Trả lời đại biểu Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, TMĐT đã giao dịch với một lượng rất lớn, với doanh số lên tới gần 21 tỷ USD. Việc nộp thuế trong lĩnh vực này của năm 2023 theo thống kê gần 100 nghìn tỷ đồng, tăng 16,1% so với năm 2022. “Tuy nhiên, không thể phủ nhận còn thất thu thuế trong lĩnh vực”, lãnh đạo Bộ Công Thương nói rõ.
Qua theo dõi, có 4 sàn lớn TMĐT mà nước ngoài đang khai thác ở Việt Nam mỗi một tháng nhập khẩu khoảng trên dưới 1 tỷ USD hàng hóa. Điều đó đồng nghĩa sẽ có một lượng thuế bị thất thoát ở chỗ này nếu như quy định hiện hành không được điều chỉnh, Bộ trưởng Công Thương cho hay.
Trước thực tế trên, ngày 6/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 56/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương rà soát các văn bản, kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý TMĐT. Trong đó, sửa đổi Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm nhằm tăng cường chế tài xử lý. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn DN nâng cao tinh thần tuân thủ pháp luật và bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng; tăng cường cảnh báo, hướng dẫn người tiêu dùng qua TMĐT.
Bộ Tài chính được giao rà soát cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện kê khai, nộp thuế; tối ưu hóa quy trình thông quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu qua TMĐT. Tăng cường triển khai các giải pháp thu thuế, chống thất thu thuế, xử lý nghiêm các vi phạm về thuế, hải quan trong hoạt động TMĐT. Tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT trong nước và xuyên biên giới thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế theo quy định.
Công điện nêu rõ, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế với TMĐT; tăng cường công tác thanh, kiểm tra với hoạt động livestream bán hàng, trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, nhận hoa hồng từ việc quảng cáo, bán hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chuyển cơ quan chức năng để xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Với những chỉ đạo trên, chắc chắn đã hết thời của những “gian thương” lợi dụng không gian mạng để buôn bán hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… Dư luận rất ủng hộ việc cơ quan quản lý cần phải làm nghiêm, không thể cho các đối tượng xấu tiếp tục lợi dụng công nghệ để làm giàu bất chính, lừa bịp người tiêu dùng, hay trốn tránh trách nhiệm nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước.