Đề xuất 3 cấp độ công nhận chất lượng bệnh viện

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo dự thảo Thông tư, Bộ Y tế công nhận các mức chất lượng bệnh viện gồm: bệnh viện đạt chất lượng cấp cơ bản, bệnh viện đạt chất lượng cấp quốc gia, bệnh viện đạt chất lượng cấp quốc gia xuất sắc.

5 bước đánh giá, công nhận chất lượng bệnh viện

Bộ Y tế đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Thông tư quy định đánh giá, chứng nhận và công nhận chất lượng bệnh viện.

Theo dự thảo, quy trình đánh giá, chứng nhận và công nhận chất lượng được thực hiện theo 5 bước. Cụ thể như sau: đầu tiên là bước tự đánh giá (do bệnh viện thực hiện); đánh giá bên ngoài (do đoàn đánh giá độc lập hoặc đoàn đánh giá của cơ quan quản lý); tổ chức đánh giá bên ngoài chứng nhận mức chất lượng bệnh viện; báo cáo kết quả đánh giá và chứng nhận về cơ quan quản lý Nhà nước về y tế (Bộ Y tế); cuối cùng là cơ quan quản lý Nhà nước về y tế (Bộ Y tế) công nhận mức chất lượng bệnh viện.

Đồng thời, dự thảo cũng nêu rõ chu kỳ đánh giá và thời hạn chứng nhận chất lượng. Theo đó, việc tự đánh giá do bệnh viện thực hiện ít nhất 1 lần trong năm. Đánh giá ngoài do đoàn đánh giá của cơ quan quản lý và thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế hằng năm. Đánh giá ngoài do đoàn đánh giá của tổ chức độc lập thực hiện sau khi có đề nghị chính thức của bệnh viện. Bên cạnh đó, bệnh viện sau khi thành lập được thực hiện đánh giá chất lượng sau khi được cấp giấy phép hoạt động ít nhất đủ 12 tháng. Các bệnh viện sau khi thành lập được đề nghị cơ quan quản lý đánh giá, chứng nhận và công nhận chất lượng trong vòng 3 năm kể từ khi chính thức hoạt động.

Bộ công cụ để đánh giá chất lượng bệnh viện

Theo dự thảo, việc đánh giá, xếp mức và chứng nhận chất lượng bệnh viện phải căn cứ trên các bộ tiêu chuẩn, tiêu chí chất lượng bệnh viện do Bộ Y tế ban hành. Thông qua khảo sát hài lòng người bệnh, nhân viên y tế để cung cấp thông tin cho đánh giá chất lượng căn cứ trên bộ câu hỏi khảo sát hài lòng người bệnh, nhân viên y tế. Và qua việc đánh giá chất lượng theo các chuyên đề xét nghiệm, an toàn phẫu thuật và các tiêu chuẩn chất lượng lâm sàng, cận lâm sàng khác căn cứ trên các tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Về bộ công cụ được sử dụng để đánh giá chất lượng bệnh viện sẽ bao gồm 4 bộ công cụ sau: bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam do Bộ Y tế ban hành; tiêu chuẩn chất lượng cơ bản đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tiêu chuẩn chất lượng nâng cao đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tiêu chuẩn chất lượng đối với từng chuyên khoa hoặc dịch vụ kỹ thuật do Bộ Y tế ban hành.

Dự thảo cũng nêu rõ, kết quả đánh giá chất lượng theo Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam do Bộ Y tế ban hành được xếp theo các mức như sau: mức 1: Chất lượng kém; mức 2: Chất lượng trung bình; mức 3: Chất lượng khá; mức 4: Chất lượng tốt; mức 5: Chất lượng rất tốt. Về kết quả đánh giá theo tiêu chuẩn chất lượng cơ bản đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được xếp theo 2 mức: đạt tiêu chuẩn chất lượng cơ bản; không đạt tiêu chuẩn chất lượng cơ bản. Đối với kết quả đánh giá theo tiêu chuẩn chất lượng nâng cao đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được xếp theo các mức: đạt tiêu chuẩn chất lượng cấp quốc gia; đạt tiêu chuẩn chất lượng cấp quốc gia xuất sắc; không đạt tiêu chuẩn chất lượng nâng cao.

Kết quả đánh giá theo tiêu chuẩn chất lượng đối với từng chuyên khoa hoặc dịch vụ kỹ thuật do Bộ Y tế ban hành sẽ được xếp theo 3 mức: đạt tiêu chuẩn chất lượng của chuyên khoa hoặc dịch vụ kỹ thuật; đạt tiêu chuẩn chất lượng tốt của chuyên khoa hoặc dịch vụ kỹ thuật; không đạt tiêu chuẩn chất lượng của chuyên khoa hoặc dịch vụ kỹ thuật.

Sau khi tổng hợp toàn bộ kết quả chứng nhận chất lượng do cơ quan, tổ chức đánh giá bên ngoài thực hiện, Bộ Y tế công nhận các mức chất lượng bệnh viện theo 3 cấp độ sau: bệnh viện đạt chất lượng cấp cơ bản; bệnh viện đạt chất lượng cấp quốc gia; bệnh viện đạt chất lượng cấp quốc gia xuất sắc.

Đối với việc đánh giá chất lượng sẽ dựa trên các phương pháp: quan sát thực trạng, theo dõi hoạt động; kiểm tra sổ sách, máy tính, văn bản, nhật ký, tài liệu, số liệu; phỏng vấn nhân viên y tế/người bệnh/người nhà người bệnh; đóng vai người bệnh, người nhà người bệnh. Căn cứ trên tình hình thực tế và yêu cầu của từng tiêu chí, tiểu mục, có thể vận dụng nhiều phương pháp trong một cuộc đánh giá chất lượng hoặc khi đánh giá một tiêu chí chất lượng bất kỳ.

Đọc thêm

Rước họa vì thói quen nhiều người hay làm

Bệnh nhân nhập viện vì uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) -  Liên tiếp trong thời gian gần đây, các bác sĩ tại các bệnh viện thường tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu vì tự ý uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Điều đáng nói, nhiều người hiện nay tự ý sử dụng các loại thuốc này để điều trị nhiều căn bệnh như: Viêm gan B, sỏi túi mật….

Không dễ dãi với mặt hàng đặc thù liên quan sức khỏe

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (dự kiến được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024), mới đây khi được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã được chỉ ra một số nội dung cần xem xét.