đường đi tìm chính mình. Cùng với sự chệch hướng của một số tác phẩm điện ảnh được làm một cách dễ dãi, hời hợt về cốt truyện, tư duy nghệ thuật rối rắm, nhiều bộ phim hài nhảm từ tên phim đến diễn xuất của diễn viên khiến khán giả “tẩy chay”, rạp chiếu vắng khách, ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín của các nhà làm phim chân chính và hết lòng vì nghệ thuật.
Bàn về giải pháp nâng cao chất lượng tác phẩm điện ảnh, thạc sĩ, nhà biên kịch Tống Phương Dung cho rằng, để điện ảnh Việt Nam vượt qua và có thể tiếp tục phát triển thì không còn con đường nào khác ngoài con đường đối diện với khó khăn, tìm cách thay đổi và bứt phá. Theo ông, ngoài kiến thức, chuyên môn nghề nghiệp thì ý thức làm việc, tinh thần cống hiến và sự trau chuốt trong sáng tác là điều cực kỳ cần thiết để có một kịch bản chất lượng.
Nhà biên kịch Trần Thị Thanh Hồng cũng đưa ra giải pháp, cần tăng cường công tác đào tạo các tài năng của điện ảnh, đầu tư xứng đáng, chọn ra những nhà làm phim thật sự có tài, tạo điều kiện cho họ đi du học tại các nước có nền điện ảnh tiên tiến nhất thế giới để học hỏi, đem kiến thức về áp dụng làm phim tại Việt Nam để nâng cao chất lượng nghệ thuật của tác phẩm.
Tìm ra con đường của chính mình là điều mà những nhà làm điện ảnh nước ta cần phải làm. Bên cạnh một chiến lược phát triển điện ảnh phù hợp phải có những nhà làm phim, những người làm phim có đam mê, thái độ làm việc nghiêm túc với nghề khi ấy mới hy vọng một nền điện ảnh Việt cất cánh và mang màu sắc riêng.