Dịch hạch “gõ cửa” Việt Nam!

Chuột - mối nguy cơ làm lan truyền bệnh dịch hạch
Chuột - mối nguy cơ làm lan truyền bệnh dịch hạch
(PLO) - Cùng với nỗi lo đối phó với các dịch bệnh thường bùng phát vào mùa Đông – Xuân (H5N1, H1N1...), dịch bệnh Ebola đang bùng phát và lan rộng trên thế giới, Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ lây lan của bệnh dịch hạch, khi Tổ chức Y tế Thế giới công bố về trường hợp bệnh nhân tại Madagascar, trước đó là sự xuất hiện của một số ca bệnh tại Trung Quốc – quốc gia láng giềng của chúng ta. 
Không thể không lo lắng
Lịch sử loài người đã ghi nhận 3 vụ đại dịch hạch (là loại bệnh truyền nhiễm cấp tính nhóm A, rất nguy hiểm bởi diễn tiến bệnh nhanh, tốc độ lây lan mạnh và tỷ lệ tử vong cao) vào các thế kỷ thứ VI, XIV và XIX với hàng trăm triệu người tử vong, đặc biệt đại dịch lần thứ hai với tỷ lệ tử vong lên tới 70-80% đã cướp đi sinh mạng của khoảng 1/3 dân số châu Âu. Từ đó đến nay, dịch hạch vẫn xuất hiện rải rác tại các quốc gia và khu vực trên thế giới, trong đó có khu vực Trung và Đông Nam châu Á. 
Tại Việt Nam, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, sau ca bệnh đầu tiên được ghi nhận vào năm 1898 tại Nha Trang do tàu, thuyền từ Hồng Kông xâm nhập vào trong vụ đại dịch hạch thế giới lần thứ 3, các ca bệnh vẫn lẻ tẻ xuất hiện tại một số địa phương và dịch chỉ thực sự được khống chế vào năm 2003. 
Sau 12 năm, nước ta không phát hiện một ca bệnh nào trên người cũng như chưa phát hiện mầm bệnh trên chuột và bọ chét, tuy nhiên do cỡ mẫu giám sát trên động vật còn hạn chế, chưa cho phép kết luận dịch hạch trên các quần thể động vật là hoàn toàn chấm dứt. Chúng ta cũng không thể không lo lắng khi dịch bệnh nguy hiểm này đang quay trở lại và có nguy cơ bùng phát trên thế giới. 
Cụ thể, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngày 17/7/2014 Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình và Y tế Trung Quốc thông báo ghi nhận một trường hợp bệnh tử vong có kết quả dương tính với dịch hạch. Điều tra dịch tễ cho thấy bệnh nhân làm nghề chăm sóc vật nuôi và có tiền sử phơi nhiễm với một động vật thuộc loài gặm nhấm trước đó. 
Trước đó, tại Mỹ cũng đã ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh dịch hạch (trong đó 3 trường hợp có triệu chứng viêm phổi và một không rõ triệu chứng) tại hạt Adam, bang Clorado. Cả 4 bệnh nhân đều tiếp xúc với con chó bị ốm và chết ngày 26/6. Trước đó, con chó này có biểu hiện lâm sàng và bệnh lý của bệnh dịch hạch thể phổi và có thể có liên quan tới bệnh dịch hạch trên động vật trong số loài sóc chó (Bắc Mỹ) gần nhà các bệnh nhân. 
Mới đây nhất ngày 21/11/2014, WHO tiếp tục thông báo về trường hợp mắc dịch hạch xảy ra tại Madagascar. Ca bệnh đầu tiên được phát hiện vào ngày 31/8/2014 là bệnh nhân nữ, tử vong ngày 3/9/2014. Đến ngày 16/11/2014, quốc gia này đã ghi nhận 119 trường hợp mắc, trong đó có 40 trường hợp tử vong. Hiện tại, dịch bệnh đang có nguy cơ lây lan nhanh và bùng phát mạnh tại Madagascar bởi mật độ dân số cao và hệ thống y tế ở nước này rất yếu kém. Và tình trạng trở nên phức tạp hơn bởi có sự kháng Deltamethrin ở mức độ cao của bọ chét đã xuất hiện ở nước này.
Giám sát chặt chẽ, chủ động phòng chống
Trước nguy cơ lây lan dịch bệnh từ các quốc gia trên thế giới qua nước ta, Bộ Y tế đã ban hành “Kế hoạch giám sát trọng điểm một số bệnh truyền nhiễm gây dịch tại Việt Nam năm 2014”, trong đó có bệnh dịch hạch. Bộ Y tế yêu cầu tổ chức kiểm dịch đối với các phương tiện vận tải, hàng hóa nhập cảnh, đặc biệt là hàng hóa trên các phương tiện vận tải đường biển, đường sắt, đường bộ tại các cửa khẩu lưu lượng quốc tế lớn và những nơi có nguy cơ dịch hạch xâm nhập cao.
Ngày 24/11/2014, Cục Y tế dự phòng đã có công văn chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác phòng, chống bệnh dịch hạch. Bên cạnh đó, với vai trò là cơ quan thường trực, Bộ Y tế đã tổ chức họp khẩn cấp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, qua đó phân công rõ ràng nhiệm vụ cho các tiểu ban để chủ động phòng, chống dịch bệnh. 
Cụ thể, các đơn vị kiểm dịch y tế quốc tế phải tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với người, phương tiện và hàng hóa nhập khẩu vào nước ta, đặc biệt đối với các phương tiện vận tải xuất phát từ vùng đang lưu hành dịch hạch; phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra giám sát chặt chẽ nhập khẩu động vật qua biên giới; tăng cường giám sát và xử lý theo quy định các vật chủ trung gian truyền bệnh dịch hạch (chuột, bọ chét) trên các phương tiện vận tải và khu vực cửa khẩu hàng tháng; chú trọng  vệ sinh môi trường khu vực cửa khẩu...
Cùng với đó, các cơ quan chức năng phải tăng cường hơn nữa các hoạt động truyền thông, tuyên truyền cho người dân những kiến thức căn bản về bệnh dịch hạch, thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường; đặc biệt tổ chức mạng lưới thu dung, điều trị, cách ly các trường hợp nghi ngờ và khi có bệnh nhân; các cơ sở khám chữa bệnh trong hệ thống điều trị từ Trung ương đến địa phương chuẩn bị sẵn sàng khu cách ly, thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác đáp ứng chống dịch, chủ động đáp ứng các tình huống khi có dịch xảy ra...
Bệnh có thể được điều trị khỏi bằng kháng sinh  thông thường
Người mắc có những triệu chứng khởi phát đột ngột như ớn lạnh, đau đầu, đau cơ, đau bụng, buồn nôn và sốt cao 39OC-40OC, hoại tử các mô và cơ quan trong cơ thể dẫn đến tử vong. Bệnh dịch hạch có thể được điều trị khỏi bằng các loại kháng sinh  thông thường như Streptomycin,Chloramphenicol, Tetracycline, Sulfonamide vẫn có hiệu lực rất mạnh đối với vi khuẩn Yersinia pestis.
Khi được điều trị sớm kể từ khi bệnh phát và kéo dài đủ liều, đủ thời gian thì chắc chắn tránh được biến chứng nguy hiểm dễ đưa đến tử vong. Song song với việc điều trị bằng kháng sinh cần phải điều trị triệu chứng chống nhiễm độc thần kinh, chống rối loạn thần kinh nội tiết, rối loạn đông máu, rối loạn cân bằng kiềm toan, nhất là trong các trường hợp bệnh nặng.
Về phòng bệnh, việc phòng, chống dịch hạch chủ yếu là giám sát vật chủ, véc tơ và vi sinh vật; phát hiện sớm bệnh nhân và điều trị kịp thời bệnh nhân dịch hạch; điều trị dự phòng với những người tiếp xúc và có nguy cơ lây bệnh; diệt chuột và diệt bọ chét.

Đọc thêm

Rước họa vì thói quen nhiều người hay làm

Bệnh nhân nhập viện vì uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) -  Liên tiếp trong thời gian gần đây, các bác sĩ tại các bệnh viện thường tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu vì tự ý uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Điều đáng nói, nhiều người hiện nay tự ý sử dụng các loại thuốc này để điều trị nhiều căn bệnh như: Viêm gan B, sỏi túi mật….

Không dễ dãi với mặt hàng đặc thù liên quan sức khỏe

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (dự kiến được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024), mới đây khi được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã được chỉ ra một số nội dung cần xem xét.

Tháng cao điểm an toàn thực phẩm: Địa phương phải kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm

Nhiều học sinh là nạn nhân ngộ độc do đồ ăn trước cổng trường. (Ảnh minh họa - Nguồn: SKĐS)
(PLVN) - Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động các cơ sở nếu không bảo đảm điều kiện, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng...