Mặt trái của tiền mừng tuổi
“Cháu cho cô xem cái này hay lắm”- bàn tay cháu gái 9 tuổi thoăn thoắt lấy chìa khóa mở chiếc ngăn kéo bàn học. Tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy nó cầm một sấp tiền 100 nghìn trên tay: “Tiền của cháu đấy, với số tiền này cháu có thể tậu được chiếc xe máy”. Tôi nhẩm đếm thì quả thực cháu tôi đang sở hữu số tiền gần…30 triệu đồng. “Sao cháu lại có nhiều tiền thế”- tôi vội hỏi. Nó tủm tỉm: “Thì người ta mừng tuổi cháu!”.
Chị tôi vốn đang giữ chức vụ Phó Giám đốc Công ty Xi măng, còn anh rể chức Trưởng phòng Nhân sự Công ty máy tính. Cứ mỗi lần lễ Tết, nhà chị lại tiếp đón rất nhiều khách cả trong lẫn ngoài cơ quan. Những dịp nhờ vả xin việc, lên lương, lên chức họ đều tìm đến nhà anh chị và không quên mang theo những món quà và chiếc phong bì. Anh chị không nhận nhưng họ đều bảo mừng tuổi cháu gái. Vậy là một số anh chị giữ lại, số còn lại đưa cho con gái “để dành mà học hành”.
“Hiện bố mẹ chẳng biết cháu có bao nhiêu tiền đâu. Bố cháu bảo tiền mừng tuổi cứ mua sách vở, hết bố lại cho”. Cháu còn kể: “Nguyệt, bạn cháu còn “giàu “ hơn. Nguyệt có tới 40 triệu đồng. Hôm trước, Nguyệt mang 3 tờ 100 USD đến lớp cho các bạn biết mặt… tiền Mỹ. Toàn tiền mừng tuổi mà nó “thu hoạch” được đấy cô ạ.”
Không chỉ có cháu tôi và Nguyệt là 2 đứa trẻ mới học lớp 4 đã có tiền triệu trong tay mà hiện nay, ở thành thị có không ít trẻ ở trong gia đình khá giả đã có tiền để… két mỗi dịp Tết. Một điểm giống nhau là bố mẹ chúng cho quyền “tự quản lý”. Có tiền riêng, nhiều trẻ có thể “đốt” số tiền ấy theo từng ý muốn khác nhau.
Quang Huy, 14 tuổi, con của chủ quán cà phê - bóng đá trên phố Triệu Việt Vương (Hà Nội) được bố mẹ và các “chiến hữu” của bố mẹ mừng tuổi. Số tiền lên tới hàng triệu. Có tiền trong tay, Huy tự “thưởng” cho mình bằng cách đi vào Shop mua quần áo, giày dép xịn. Mua nhiều cũng chưa hết, Huy thay đổi cách tiêu tiền. Thấy bố hay thắng “độ”, Huy nghĩ mình cũng thử “cá độ” để kiếm tiền. Tất nhiên là “độ” ở quán khác mà bố mẹ không biết. Từ “độ” vài trăm nghìn, dần dần Huy cá đến cả “chai” (triệu) cho mỗi trận. Khi thắng khi thua, Huy bỏ học lao vào vòng xoáy cá độ lúc nào chẳng hay. Số tiền hơn 10 triệu tiền mừng tuổi mà Huy “tích lũy” từ đầu năm đã “bay vèo”… theo trái bóng. Thua hết tiền, Huy lại “vò đầu bứt tai” xin bố mẹ tiền học thêm hoặc lấy trộm tiền trong tủ bố mẹ.
Lại có trẻ dùng tiền vào việc “mua” kiến thức. Cứ mỗi lần kiểm tra các môn học trên lớp, Tuấn Anh học lớp 7 đã mang tiền đến cho bạn lớp trưởng ngồi cạnh để bạn cho chép bài. Hết môn này đến môn khác, lớp trưởng điểm 9-10 thì Tuấn Anh cũng được 7-8. Tuấn Anh vênh vang: “Có nhiều tiền cần gì phải học!”. Đạt học sinh tiên tiến mà đầu Tuấn Anh luôn ở trong tình trạng trống rỗng. Thời gian rỗi, Tuấn Anh đều dành vào việc chơi bi-a, điện tử, hát karaoke để có “cơ hội” “đốt” hết những đồng tiền…mừng tuổi. Bố mẹ thắc mắc về cách tiêu tiền của cậu con trai, Tuấn Anh hất hàm: “Tiền con, con tiêu. Người ta mừng tuổi con chứ, của bố mẹ đâu mà mắng”.
Có nhiều tiền và tự ý tiêu thoải mái, nhiều trẻ không coi trọng đồng tiền và sức lao động để kiếm được tiền. Trẻ thường mắc phải tính lười lao động, không chí tiến thủ, thích hưởng thụ và điều này rất dễ có những hành động phạm pháp khi không có tiền.
Có tiền mừng tuổi, nhiều trẻ tự ý tiêu pha lãng phí. |
Mừng tuổi con bằng… sách, cùng con thiện nguyện
Tiến sĩ Trương Xuân Trường (Viện Xã hội học) không khỏi lo lắng: “Cho con giữ tiền và tiêu tiền một cách thoải mái là một tiêu cực trong gia đình hiện đại”. Nếu con có tiền mừng tuổi hay tiền mọi người cho, các bậc phụ huynh cần quản lý chặt chẽ, không nên để con cái có quyền quyết định chi tiêu vì trẻ chưa hiểu hết giá trị đồng tiền.
Các bậc cha mẹ nên hướng con vào các chi tiêu hợp lý như mua sắm đồ dùng học tập hoặc trích một khoản tiền giúp đỡ các bạn tàn tật, nghèo khó, gặp khó khăn trong cuộc sống. Mọi chi tiêu phải có sự đồng ý của cha mẹ. Cha mẹ phải là tấm gương về cách chi tiêu tiền hợp lý. Cha mẹ thường xuyên đưa các con tới thăm hỏi các gia đình nghèo khó, nhọc nhằn bươn trải để kiếm sống hay vào những nơi nuôi dưỡng trẻ mồ côi, tàn tật… Điều này sẽ giúp con hiểu rõ giá trị đồng tiền, giá trị cuộc sống. Trẻ sẽ thay đổi tích cực cách sống và hành vi của mình.
Chị Minh Hương (Hai Bà Trưng) chia sẻ, đối với trẻ, món tiền lì xì nhận được trong năm mới giống như một niềm vui ngắn ngủi, bởi vì, rất nhanh sau đó, món tiền lì xì đó sẽ phải “bàn giao” lại cho bố mẹ giữ hộ. Vì thế, nếu thực sự muốn mang đến cho con một niềm vui ý nghĩa và những gợi mở tuyệt vời dịp năm mới, bố mẹ nên lì xì con bằng sách hoặc sử dụng tiền mừng tuổi lập nên một “thư viện mini” cho các con.
Những cuốn sách phù hợp với độ tuổi và sở thích của con sẽ là món quà mừng tuổi tuyệt vời cho các bé. Những câu chuyện thú vị trong từng cuốn sách mà bố mẹ chọn cũng chính là ước mong mà bố mẹ muốn gửi gắm đến bé trong năm mới. Việc lì xì cho con bằng sách còn mang đến những lợi ích vô cùng tuyệt vời cho cả gia đình”. Quả vậy, những đứa trẻ hân hoan khi được chọn những cuốn sách yêu thích tại các cửa hàng sách xuân.
Xuân Canh Tý 2020 đánh dấu sự trở lại của dòng Sách Tết đã được NXB Kim Đồng thực hiện từ hơn 60 năm trước và đều đặn mỗi dịp Tết đến Xuân về, ấn phẩm “Nhâm nhi Tết” sẽ là món quà Tết đặc sắc gửi tới bạn đọc Kim Đồng.
Năm nay, Nhâm Nhi Tết – Tân Sửu 2021 mang đến cho độc giả những tác phẩm văn, thơ, nhạc, họa đậm sắc xuân cùng không khí tươi mới, trẻ trung, hiện đại trên nền văn hóa truyền thống. Mở Nhâm Nhi Tết – Tân Sửu 2021, trẻ nhỏ sẽ được chu du xuyên qua không gian và thời gian, hòa mình trong không khí đón xuân trên khắp mọi miền đất nước, từ những vùng nông thôn yên bình, tới thành phố náo nhiệt, cùng đồng bào các dân tộc anh em khắp mọi miền đón Tết.
Những câu chuyện nhỏ ấm áp, tươi vui trong truyện ngắn “Món quà quý”, “Mùa ấm áp bên nhau”, “Điều ước của Pia”, “Lì xì mùa xuân”, “Nghé con không muốn lớn”, “Chiếc bánh trong đáy túi”, “Đôi giày búp bê”, “Giao thừa 1-0-2”... mang đến cho độc giả những cảm xúc ngọt ngào của tình yêu thương, sự sẻ chia và những niềm vui bé thơ khi được khám phá, đón nhận những điều mới mẻ.
Trong không khí hoài cổ, mời bạn đọc sự tích “Trâu Vàng hồ Tây” qua lời kể của nhà văn Tô Hoài, xem Trâu Xe đón Tết cách nay vài thập kỉ trong truyện “Cái Tết của Trâu Xe” của nhà văn Võ Quảng, gặp chú Nghé con tinh nghịch trong bài “Thi Nghé” của nhà thơ Huy Cận.
Bạn cũng sẽ được hòa mình trong khu vườn xuân đầy màu sắc trong hoạt cảnh “Hoa Xuân” của nhạc sĩ Phong Nhã, rộn ràng với “Khúc ca xuân” núi rừng trong bài thơ của nhà thơ Dương Thuấn.
Hãy cùng chiêm ngưỡng vẻ tươi tắn, rộn rã của mùa xuân, của “tiết trời ấm áp, cây lá trổ bông, trăm hoa đua nở, chim muông ríu rít, vạn vật xốn xang, bừng rạng sau mùa đông dài lạnh lẽo”, với hình ảnh các thiếu nữ trong những tà váy áo thướt tha đi chơi hội trong kiệt tác tranh sơn mài “Vườn Xuân Trung Nam Bắc” của đại danh họa Nguyễn Gia Trí.
Có lẽ nhiều bạn đã biết phong tục làm bánh chưng, tục dựng cây nêu ngày Tết, nhưng ở các làng quê đồng bằng, ở vùng Tây Nguyên, ở miền núi thì bánh chưng, cây nêu có khác gì nhau? Nhà dân tộc học Chu Thái Sơn sẽ chia sẻ với bạn rất nhiều điều thú vị trong bài “Cây nêu ngày Tết và nệp bánh chưng”.
“Không khí Tết làm người ta muốn tìm về những thứ xưa cũ. Cội nguồn của người Việt hiện diện trong mâm ngũ quả trên ban thờ, ở đôi câu đối đỏ, ở cặp bánh chưng bánh tét, ở cành đào cành mai, và ở tà áo dài truyền thống. Áo dài gắn bó với người Việt suốt chiều dài lịch sử, từ thuở nó còn mang hình dáng khác và cũng chưa có tên gọi “áo dài”. Hãy cùng khám phá những biến đổi của bộ trang phục truyền thống rất đỗi tinh tế và thấm đẫm hồn Việt này nhé!” là lời mời mọc tìm hiểu về “Tà áo dài Việt Nam” của chàng trai mê áo dài Thái Hiển.
Xen kẽ giữa những trang thơ, truyện ngắn, họa phẩm... là những thông tin rất thú vị về con giáp năm Sửu để bạn “nhâm nhi” trong cuốn sách này: Những danh nhân nổi tiếng nào của Việt Nam sinh năm Tân Sửu? Từ khi nào con trâu bắt đầu được người Việt thuần phục, nuôi dưỡng? Con trâu xuất hiện trong thơ ca, trong nghệ thuật truyền thống như thế nào?...
Trong dịp Tết Tân Sửu 2021 này, những cuốn SÁCH TẾT đặc sắc khác cũng được các phụ huynh tìm mua để lì xì cho con trong đêm Giao thừa: “Kể chuyện Tết Nguyên Đán”; hai tập tản văn trong bộ “Viết cho những điều bé nhỏ”, “Tết xưa thơ bé”, “Nhớ ơi là Tết”; hai tập truyện ngắn “Giao thừa không đến muộn”, “Ngọn lửa đêm ba mươi”. Cuốn sách Tranh với những vần thơ ngộ nghĩnh “Đúng là Tết!” rất được yêu thích cũng trở lại cùng với phiên bản tiếng Anh “This is Tết!” để đáp ứng nhu cầu đọc sách của các độc giả nhí trong nước và quốc tế.
Bà Giáng Ngọc (NXB Kim Đồng) cho hay: “Năm nay, nhiều bố mẹ thay vì lì xì các con bằng tiền thì họ chuyển sang lì xì con bằng… sách. Có lẽ, tặng con bằng trí thức, cổ vũ con đọc sách đó là sự thay đổi suy nghĩ đầy văn minh, văn hóa của các bậc phụ huynh”.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu