Dịch Covid-19 sáng ngày 29/10: Bác sĩ tại Bỉ dù mắc Covid-19 vẫn được yêu cầu tiếp tục làm việc

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
(PLVN) - Trong 1 ngày qua, thế giới ghi nhận 446.991 trường hợp mắc Covid-19 và 6.137 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 44,6 triệu người.

Pháp và Đức ban bố lệnh tái phong tỏa

Ngày 28/10, Pháp và Đức đều đã đưa ra các biện pháp mới nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19 lây lan, trong bối cảnh số ca nhiễm đang tăng rất mạnh trong những ngày qua.

Tại Pháp, tối 28/10, Tổng thống Emmanuel Macron công bố quyết định tái phong tỏa toàn quốc từ 30/10 đến 1/12.

Phát biểu trực tiếp trên truyền hình, ông Macron cho biết người dân có thể đi làm, đi khám bệnh, giúp đỡ người thân, đi chợ và tập thể dục gần nhà, với giấy chứng nhận tự khai như đợt phong tỏa vào mùa xuân. Tuy nhiên, các cơ quan dịch vụ công, các doanh nghiệp cũng như các trường học từ nhà trẻ đến trung họ phổ thông vẫn tiếp tục hoạt động, các nhà dưỡng lão vẫn mở cửa đón khách đến thăm.

Tổng thống Emmanuel Macron.
Tổng thống Emmanuel Macron. 

Tại Đức, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cùng ngày, Thủ tướng Angela Merkel và các nhà lãnh đạo 16 bang một lần nữa nhất trí tái áp đặt các biện pháp phong tỏa có giới hạn nhằm kiểm soát và hạn chế sự gia tăng ở mức đáng lo ngại của dịch bệnh nguy hiểm này.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Thị trưởng Berlin Michael Müller và Thủ hiến bang Bayern Marcus Söder sau cuộc họp trực tuyến, Thủ tướng Merkel thừa nhận, Đức đang phải đối mặt với giai đoạn khó khăn của dịch bệnh Covid-19 khi nước này ghi nhận sự gia tăng "đột biến" các ca nhiễm mới tính theo từng ngày.

Trước tình hình trên, Chính phủ Đức và chính quyền các bang một lần nữa buộc phải nhanh chóng đưa ra quyết định siết chặt hơn nữa các biện pháp phòng chống dịch nhằm ngăn chặn tối đa sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng.

WHO quan ngại tốc độ gia tăng các ca mắc Covid-19

Ngày 28/10, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết các quốc gia trên toàn cầu đã báo cáo hơn 2 triệu trường hợp mắc Covid-19 được xác nhận trong tuần qua - thời gian ngắn nhất từ trước đến nay, cho thấy sự gia tăng theo cấp số nhân kể từ khi đại dịch bắt đầu.

WHO nêu rõ trong tuần thứ hai liên tiếp, châu Âu có số ca mắc Covid-19 lớn nhất, với hơn 1,3 triệu ca được xác nhận, chiếm khoảng 46% tổng số ca nhiễm mới trên toàn thế giới. Cơ quan y tế của LHQ cho biết số ca tử vong cũng đang gia tăng ở châu Âu, với mức tăng khoảng 35% so với tuần trước. WHO nhấn mạnh: "Mặc dù số ca tử vong đang dần tăng lên, nhưng tỷ lệ tử vong của các trường hợp nhiễm bệnh vẫn tương đối thấp so với giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19 vào mùa Xuân".

Cơ quan y tế của LHQ cũng lưu ý rằng số bệnh nhân nhập viện do Covid-19 và phải chăm sóc đặc biệt đã tăng lên ở 21 quốc gia trên khắp châu Âu. Ước tính có khoảng 18% số bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện, trong đó, khoảng 7% số bệnh nhân cần hỗ trợ chăm sóc đặc biệt hoặc dùng máy thở.

Theo WHO, xét trên phạm vi toàn cầu, các quốc gia báo cáo có số lượng người mắc Covid-19 nhiều nhất vẫn không thay đổi trong 3 tuần qua là Ấn Độ, Mỹ, Pháp, Brazil và Anh.

Bệnh viện Bỉ quá tải, bác sĩ dù mắc Covid-19 vẫn được yêu cầu tiếp tục làm việc

Các nhân viên y tế tại một số bệnh viện ở thành phố lớn thứ 3 nước Bỉ - Liege đã được yêu cầu tiếp tục công việc ngay cả khi họ có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 miễn là không biểu hiện triệu chứng bệnh.

Theo hãng tin CNN, các quan chức y tế hàng đầu tại nước này đã cảnh báo Bỉ có thể thiếu hụt giường chăm sóc đặc biệt nghiêm trọng trong hai tuần tới và một só bệnh viện cũng phải đối mặt với tình huống thiếu nhân lực.

Liege hiện là một trong những ổ dịch tại Bỉ. Trong một cuộc phỏng vấn với CNN ngày 27/10, Giám đốc truyền thông Bệnh viện Đại học Liege Louis Maraite cho biết do tình trạng thiếu nhân lực, bệnh viện không “còn lựa chọn nào khác” là yêu cầu bác sĩ và y tá dù dương tính với Covid-19 nhưng không có triệu chứng vẫn phải làm việc.

Những nhân viên y tế có triệu chứng như sốt sẽ được phép nghỉ tại nhà. Bên cạnh đó, ông Maraite cũng cho biết bệnh viện không thể bắt ép những nhân viên y tế không có triệu chứng bệnh tiếp tục làm việc nếu họ không muốn.

CHC MontLégia – một bệnh viện khác tại thành phố Liege cũng xác nhận các nhân viên y tế dương tính với Covid-19 được yêu cầu tiếp tục công việc trên tinh thần tự nguyện và "được giám sát nghiêm ngặt về các biện pháp giữ gìn vệ sinh", hạn chế tiếp xúc với đồng nghiệp.

Tại một cuộc họp báo ngày 26/10, phát ngôn viên Van Laethem cho biết trên 1.000 giường chăm sóc đặc biệt của Bỉ đã được đưa vào sử dụng. Số ca nhập viện đã tăng gấp đôi trong 8 ngày qua.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình nhà nước RTBF cùng ngày, Van Laethem nói thêm Bỉ sẽ ra quyết định có tái áp đặt lệnh phong tỏa lần 2 "trước cuối tuần" do không thấy "dấu hiệu chậm lại trong số ca nhập viện".

Chính phủ Bỉ đã áp đặt các quy định mới đối với người dân vào tuần trước nhằm cố gắng làm chậm sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Lệnh giới nghiêm được áp dụng hàng ngày từ nửa đêm đến 5 giờ sáng hôm sau. Các sự kiện thể thao nghiệp dư đã bị hủy bỏ và mọi cuộc thi đấu chuyên nghiệp phải diễn ra mà không có khán giả.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.