Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, ngày 25/2/2021, Chính phủ đã có tờ trình trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.
Trong năm 2020, Quốc hội đã xem xét thông qua 17 luật, 09 nghị quyết và cho ý kiến đối với 04 dự án luật khác; Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thông qua 01 pháp lệnh và 05 nghị quyết.
Năm 2021 là năm chuyển giao nhiệm kỳ nên số lượng dự án đưa vào chương trình những tháng đầu năm không nhiều. Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 đã quyết định tại kỳ họp thứ 11 (3/2021), Quốc hội sẽ xem xét thông qua 04 dự án đã cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 và không cho ý kiến dự án luật nào.
Theo đó, Luật phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp lần thứ 11 và thông qua ngày 30/3/2021 với tỉ lệ tán thành cao (94,58%). Đối với 03 dự án luật còn lại (Luật giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và Luật lực lượng tham gia bảo vệ, trât tự ở cơ sở) trong chương trình, trên cơ sở ý kiến của các Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020), Tổng thư ký Quốc hội đã có văn bản gửi Chính phủ thông báo kết quả xin ý kiến về các nội dung, thời điểm thông qua đối với 03 dự án luật và đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến để báo cáo UBTVQH, Quốc hội.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu báo cáo tại phiên họp. |
Về đề nghị các dự án cụ thể trong Chương trình, Chính phủ đề nghị bổ 02 dự án luật mới. Cụ thể về dự án Luật thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành bổ sung vào chương trình năm 2022 đối với 02 dự án luật như Chính phủ đề nghị; đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo đúng yêu cầu.
Tại phiên họp, các đại biểu cũng đánh giá về công tác xây dựng và triển khai chương trình xây dựng pháp luật vẫn còn một số vướng mắc bất cập như: Chưa kịp đáp ứng yêu cầu thực tiễn, việc trình và rút một số luật còn thiếu thông tin khiến cử tri thắc mắc…
Kết luận tại cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Bộ Tư pháp cần nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Ủy ban tại phiên họp, đồng thời báo cáo Chính phủ nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác xây dựng pháp luật.