Nhiều người được giành lại trước “lưỡi hái tử thần”
Bà Lô Thị Dụng (bản Tục Pang, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) dường như vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại ngày đón con trai là Lương Văn Tằm làm công nhân ở Khu công nghiệp Đồng Nai về. “Hôm con về, lúc xuống xe, tôi ra đón mà chỉ biết khóc thôi, không còn nhận ra con mình nữa. Về nhà, Tằm yếu đến nỗi không mở nổi mắt. Suốt 8 ngày không ăn nổi một hạt cơm”…
Hôm gặp Lương Văn Tằm (SN 1993) sức khỏe cậu đã khá hơn rất nhiều, vẻ ngoài ốm yếu nhưng Tằm đã có thể ngồi nói chuyện. Tằm kể, trước khi về nhà cậu bị ho, sốt dài ngày, cộng với tiêu chảy trong gần 1 tháng làm cậu kiệt sức. Khám tại phòng khám tư ở TP HCM thì bác sĩ nói cậu bị phổi nhưng uống thuốc hoài không đỡ nên Tằm gọi điện về cầu cứu mẹ.
Biết tin, Lộc Văn Hai, thành viên nhóm Sao Va đến thăm và vận động Tằm đi làm xét nghiệm lao, HIV bởi thấy Tằm có đủ triệu chứng điển hình của những bệnh này. Lúc nhận kết quả khẳng định đồng nhiễm cả lao và HIV, Tằm lặng người. Cậu không biết gì về lao và HIV…
Nhóm Sao Va (Quế Phong, Nghệ An) thành lập từ năm 2021, được hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí của Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) thông qua dự án Bảo vệ tương lai.
Nhóm có 9 thành viên chính thức thì chỉ duy nhất trưởng nhóm Lang Chung Hiền có công việc, thu nhập ổn định. 8 thành viên còn lại, trung bình mỗi tháng nhận hỗ trợ 2,2 - 2,7 triệu đồng từ dự án. “Số tiền này nhiều khi anh em chỉ đủ đổ xăng đi bản, nếu xe cộ hỏng dọc đường nữa thì âm tiền luôn. Mà đi nhiều, gặp nhiều, thấy nhiều bạn cùng cảnh khổ hơn mình, lại rút tiền túi ra hỗ trợ, hay mua quà bánh để làm quen. Tiếng là đi làm cả tháng nhưng có mang được đồng nào về cho vợ đâu, có khi còn phải xin thêm”, anh Lộc Văn Hai chia sẻ.
Nhóm Sao Va ngoài trưởng nhóm Lang Chung Hiền ra, thì 8 người từng nghiện ma túy, trong số đó 7 người đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Họ đã từng nghĩ cuộc đời mình bỏ đi, nhưng nay đã tìm được lẽ sống mới - thức tỉnh những người cùng cảnh ngộ bằng câu chuyện của mình, để những bệnh nhân HIV ở huyện nghèo này được điều trị và kéo dài cuộc sống một cách khỏe mạnh. Anh Lang Chung Hiền chia sẻ: “Các thành viên của nhóm là người dân tộc Thái. Với lợi thế cùng cảnh ngộ và thông thạo ngôn ngữ nên các anh, chị, em thuận lợi hơn trong việc tiếp cận và truyền thông tới nhóm có nguy cơ tại địa bàn hơn các cán bộ y tế. Tuy nhiên, bằng tâm huyết, trách nhiệm, các thành viên đều khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt công việc của mình”.
Điều đặc biệt, mặc dù các dịch vụ cung cấp hoàn toàn miễn phí nhưng những người có nguy cơ cao hay người nhiễm HIV được xác định là khách hàng. Với mục tiêu phục vụ và cung cấp dịch vụ tốt nhất cả về sức khỏe và tâm lý, việc xem người nhiễm HIV là khách hàng đã giúp giảm tự ti của bản thân người nhiễm HIV và giảm sự kỳ thị trong cộng đồng.
Thời điểm phóng viên đến, nhóm đang chăm sóc 275 khách hàng tích cực, 375 khách hàng truyền thống. Với khách hàng tích cực, thành viên của nhóm gặp gỡ một tháng một lần để truyền thông, vận động uống Methadone cai nghiện ma túy và đưa vào chương trình điều trị ARV hoặc tiếp tục điều trị ARV.
Đối với khách hàng truyền thống, 3 tháng, các thành viên phụ trách địa bàn sẽ tiếp cận một lần để test và cung cấp vật phẩm như bao cao su, bơm kim tiêm và truyền thông nâng cao kiến thức tự bảo vệ cho bản thân và những người xung quanh.
Quế Phong nhiều năm trước đây từng là “điểm nóng” trung chuyển ma túy nơi cửa ngõ biên giới. Anh Ngân Văn Un (44 tuổi) là một trong những người đầu tiên ở huyện Quế Phong tham gia nhóm đồng đẳng hỗ trợ người nhiễm HIV trước khi đến với nhóm Sao Va. Anh Un từng là cán bộ y tế thôn bản nhưng nghiện ma túy từ năm 2012. “Thời đấy heroin ở đây sẵn lắm, người ta mời nhau hít heroin như hút điếu thuốc lá. Lúc đầu thì hít, sau thì chuyển sang chích rồi nhiễm HIV từ những lần chích chung ấy, cũng không rõ ai lây cho ai nữa”, anh Un kể.
Là người có kinh nghiệm nên anh Un cùng một thành viên khác được phân công phụ trách địa bàn xã Tiền Phong - nơi có số người nhiễm HIV bằng 1/4 ca nhiễm H của Quế Phong. Dù vậy, anh sẵn sàng hỗ trợ những khách hàng không thuộc địa bàn mình phụ trách. Có những trường hợp được anh giành giật trở về từ tay “tử thần”.
“Bảo vệ tương lai 2.0” là dự án được thực hiện từ năm 2020 - 2024 ở 7 tỉnh, thành ở Việt Nam (Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Thái Bình, Nghệ An, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh) với mục tiêu tăng cường các can thiệp mới dựa vào cộng đồng nhằm kiểm soát lây nhiễm HIV trong nhóm thanh niên có nguy cơ sử dụng ma túy.
Nói về nhóm đồng đẳng Sao Va, bác sĩ Lê Quang Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quế Phong khẳng định, nhóm đã giúp hàng trăm người có HIV được tiếp cận với thuốc điều trị. Mỗi thành viên đều trang bị cho mình kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về cơ chế lây bệnh, biện pháp ngăn ngừa lây lan, cách thức điều trị. Dù tiền phụ cấp ít ỏi, không đủ để trang trải cuộc sống nhưng họ đều hoạt động rất tích cực, nhiệt tình, góp phần ngăn chặn việc lây lan HIV trong cộng đồng.
“Sự phối hợp của cán bộ y tế và nhóm Sao Va rất hiệu quả vì cán bộ y tế ở trạm y tế chỉ có tối đa 7 người, có trạm chỉ 4 người, trong khi địa bàn rộng, như xã Tiền Phong có hơn 10 nghìn dân rộng 40km, phụ cấp chỉ 600 - 700 nghìn đồng/tháng. Nhờ đội nhóm hỗ trợ tốt, cơ quan chủ quản là Sở Y tế tỉnh và CDC tích cực vào cuộc chỉ đạo, tình trạng nghiện, chích đang giảm dần”, bác sĩ Lê Quang Trung cho biết.
Niềm hạnh phúc… ế khách
Dự án “Bảo vệ tương lai 2.0” với sự tham gia của hơn 100 tiếp cận viên. Phần lớn thành viên trong các nhóm đã có nhiều năm hỗ trợ người sử dụng ma túy, nhiễm hoặc ảnh hưởng bởi HIV. Đa số các tiếp cận viên là người “trong cuộc”, bởi vậy, họ đồng cảm, thấu hiểu những khó khăn và có khả năng hỗ trợ hiệu quả cho cộng đồng của mình.
Chị Lô Thị Loan - Sao Va vận động người nhiễm HIV đi xét nghiệm và sử dụng thuốc ARV và Methadon ở Trung tâm Y tế huyện Quế Phong. (Ảnh: PV) |
Khi được hỏi về việc hỗ trợ các bạn thanh, thiếu niên, các tiếp cận viên đều cho rằng đó là hành trình khó khăn và dài hơi hơn nhiều so với việc hỗ trợ người sử dụng chất, người có HIV lớn tuổi. “Ở tầm tuổi 16 - 24, các em không muốn bộc lộ tình trạng của mình, chỉ muốn che giấu vì lo sợ nhiều thứ: sợ gia đình, sợ nhà trường cho thôi học, sợ mọi người xung quanh biết sẽ dị nghị, xa lánh,… Phần lớn mọi người xung quanh phản ứng với việc sử dụng chất một cách rất tiêu cực, không đủ bình tĩnh và quan tâm để tìm hiểu lý do đằng sau hay làm thế nào để giúp đỡ các em. Nếu không có sự thấu hiểu và đồng cảm, các em sẽ ẩn mình và có thể sẽ không nhận được sự hỗ trợ kịp thời”. Một điều khác biệt của dự án Bảo vệ tương lai là các hoạt động can thiệp được thiết kế cá nhân hóa với từng khách hàng. Ngoài ra, bảo mật thông tin luôn được đặt lên hàng đầu.
Chị Khánh, tiếp cận viên nhóm Niềm tin xanh tại Hà Nội chia sẻ. “Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc sử dụng chất của thanh, thiếu niên. Phần lớn những khách hàng tới nhóm là sinh viên, các bạn vẫn đi học, vẫn có trợ cấp từ cha mẹ nên có nguồn kinh tế để sử dụng chất. Một vài bạn đi làm thêm bên ngoài và cũng vì tính chất công việc nên các bạn ấy cần dùng. Có bạn thì xuất phát từ hoàn cảnh gia đình, bố mẹ ly thân, cảm thấy không được yêu thương hoặc không thể chia sẻ với những người xung quanh”.
Cùng trong độ tuổi 16 - 24, nhưng tại mỗi địa bàn dự án, các bạn trẻ lại có những đặc điểm riêng biệt và gặp các vấn đề khác nhau. “Ở Sài Gòn, khách hàng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, không chạm được tới những dịch vụ cơ bản nhất như chăm sóc sức khỏe. Các bạn không có đủ giấy tờ tùy thân để mua được bảo hiểm y tế, xét nghiệm HIV hoặc vào điều trị ARV, thậm chí nhiều bạn còn không có nơi ở, phải lang thang sống ngoài công viên” - anh Đỗ Quốc Tuấn, trưởng nhóm My Hands triển khai dự án Bảo vệ Tương lai tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ. Ngoài các can thiệp của dự án, nhóm linh động kêu gọi những hỗ trợ về dinh dưỡng, nơi ở an toàn và các hỗ trợ khẩn cấp khác để giúp các bạn bảo đảm an toàn, có một cuộc sống đầy đủ, ý nghĩa hơn.
Ở “điểm nóng” về ma túy như tỉnh Nghệ An, số người nghiện ma túy và nhiễm HIV/AIDS ngày càng trẻ hóa. Đặc biệt ở khu vực miền núi Quế Phong có đặc thù địa hình xa xôi và người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc, bởi vậy, việc tiếp cận thông tin và các dịch vụ y tế nói chung về HIV còn gặp nhiều khó khăn. Tiếp cận, vận động những người có nguy cơ cao đi xét nghiệm đã khó, nhưng để đưa họ vào chương trình can thiệp dự phòng bằng Methadone hay điều trị ARV lại càng khó hơn, đặc biệt là các bạn thanh, thiếu niên. Lô Văn Nhất, thành viên của nhóm Sao Va chia sẻ, có bạn không đi uống Methadone hàng ngày được vì nhà nghèo quá, không có phương tiện, nhà cách trung tâm y tế rất xa.
Ở Quảng Ninh, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, những nơi có địa bàn rộng, tình hình sử dụng ma túy phức tạp, các nhóm phải phân công công việc cụ thể. Tuy công việc nhiều vất vả, nhưng mọi người cố gắng vượt lên, giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ được trở lại với cuộc sống đời thường. Và dù là công việc nhiều ý nghĩa, nhưng họ chỉ thực sự hạnh phúc khi được… ế khách.
“Các anh còn giúp đỡ mình nhiều trong cuộc sống nữa. Lúc mình bệnh, tiền thuốc thang rồi phòng trọ, không có các anh ở nhóm là em có thể đã không qua khỏi”. “Lúc sắp sinh, mình không có một nghìn nào ở trong người, anh mới qua đưa mình đi viện. Cái ngày đó mình nhớ hoài luôn, mình không bao giờ quên”- Đối tượng được nhóm giúp đỡ
“Ở văn phòng tôi có cái cân. Nửa tháng sau gặp lại, các bạn ấy lên được nửa cân hay một vài cân. Bọn tôi sẽ hoan nghênh, tặng quà này, khen này. Khi thấy các bạn lên cân chứng tỏ các can thiệp về giảm tác hại về sử dụng chất của chúng tôi đã có hiệu quả. Các bạn không còn thức cả đêm khi chơi ma túy đá nữa, các bạn sử dụng những kỹ năng mà chúng tôi hướng dẫn là điều mà tôi cảm thấy rất hạnh phúc” - Thành viên Nhóm Niềm tin xanh