Mùa tuyển sinh năm nay, Bộ GD&ĐT mở thêm khối A1 (Toán, Lý, tiếng Anh) để tạo điều kiện thuận lợi và mở rộng cửa cho thí sinh có nhiều cơ hội vào ĐH. Tuy nhiên, với điểm mới này, nhiều trường ĐH vẫn còn dè dặt…
Năm 2012, thí sinh sẽ có nhiều cơ hội với khối A1? |
Thí sinh cần cân nhắc
Bộ GD&ĐT mở thêm khối A1 (Toán, Lý, tiếng Anh) để tạo điều kiện thuận lợi và mở rộng cửa cho thí sinh có nhiều cơ hội vào ĐH. Song, thí sinh cần cẩn trọng khi đăng ký dự thi khối này, bởi mỗi trường tổ chức thi khối A1 theo ngành khác nhau, chủ yếu là khối ngành Kinh tế và Công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, thí sinh dự thi khối này chỉ được xét tuyển vào cùng khối chứ không được xét tuyển sang khối A.
Hiện có rất nhiều trường công bố sẽ tuyển khối A1 như: trường ĐH Ngoại thương, trường ĐH Bách khoa, trường ĐH Luật - Kinh tế TP. HCM, ĐH Thái Nguyên, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Lâm nghiệp Việt Nam, một số trường ĐH dân lập và trường ĐH khu vực phía Nam thông báo tuyển sinh khối A1…
Cụ thể, trường ĐH Kinh tế, Đà Nẵng thông báo tuyển 2 ngành là Kinh tế đầu tư và Quản trị hệ thống thông tin, 2 ngành này cùng tuyển khối A, A1 và D1, 2, 3, 4 với 50 chỉ tiêu cho mỗi ngành.Trường CĐ Công nghệ thông tin- ĐH Đà Nẵng mở thêm ngành Hệ thống thông tin cho khối A, A1, D1 với 60 chỉ tiêu. ĐH Kỹ thuật Hưng Yên tuyển sinh khối A1 cho tất cả các ngành; ĐH Ngoại thương tuyển khối A1 cho tất cả các ngành (trừ ngành ngoại ngữ), trường ĐH Xây dựng tuyển sinh khối A1 với ngành công nghệ thông tin.
Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, việc tổ chức thi theo tổ hợp môn là bước đệm cho việc tổ chức thi vào ĐH bằng nhiều môn trong tương lai. Về lâu dài, Bộ chủ trương tổ chức nhiều môn thi ĐH, thí sinh thi vào trường có yêu cầu thi tuyển các môn thi nào sẽ chủ động thi các môn đó để xét tuyển chứ không thi theo khối thi.
Tuy nhiên, ông Lê Quốc Hạnh, Trưởng Phòng Đào tạo trường ĐH Hà Nội, chia sẻ: “Năm nay là năm đầu tiên thi khối A1, việc thông báo cũng hơi muộn, do vậy thí sinh nên cân nhắc lựa chọn khối thi. Khối A1 cửa xét tuyển hẹp, bởi năm nay nhiều trường không tổ chức thi khối A1. Nếu em nào lựa chọn thi khối A1 thì cân nhắc giữa môn Hóa và môn Ngoại ngữ xem môn nào là thế mạnh của mình thì thi vào. Nếu phân vân giữa khối A1 và A thì nên thi khối A. Các em cần phải tự tin vào sự lựa chọn của mình”.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng Phòng Đào tạo trường ĐH Ngoại thương cũng đồng quan điểm: “Những thí sinh thi khối D1 có thể thi thêm khối A1. Đây là cơ hội cho các em thử sức thêm với khối mới thuận lợi hơn khi thi khối A. Tuy nhiên, các em cần so sánh môn Hóa và Ngoại ngữ, xem môn nào là sở trường của mình thì đăng ký thi”.
Lo thí sinh “thâm canh”
Có thể thấy, ở khối thi A1 này là sự cạnh tranh lớn của các thí sinh khối D. Với các môn thi gồm: Toán, Vật lý, Ngoại ngữ, khối A1 giao thoa với cả hai khối A (Toán, Vật lý, Hóa học) và khối D (Toán, Văn, Ngoại ngữ). Do khối A1 sẽ được tổ chức thi cùng với khối A trong đợt 1 nên khả năng “thâm canh” thêm khối này của các sĩ tử khối A là không thể, nhưng lại là cơ hội cho các sĩ tử khối D khi trùng đến hai môn thi. Khối A1 vì thế chắc chắn sẽ được các sĩ tử khối D lựa chọn với tư cách là phương án 2, giống như khối B là phương án 2 của các sĩ tử khối A.
Theo ông Đoàn Văn Vệ, Trưởng Phòng Đào tạo, trường ĐH KHTN (ĐHQG Hà Nội), các thí sinh đỗ cả hai khối A và B thường chọn khối A, tỷ lệ đỗ ảo của khối B vì thế thường lên đến 200 - 300%. Đây cũng là tình cảnh chung của tất cả các trường tuyển khối B, từ trường tốp đầu là trường ĐH Y Hà Nội đến các trường hạng trung như trường ĐH Tây Nguyên.
Và, xét trên tổng thể, số lượng trường tuyển khối A1 không nhiều so với các khối thi truyền thống. Cơ hội lựa chọn trường, nghề nghiệp của thí sinh vì thế phần nào bị hạn chế. Cơ hội vào đại học vì thế càng hẹp hơn ở NV2, nếu thí sinh không may trượt ở NV1.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, hằng năm, số trường tuyển đủ chỉ tiêu ở NV1 chiếm khoảng 70%, chỉ khoảng 30% số trường xét tuyển NV2. Trong 30% này, số trường tuyển khối A1 chắc chắn ít hơn so với các khối thi truyền thống. Mặt khác, các trường tuyển khối A1 thường tuyển cả khối A và D, hai khối thi chiếm tới trên 70% tổng số hồ sơ dự thi hằng năm, nguồn tuyển của trường vì thế rất dồi dào. Đây thực sự là một cuộc cạnh tranh đầy thách thức với các sĩ tử khối A1.
Tuy nhiên, ông Hoàng Minh Sơn, Trưởng Phòng Đào tạo, trường ĐH Bách khoa lại cho rằng, đây là khối thi mới, lại được Bộ GD & ĐT công bố quá muộn, chỉ cách kỳ thi tuyển sinh 4 tháng, nên rất nhiều thí sinh không kịp ôn tập. Do đó, số lượng thí sinh đăng ký khối thi này chắc chắn sẽ không nhiều. Vì thế, với các sĩ tử thực sự có năng lực và dám đi tiên phong đăng ký khối A1 thì cơ hội trong mùa thi năm nay là rất lớn.
Đề tiếng Anh sẽ nhẹ hơn? Dự kiến trước khả năng do thời gian thông báo thi khối A1 qua gấp gáp, nhiều trường không tổ chức thi khối A1 và nhiều thí sinh băn khoăn lựa chọn vì chưa kịp chuẩn bị, Bộ GD&ĐT dự kiến đưa ra phương án: đề thi môn Toán, Vật lý khối A1 sẽ giống đề khối A; môn tiếng Anh khối A1 có đề riêng, không chung với đề tiếng Anh của khối D. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, Bộ đang xem xét phương án khác là cho phép các trường tổ hợp các môn thi ở các khối khác nhau để xét tuyển. Và như vậy, nếu thí sinh thi cả khối A và khối D có thể lấy điểm Toán, Vật lý của khối A kết hợp với điểm tiếng Anh của khối D để xét tuyển khối A1. Nếu vậy, thí sinh dự thi hai khối A, D sẽ có thêm cơ hội đăng ký nguyện vọng khối A1 theo kết quả thi các môn Toán, Vật lý (khối A) và tiếng Anh (khối D). Các trường ĐH có thi tuyển khối A và khối A1 sẽ xét theo chỉ tiêu đã đăng ký, không phân biệt bao nhiêu chỉ tiêu cho khối A và bao nhiêu chỉ tiêu cho khối A1 (việc ngành nào sẽ tuyển ưu tiên khối A hay khối A1 sẽ hiệu trưởng của nhà trường quyết định). Hiệu trưởng cũng quyết định điểm xét tuyển giữa hai khối A và khối A1 (tối thiếu trên điểm sàn). Quyết định này được Bộ GD&ĐT công bố trong thời gian tới. |
Uyên Na