Xung quanh những vấn đề đặt ra tại Nghị quyết, Báo PLVN đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nguyên Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)…
Nhiều vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện
Ông đánh giá như thế nào về công tác xây dựng pháp luật hiện nay, đặc biệt là tính đồng bộ, thống nhất, ổn định, khả thi? Theo ông, hệ thống pháp luật đã thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) hoạt động, khuyến khích các DN đổi mới, sáng tạo?
Thời gian qua, chúng ta đã có bước tiến khá dài trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực theo hướng minh bạch, thống nhất, hợp lý. Điều này có được là do Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) đã xây dựng hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, rõ ràng. Bên cạnh đó là sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của Chính phủ, Quốc hội trên tinh thần “từ sớm từ xa”; sự tham gia có hiệu quả của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên; sự hưởng ứng tích cực và hiệu quả của VCCI và các Hiệp hội DN, các chuyên gia; sự phát triển của công nghệ…
Có thể nói, nhiều bất cập tồn tại trong thời gian dài đã được khắc phục phần nào trong thời gian gần đây. Hệ thống pháp luật đã giúp các DN có khung khổ pháp lý tương đối minh bạch để kinh doanh; nhưng bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện, nhất là bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, khả thi.
Còn việc hệ thống pháp luật đã thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho các DN phát huy khả năng sáng tạo hay chưa, theo tôi điều này chúng ta chưa làm được bao nhiêu. Một mặt do chúng ta không có kinh nghiệm nhiều trong vấn đề này, nhất là trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, thông tin, tài chính, tiền tệ, kinh tế đêm, tài sản ảo…Trong khi đó, cách tiếp cận đối với các lĩnh vực này đòi hỏi phải chấp nhận các rủi ro, thậm chí cần khung khổ pháp lý thử nghiệm như đối với các DN khởi nghiệp sáng tạo (sandbox)…
Báo cáo của VCCI cho biết, thời gian qua, việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hoá thủ tục hành chính đã giúp cải thiện đáng kể quyền tự do kinh doanh của DN. Nhưng nhiều loại giấy phép kinh doanh vẫn quy định thời hạn, làm tăng rủi ro cho các dự án đầu tư lớn, khi mà thời hạn của giấy phép thường ngắn hơn nhiều so với phương án, kế hoạch kinh doanh thông thường của dự án đó. Như vậy, mỗi lần đi xin gia hạn giấy phép, DN sẽ phải đối mặt với rủi ro không được tiếp tục kinh doanh, các tài sản đã đầu tư trở nên lãng phí. Nếu tài sản có tính thanh khoản cao thì DN có thể bán thanh lý để giảm thiệt hại, nhưng nếu tài sản đó thanh khoản thấp thì rủi ro rất lớn.
Trên thực tế, quá trình thực thi pháp luật thời gian qua đã bộc lộ không ít “điểm nghẽn”, “nút thắt” về thể chế trong các lĩnh vực được coi là “điểm nóng”, như đất đai, chứng khoán, trái phiếu, đấu thầu...Theo ông, thực trạng này do công tác lập pháp chưa theo kịp thực tiễn, hay sự chậm trễ, thiếu trách nhiệm, tiêu cực trong khâu hướng dẫn, áp dụng pháp luật...?
Tôi cho rằng có cả hai nguyên nhân trên. Thứ nhất, về hệ thống pháp luật, dù đã cải thiện nhiều nhưng vẫn còn không ít khiếm khuyết, nhất là bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ. Ví dụ, hiện nay, cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã rà soát 88 luật có nội dung quy định đề cập đến vấn đề đất đai, trong đó xác định có 22 luật, bộ luật có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn với Luật Đất đai. Hay như cơ quan chủ trì xây dựng Dự thảo Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản cũng đã thực hiện rà soát 84 văn bản và phát hiện 12 nội dung quy định mâu thuẫn, chồng chéo và 24 nội dung quy định bất cập, không phù hợp với thực tiễn.
Về tính khả thi thì cũng còn nhiều vấn đề đang gây khó khăn, vướng mắc cho người dân và DN. Điển hình là các quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC), nhiều hiệp hội DN cho biết họ phải đóng cửa hoặc trả mặt bằng do gặp vướng mắc trong quá trình xét duyệt để đạt tiêu chuẩn PCCC theo quy định. Một số DN còn kêu rằng các quy định về PCCC như từ “trên trời rơi xuống”…
Thứ hai, đối với công tác thực thi pháp luật, đây là điểm yếu trong nhiều năm nay, trong đó vấn đề lớn nhất là tình trạng “đông cứng” của cơ quan Nhà nước. Ai cũng sợ trách nhiệm không dám làm, chứ đừng nói đến “dám nghĩ, dám làm dám chịu trách nhiệm”. Thật đau xót khi nghe nói: “Thà đứng trước Hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước Hội đồng xét xử”.
Đôi khi, văn bản pháp luật rất sát với thực tế, nhưng vì tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm nên “anh” không triển khai mà né tránh, đùn đẩy cho nhau hoặc ngồi chờ hướng dẫn của cấp trên. Vì vậy, thi hành pháp luật rất cần những con người hiểu biết pháp luật, đồng cảm với người dân và DN để có thể chủ động, quyết liệt trong thực hiện và dám chịu trách nhiệm vì việc đó.
Để cán bộ dám nghĩ dám làm …, theo tôi, một điều kiện tiên quyết là người đứng đầu ngành, địa phương, tổ chức đó phải cam kết cùng chịu trách nhiệm thì hy vọng vấn đề mới khả thi. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu địa phương không được đùn đẩy việc lên Trung ương; không chuyển công việc thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan mình sang bộ, cơ quan khác…Quy định đã rõ, các cơ quan, bộ, ngành, địa phương cần nghiêm chỉnh thực thi.
Ngoài ra, cần có “sức ép” từ cộng đồng DN, hiệp hội DN thông qua xếp hạng, chấm điểm chất lượng xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật của các bộ, ngành (trước đây VCCI đã làm rất hiệu quả); các cơ quan chức năng nên lấy đó làm kênh tham khảo để nâng cao chất lượng quản trị quốc gia.
Phải biết vận dụng sáng tạo, linh hoạt các quy định pháp luật
Nghị quyết 27-NQ/TW yêu cầu phải hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, giải trình và tiếp thu ý kiến của nhân dân đối với dự thảo văn bản QPPL. Ông đánh giá công tác này trong thời gian qua được thực hiện ra sao? Ý kiến đóng góp của các DN đã thực sự được tôn trọng trong quá trình xây dựng và thi hành pháp luật?
So với trước kia thì hiện nay việc tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý của DN đã tiến bộ hơn rất nhiều. Theo Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2022 do VCCI thực hiện, trong năm 2022 tổng cộng VCCI đã đưa ra 440 kiến góp ý với 53 văn bản QPPL, tương ứng mỗi văn bản có 8 đề xuất, kiến nghị gửi tới cơ quan soạn thảo. Tỷ lệ tiếp thu ý kiến góp ý trong năm 2022 của các bộ ngành là 47,73% (210/440 ý kiến). Tỷ lệ này thấp hơn so với năm 2020 (54,92%), tuy nhiên lại cao hơn so với tỉ lệ tiếp thu của năm 2021 (46,5%); năm 2019 (44,08%).
Các góp ý của VCCI tập trung vào các yếu tố về tính hợp lý, tính minh bạch và tính thống nhất của quy định. Trong 3 tiêu chí đó, tỉ lệ tiếp thu các góp ý về tính hợp lý là cao nhất (50,95%); các ý kiến liên quan đến tính minh bạch có đến 60% ý kiến không được tiếp thu; tính thống nhất chỉ tiếp thu 47,22%.
Điều này cho thấy các dự thảo văn bản QPPL, theo DN vẫn chưa thực sự đảm bảo tính minh bạch và thống nhất. Tuy vậy, với 440 đề xuất trong văn bản pháp luật, một nửa trong số đó được ghi nhận, tiếp thu đã thể hiện sự quan tâm, nỗ lực của cộng đồng DN cũng như cơ quan chủ trì soạn thảo trong hoạt động xây dựng chính sách.
Pháp luật phải tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước...Ảnh minh họa. |
Ngoài VCCI, hiện nay, các hiệp hội- nhất là hiệp hội ngành hàng- đã có nhiều chuyển biến trong việc góp ý, phản biện; MTTQ Việt Nam với nhiều chuyên gia có kinh nghiệm cũng đã tích cực tham gia vào quá trình này.
Vấn đề lớn nhất là khả năng, thái độ của các cơ quan Nhà nước như thế nào trong việc tiếp thu và giải trình. Trước yêu cầu của Nghị quyết 27, tôi cho rằng các cơ quan soạn thảo văn bản luật cần mở rộng kết nối với các tổ chức, hiệp hội và đặc biệt phải gắn với thực tiễn. Vì không gắn kết chặt chẽ với nhân dân, không kết nối với hàng trăm nghìn hiệp hội, chuyên gia thì khó có được những văn bản luật có chất lượng.
Thưa ông, thực tế cho thấy, có những quy định pháp luật vừa mới ban hành nhưng sau một thời gian ngắn đã không còn phù hợp do tình hình thay đổi, trong khi quy trình sửa đổi các văn bản QPPL không thể làm ngay. Nhiều ý kiến đề nghị, trong tổ chức thực thi pháp luật phải vận dụng sáng tạo, linh hoạt, để vừa không vi phạm, vừa phù hợp điều kiện, hoàn cảnh thực tế, trên cơ sở lấy lợi ích của đất nước, của nhân dân làm trọng. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Một trong những nội dung của Nhà nước pháp quyền là công dân được làm những gì luật không cấm, cán bộ công chức chỉ được làm những gì pháp luật quy định. Do đó, người dân, DN được quyền sáng tạo trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, còn trách nhiệm của các tổ chức nhà nước, cán bộ công chức là phải luôn biết phát hiện các bất cập của pháp luật (tự mình hoặc/và thông qua phát hiện của người dân, chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức khác) để khắc phục các bất cập.
Ngoài ra, cần chuyển các hoạt động quản trị quốc gia theo hướng chuyên nghiệp hơn. Gần đây, Quốc hội và Chính phủ đã thể hiện rõ tinh thần ấy, đã phối hợp nhuần nhuyễn trong việc xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh; không phân biệt “quyền anh, quyền tôi”, mà tất cả đều vì mục tiêu cao nhất là lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân.
Để đạt được điều đó, trong quá trình vận dụng pháp luật, những cán bộ, công chức của Nhà nước phải biết phản ứng chính sách kịp thời; tinh thần trách nhiệm phải cao. Tóm lại, họ phải là những người hội đủ tinh thần vì nước, vì dân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn thử thách.
Trong vấn đề này, chúng ta lại phải nghiêm túc nhìn nhận lại công tác tuyển chọn người tài. Đã đến lúc phải hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm tạo môi trường, hành lang pháp lý an toàn, đầy đủ, minh bạch, dễ thực hiện, mở ra không gian phát triển cho việc đào tạo, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài, để họ yên tâm cống hiến trong các cơ quan Nhà nước.
Trân trọng cám ơn ông!