Quy tắc xuất xứ trong EVFTA theo Nghị định thư số 1 được hiểu là: hàng hóa xuất nhập khẩu trong khu vực EVFTA được coi là có xuất xứ nếu đáp ứng được một trong hai tiêu chí sau: Hàng hóa có xuất xứ thuần túy tại một Bên và Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy là hàng hóa đã trải qua công đoạn gia công, chế biến đáp ứng được các tiêu chí xuất xứ quy định tại Phụ lục II của Nghị định thư 1.
Đối với mặt hàng dệt may, EVFTA quy định hàng hóa được sản xuất hoàn toàn tại thị trường EU hoặc tại Việt Nam nhưng sử dụng một phần nguyên liệu không có xuất xứ (Điều 5 và Phụ lục 2 của Nghị định thư 1).
Quy tắc xuất xứ phổ biến được áp dụng cho sản phẩm dệt may là quy tắc hai công đoạn. Với quy tắc “từ vải trở đi – fabric forward” này, một sản phẩm dệt may được coi là có xuất xứ theo EVFTA khi vải dùng cho sản phẩm đó phải dệt tại Việt Nam hoặc các nước thành viên EU, có nghĩa Việt Nam không thể nhập khẩu vải từ Trung Quốc để rồi sau đó xuất khẩu hàng may mặc sang EU và hưởng ưu đãi thuế quan được.
Tuy nhiên, để sản xuất ra hàng dệt may, thì phải qua 4 công đoạn chính: sản xuất xơ - sợi - vải - cắt may thành hàng may mặc. Như vậy, theo quy tắc “fabric forward”, có nghĩa là hàng dệt may Việt Nam phải được làm từ vải có xuất xứ Việt Nam. Ngoài ra, đối với các sản phẩm dệt may thuộc Chương 61 và 62 của biểu thuế, hàng hóa được phép sử dụng vải nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada (các quốc gia mà cả Việt Nam và EU có FTA) để sản xuất sản phẩm cuối cùng xuất khẩu sang EU và vẫn được hưởng thuế suất ưu đãi của EVFTA.
Bên cạnh các quy định điều chỉnh về quy tắc xuất xứ, EVFTA và Nghị định thư 1 còn có các quy định về giấy chứng nhận xuất xứ (Certificate of Origin, C/O) và thủ tục chứng nhận xuất xứ, như:
Về giấy chứng nhận xuất xứ, EVFTA đã xác định mẫu C/O (Mẫu EUR.1). Một số thông tin nhà xuất khẩu được phép lựa chọn khai báo hoặc không khai báo như nhà nhập khẩu, hành trình lô hàng, số hóa đơn thương mại. Về nội dung khai báo, tiêu chí xuất xứ, mã số HS của hàng hóa không bắt buộc phải thể hiện trên C/O.
Hiệp định EVFTA đưa ra 2 thủ tục chứng nhận xuất xứ, bao gồm: Thủ tục cấp C/O do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện; Thủ tục nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ. Tự chứng nhận xuất xứ là hình thức chứng nhận xuất xứ, mà các FTA thế hệ mới đều hướng tới.
Mô hình tự chứng nhận xuất xứ trong EVFTA được cho là dựa trên thông lệ cho phép nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ mà EU hiện đang áp dụng. Điều khoản về Tự chứng nhận xuất xứ cho phép doanh nghiệp chủ động khai báo và chịu trách nhiệm về xuất xứ của hàng hóa do mình xuất khẩu – thay vì đến cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp C/O. C/O ưu đãi (sau này là Tự chứng nhận xuất xứ ưu đãi) chính là Hộ chiếu của hàng hóa xuất khẩu, căn cứ pháp lý quan trọng nhất để cơ quan hải quan EU xem xét cho hưởng ưu đãi thuế quan để được hưởng các ưu đãi mà EVFTA mang lại.
Bên cạnh quy tắc chung, Hiệp định EVFTA bổ sung thêm một số quy định về tự chứng nhận xuất xứ như:
Chỉ có nhà xuất khẩu đã đăng ký theo quy định của EU theo hệ thống REX thì mới được tự chứng nhận xuất xứ. Hệ thống REX là hệ thống chứng nhận xuất xứ (Registered Exporter) của EU, được sử dụng để nhà xuất khẩu EU đăng ký, qua đó có thể tự chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa của mình. Mỗi nhà xuất khẩu đăng ký và được Hệ thống này xác nhận sẽ được cấp một mã số riêng (gọi là mã số REX).
Việt Nam áp dụng cả cơ chế cấp C/O truyền thống và tự chứng nhận xuất xứ. Cách thức áp dụng thủ tục tự chứng nhận xuất xứ thay đổi theo giá trị của lô hàng. Cụ thể, với lô hàng có trị giá không vượt quá 6.000 Euro, bất kỳ nhà xuất khẩu nào của Việt Nam cũng có thể tự chứng nhận xuất xứ. Ngược lại, với lô hàng có giá trị trên 6.000 Euro, Việt Nam bảo lưu vẫn tiếp tục áp dụng cơ chế chứng nhận xuất xứ truyền thống (cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ). Việt Nam có thể lựa chọn áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ khi phù hợp và sẽ thông báo trước cho EU.
Đối với hàng hóa quá cảnh qua nước thứ ba: Theo EVFTA, trong trường hợp quá cảnh qua và chia nhỏ lô hàng tại nước thứ ba ngoài Việt Nam và EU, hàng hóa đó vẫn có thể được chứng nhận xuất xứ theo Hiệp định. Điều kiện để đáp ứng thủ tục này là nhà nhập khẩu phải xuất trình bộ hồ sơ chứng minh hàng hóa vẫn nằm trong sự kiểm soát của hải quan nước thứ ba và không bị thay đổi xuất xứ.
Như vậy, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần chủ động cập nhật thông tin về quy tắc xuất xứ khi tham gia EVFTA. Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA không chỉ có thêm quy định mới mà cách diễn đạt các tiêu chí xuất xứ cũng khác so với các Hiệp định mà Việt Nam đang tham gia.