Đến thời điểm hiện tại, mặc dù dịch chưa bùng phát ở các tỉnh ĐBSCL nhưng lãnh đạo các địa phương đã chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống, lên phương án kịp thời ngăn ngừa khi dịch bệnh xảy ra.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu, hiện có nhiều thương lái vận chuyển heo hơi vào tỉnh tiêu thụ. Tuy nhiên, để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan và bùng phát, tỉnh đã chỉ đạo các trạm kiểm dịch động vật hoạt động 24/24. Trước khi các xe chở heo vào địa bàn phải qua các trạm kiểm dịch và được phun thuốc khử trùng đầy đủ. Những xe có dấu hiệu tháo niêm phong chì, cán bộ thú y kiên quyết không cho nhập vào tỉnh. Đồng thời, tỉnh đã thành lập đoàn đến kiểm tra những lò giết mổ gia súc trên địa bàn và các điểm chợ.
Tại Vĩnh Long, để khống chế bệnh dịch, UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành chức năng có liên quan tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ đàn heo trên địa bàn tỉnh; theo dõi, bám sát tình hình bệnh dịch trong nước để có giải pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh. Ông Trần Hoàng Tựu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Nghiêm cấm người dân tham gia các hoạt động mua bán, vận chuyển heo, sản phẩm heo không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, để hạn chế phát sinh và lây lan dịch bệnh”. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông đến với người dân để hiểu về dịch, tránh gây tâm lý hoang mang lo lắng quá mức.
Tiền Giang là địa phương có đàn heo nhiều nhất vùng ĐBSCL, với tổng đàn khoảng 600.000 con, tăng gần 150.000 con so với cùng kỳ năm 2018. Hiện, tỉnh đang kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn heo và giám sát chặt chẽ việc người chăn nuôi tập trung tái đàn sau Tết Nguyên đán 2019. UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện phối hợp lực lượng chuyên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động giết mổ, ngăn chặn hành vi nhập lậu động vật và sản phẩm động vật. Thường xuyên theo dõi, tổ chức kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm các loại heo, sản phẩm thịt heo tươi hoặc đã qua chế biến vận chuyển qua địa bàn tỉnh. Hướng dẫn người dân chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên tổ chức phun thuốc tiêu độc sát trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi…
Tại tỉnh Bến Tre, ông Phan Trung Nghĩa, Phó chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có gần 600.000 con heo được nuôi, tập trung chủ yếu ở huyện Mỏ Cày Nam và Mỏ Cày Bắc. “Tính đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi nhưng nguy cơ dịch xâm nhiễm vào Bến Tre trong thời gian tới là rất cao, nhất là hiện nay xuất hiện tình trạng thương lái mua heo từ một số tỉnh khác nhập về Bến Tre rồi tiếp tục vận chuyển sang tỉnh khác để tiêu thụ”, ông Nghĩa nhấn mạnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập yêu cầu ngành Thú y phải kịp thời tham mưu, báo cáo, kiểm soát tình hình dịch bệnh, tiếp tục vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, không được chủ quan với dịch bệnh.
Tại Hậu Giang, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tổ chức lớp tập huấn nâng cao kiến thức và chủ động phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi cho hơn 70 cán bộ kỹ thuật ở 15 xã, thị trấn và người nuôi trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, giúp người dân chủ động nắm bắt, đánh giá tình hình dịch bệnh, đưa ra biện pháp phòng, chống kịp thời; đồng thời để người dân hiểu rõ về sự nguy hiểm của dịch, chủ động áp dụng các biện pháp ngăn chặn bệnh lây lan trên diện rộng.