Cụ thể, Ủy ban Dân tộc đề xuất, dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù là dân tộc đáp ứng một trong ba tiêu chí. Thứ nhất, dân tộc có tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo đa chiều trên 50%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo ≥ 1,5 lần so với tỷ lệ hộ nghèo chung của 53 dân tộc thiểu số.
Thứ hai, dân tộc có tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo đa chiều dưới 50% và đáp ứng tối thiểu 3 trong 5 điều kiện sau: Tỷ lệ chung về trình độ chuyên môn kỹ thuật (từ cao đẳng trở lên) ≤ 30% so với mức bình quân chung của 53 dân tộc thiểu số; Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ ≤ 30% so với mức bình quân chung của 53 dân tộc thiểu số; Tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên không biết đọc, không biết viết tiếng Việt ≥ 1,5 lần so với mức bình quân chung của 53 dân tộc thiểu số; Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi ≥ 1,5 lần so với mức bình quân chung của 53 dân tộc thiểu số; Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số có nhà ở thiếu kiên cố và nhà ở đơn sơ ≥ 1,5 lần so với mức bình quân chung của 53 dân tộc thiểu số.
Thứ ba, dân tộc khó khăn là các dân tộc có dân số dưới 10.000 người và đáp ứng tối thiểu 3 trong 5 điều kiện sau: Tỷ lệ chung về trình độ chuyên môn kỹ thuật (từ cao đẳng trở lên) ≤ tỷ lệ bình quân chung của 53 dân tộc thiểu số; Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ ≤ tỷ lệ bình quân chung của 53 dân tộc thiểu số; Tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên không biết đọc, không biết viết tiếng Việt ≥ tỷ lệ bình quân chung của 53 dân tộc thiểu số; Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi ≥ tỷ lệ bình quân chung của 53 dân tộc thiểu số; Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số có nhà ở thiếu kiên cố và nhà ở đơn sơ ≥ tỷ lệ bình quân chung của 53 dân tộc thiểu số.
Về trình tự thực hiện, Dự thảo đề xuất, đối với cấp xã căn cứ tiêu chí quy định về tiêu chí xác định của Quyết định này và điều kiện cụ thể về đời sống kinh tế-xã hội của các hộ dân tộc sinh sống trên địa bàn xã, UBND xã chỉ đạo các thôn tổ chức rà soát, tổng hợp số liệu về đời sống kinh tế xã hội của các dân tộc sinh sống trên địa bàn và lập báo cáo, sau đó gửi UBND cấp huyện về kết quả xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù.
Đối với cấp huyện, sau khi nhận đủ hồ sơ của các xã, UBND huyện kiểm tra, xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù trên địa bàn huyện và lập báo cáo gửi UBND tỉnh (qua Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh);
Sau khi nhận đủ hồ sơ của các huyện, Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan thẩm định. Căn cứ kết quả thẩm định, UBND tỉnh lập báo cáo kèm theo biên bản thẩm định và báo cáo kết quả rà soát, xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù của các huyện gửi Ủy ban Dân tộc tổng hợp;
Sau khi nhận đủ hồ sơ về kết quả rà soát, xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù của UBND cấp tỉnh theo đúng quy định, Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương liên quan rà soát, kiểm tra và tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Về thời gian thực hiện, Dự thảo nêu, báo cáo kết quả rà soát và đề nghị công nhận các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù của UBND cấp tỉnh gửi Ủy ban Dân tộc trước ngày 30/4/2021 và định kỳ hằng năm gửi trước ngày 20/11 của năm trước năm đề nghị.