Thực tế cho thấy, đâu đó, người đứng đầu cấp ủy vẫn “xắn quần” vào công việc của người lãnh đạo chính quyền. “Căn bệnh” sợ trách nhiệm dẫn đến “chuyền ban”, “đá bóng” trách nhiệm, làm không đúng thẩm quyền, không hết thẩm quyền đang là những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển.
Trong tình hình như vậy, việc Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 04/NQ-CP về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước được coi là một nỗ lực. Theo đó, sẽ đẩy mạnh và hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền nhằm phân định rõ nhiệm vụ và quyền hạn, thẩm quyền và trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành... gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch, có sức cạnh tranh quốc tế. Hành động của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương phải thực sự lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm...
Về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm, Chính phủ, Thủ tướng không quyết định các vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành theo phân công của Chính phủ và những vấn đề thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phạm vi đã được phân cấp, phân quyền.
Cụ thể, sẽ hoàn thiện các quy định phân quyền quản lý nhà nước giữa Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành và chính quyền địa phương theo ngành, lĩnh vực. Đây là điều cần thiết, bởi lâu nay, Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch các tỉnh thường “chuyền ban”, việc thuộc thẩm quyền vẫn “xin ý kiến”. Và nếu cứ “làm thay” việc như thế, thời gian đâu để Thủ tướng, Chính phủ giải quyết những vấn đề lớn, vĩ mô của đất nước.
Tuy nhiên, để làm được, vận hành tốt đòi hỏi phải xây dựng thể chế phân cấp, phân quyền. Gắn phân cấp, phân quyền với việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính. Do vậy, không thể không rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các bộ, ngành và địa phương, gắn phân cấp, phân quyền với việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính... Vấn đề vốn yếu kém là chất lượng công vụ, công chức, trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ và trách nhiệm của người đứng đầu, phải được nâng lên, tăng cường.
Hoàn thiện các quy định về cơ chế kiểm soát, cơ chế, chính sách đặc thù, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực đối với các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp, phân quyền. Xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phục vụ nhân dân là mục tiêu phải phấn đấu.