Bộ Tư pháp đang tiến hành thẩm định dự thảo Nghị định quy định về công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.
Tờ trình dự thảo nghị định gửi tới Bộ Tư pháp cho thấy, các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến mục tiêu bảo vệ có hàng đặc biệt và quá trình bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt đã xảy ra với tính chất mức độ rất phức tạp trên thế giới.
Tại Việt Nam, tình hình tội phạm sử dụng vũ khí quân dụng tấn công, cướp tiền của một số ngân hàng thương mại trong quá trình vận chuyển và tại phòng giao dịch, cướp tại các tiệm vàng bạc, đá quý có xu hướng phát triển với tính chất đặc biệt nghiêm trọng.
Bộ Công an dẫn chứng một số vụ điển hình: Ngày 23/11/2007, đối tượng Nguyễn Đình Sự cướp hơn 600 triệu đồng và 12.000 USD tại Phòng giao dịch chi nhánh ngân hàng Quân đội (tầng 1 tòa nhà CT4, khu đô thị Sông Đà, Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội); ngày 25/8/2008, một nhóm tội phạm cướp 920 triệu đồng tại chi nhánh Ngân hàng TMCP Đại Dương (390 phố Bạch Mai, phường Bạch Mai, Hà Nội); ngày 5/4/2010 xảy ra vụ cướp hơn 90 triệu đồng tại chi nhánh Ngân hàng TMCP Hàng hải Maritimebank trên đường La Thành, Hà Nội; cuối năm 2011, xảy ra vụ cướp có vũ trang tại cây ATM của Ngân hàng Agribank, chi nhánh Ninh Giang (Hải Dương),...
Trong khi đó, công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt trong thực tiễn ở các đơn vị, địa phương đã và đang bộc lộ những sơ hở, thiếu sót. Đáng chú ý là cơ chế chỉ huy, phối hợp, thông tin báo cáo và phương tiện trang bị còn lạc hậu, biên chế tổ chức, chất lượng đội ngũ chưa đáp ứng với yêu cầu do lĩnh vực bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt của Nhà nước đến nay vẫn chưa có văn bản pháp luật có hiệu lực cao ở cấp Chính phủ để điều chỉnh.
Chính vì vậy, Bộ Công an cho rằng cần phải hoàn thiện quy định liên quan đến công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng cảnh sát phát huy hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ trong công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt.
Theo dự thảo nghị định, hàng đặc biệt là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước có giá trị đặc biệt quan trọng, bao gồm tiền đồng Việt Nam, ngoại tệ, giấy tờ có giá, tài sản quý (vàng bạc, kim khí quý, đá quý và các loại tài sản quý khác) trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước; cổ vật, bảo vật quốc gia do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang bảo vệ vận chuyển.
Phương tiện vận chuyển hàng đặc biệt là xe chuyên dùng trên đường bộ hoặc phương tiện vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, đường hàng không phải đủ điều kiện tham gia giao thông; điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy.
Xe chuyên dùng vận chuyển hàng đặc biệt trên đường bộ phải được trang bị các phương tiện kỹ thuật về giám sát hành trình, thông tin liên lạc và các thiết bị khác phục vụ công tác bảo vệ. Bố trí 2 xe hộ tống bảo vệ đối với mỗi chuyến vận chuyển hàng đặc biệt, trong đó 1 xe dẫn đầu và 1 xe đi cuối xe hoặc đoàn xe chở hàng đặc biệt.
Phương tiện vận chuyển hàng đặc biệt trên đường sắt phải đảm bảo theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khai thác đường sắt và các dụng cụ, vật liệu cần thiết để gia cố, bảo vệ các container hàng được ổn định, vững chắc và an toàn trên đường vận chuyển.
Hàng đặc biệt khi gửi vận chuyển trên phương tiện đường thủy nội địa, đường hàng không phải được đặt trong các thùng chứa hàng hoặc container chuyên dùng và không để cùng với hành lý của khách đi trên phương tiện.
Tại điều 8 dự thảo cũng quy định rất nhiều lực lượng bảo vệ vận chuyển. Trong đó, lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt bao gồm: Cảnh sát Cơ động thuộc Bộ Công an có trách nhiệm vũ trang bảo vệ các chuyến vận chuyển hàng đặc biệt do các cơ quan Nhà nước ở trung ương yêu cầu; Cảnh sát Cơ động thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm vũ trang bảo vệ các chuyến vận chuyển hàng đặc biệt do các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh yêu cầu.
Lực lượng phối hợp bảo vệ vận chuyển gồm: CSGT được giao trách nhiệm tăng cường lực lượng, phối hợp bảo vệ trên tuyến vận chuyển hàng đặc biệt; các lực lượng khác thuộc công an nhân dân; dân quân tự vệ tại các địa bàn,…