Những ngày đầu xuân mới Quý Tỵ 2013, hàng chục tàu đánh cá, câu cá ngừ ở Phú Yên đã lần lượt về bến mang theo hàng trăm tấn cá từ đại dương. Các bến, bãi tấp nập thuyền bè, đặc biệt là ở bến cá Đông Tác (Tp Tuy Hòa). Theo ngư dân nơi đây, những chuyến “hái lộc” đầu năm của họ đã thành công mỹ mãn, dự báo một mùa đánh bắt nhiều thuận lợi.
Khắp nơi trúng mùa
Thực tế ở Phú Yên có hơn 100 tàu thuyền đón Tết trên biển, khi mà người dân đầm ấm đón xuân rộn ràng trên bờ, thì nhiều người vẫn ở khơi xa cùng với mênh mông sóng gió. Một chủ tàu ở Tp Tuy Hòa cho biết: “Có những đoàn cập bến vào chiều 29 Tết, nhưng chúng tôi vì ở xa, và vì còn đang hào hứng với nguồn cá ở biển khơi, nên xác định đón Tết trên bờ muộn hơn. Và giờ đây thì đã có những đoàn đi đánh bắt gần, gọi là “xin lộc” đã trở về”.
Lúc này, cảng cá Đông Tác đang nhộn nhịp người bốc dỡ hàng, nhiều đoàn nâng cốc chúc mừng chiến thắng đầu năm. Sản lượng cá ngừ bình quân từ 7 tạ đến 1,5 tấn/tàu. Ông Trần Văn Tâm, chủ tàu PY 92681TS cùng 9 lao động câu được 33 con cá ngừ với sản lượng 1,4 tấn. Chuyến đi phí tổn khoảng 100 triệu đồng, giá cá hiện tại là 170.000đồng/kg, ông Tâm thu lãi khoảng 60 triệu đồng.
Ông Võ Thành Trung - chủ tàu PY 96139TS và ông Trần Văn Tòng - chủ tàu PY 90531TS cho biết họ đều đạt sản tượng 1,6 tấn. Nhiều chủ tàu khác cũng thu lãi trên 30 triệu đồng trong chuyến đi đầu của năm mới. Toàn bộ cá được sơ chế tại chỗ, rồi chủ yếu vận chuyển vào Tp HCM, sau đó xuất sang thị trường Nhật Bản, Mỹ và EU. Ông Trần Văn Xếp cho biết: “Gia đình tôi có hai tàu cá ngừ, một tàu đã vào bến bốc dỡ cá lên cân, đạt khoảng 1,5 tấn, giá cá được doanh nghiệp thu mua 170.000đ/kg nên gia đình thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Còn một chiếc vẫn đang ngoài biển, mấy thợ bạn báo tin về thắng lợi…”.
Từ năm 2001 những chiếc tàu công suất lớn đầu tiên do ngư dân Đông Tác đóng đã ra đời. Cũng thời điểm này, bà con cũng bắt đầu tiếp cận với nghề câu cá ngừ đại dương. Những chuyến đánh bắt xa bờ đầu tiên trên những tàu cá từ 45-90 mã lực. Đặc biệt, từ năm 2005 về sau, phong trào đóng tàu công suất lớn ở Đông Tác càng phát triển, ban đầu chỉ là chiếc 60 mã lực, sau tăng dần đến 90 rồi 160 mã lực.
Hiện nay, làng có đến 85% số hộ sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Số tàu thuyền của Đông Tác đã có trên 240 chiếc với tổng công suất hơn 20 ngàn mã lực và khoảng 2.600 lao động chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương trên những con tàu xa bờ. Sản lượng khai thác thủy sản của Đông Tác đạt trên 10.000 tấn/năm.
Cũng vui vì “lộc biển” ban tặng, ngư dân ở huyện Đông Hòa đang tổ chức ăn mừng và hy vọng vào một mùa làm ăn được thiên nhiên ủng hộ. Năm 2012, tại xã Hòa Hiệp Trung, nhiều hộ đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng nhờ trúng cá, đặc biệt hộ ông Lê Hay trúng một mẻ cá dưa gang 2,6 tấn, thu nhập 70 triệu đồng; Ông Nguyễn Hữu Bi, thôn Phú Thọ 3, xã Hòa Hiệp Trung cho biết: “Ngư dân chúng tôi ra quân đánh bắt đầu năm, rất nhiều thuyền có thu nhập rất cao. Bình quân mỗi lao động có thu nhập từ 10- 20 triệu đồng dịp sau Tết”.
Hòa chung với không khí đầu năm, ngư dân miền biển huyện Sông Cầu những ngày này như rộn ràng hơn khi những chuyến đi biển đã về bến đầy khoang. Ở khu vực nuôi trồng thủy sản, sau những khó khăn do dịch bệnh trên tôm hùm nay đã khỏi và việc nuôi tôm đã ổn định trở lại. Những con tôm hùm giống không bán được của năm ngoái được người dân giữ lại nuôi.
Tại các vùng biển trên đầm Cù Mông và Vịnh Xuân Đài ở huyện Sông Cầu, tôm hùm giống xuất hiện khá nhiều. Nhiều ngư dân ở các thôn Vịnh Hòa, Từ Nham, Phú Dương (xã Xuân Thịnh), Vũng La, Vũng Chào (xã Xuân Phương), Hòa Lợi (xã Xuân Cảnh)… sau một đêm khai thác được từ vài chục đến cả trăm con. Giá tôm hùm giống giao động từ 50.000 đến 60.000 đồng/con. Cá biệt có phương tiện một đêm khai thác được 350 con tôm hùm giống, thu nhập 18 đến 20 triệu đồng.
Tỉnh Phú Yên có chiều dài bờ biển gần 190km, là điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển kinh tế biển, trong đó nghề đánh bắt hải sản được xem là mũi nhọn. Toàn tỉnh hiện có 7.200 tàu thuyền, tổng công suất 208.000CV. Năm 2010, sản lượng đánh bắt trên 42.000 tấn hải sản, tăng gần 6.700 tấn so với năm 2006. Đáng chú ý là toàn tỉnh có trên 650 tàu cá có công suất từ 90CV trở lên chuyên hành nghề đánh bắt xa bờ, sản lượng mỗi năm khoảng 5.000 tấn.
Riêng 5 tháng đầu năm 2012, ngư dân Phú Yên khai thác được 4.500 tấn cá ngừ đại dương, chiếm tỉ trọng 19% sản lượng khai thác, trong đó khoảng 60% sản lượng cá ngừ được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật, EU. Năm qua, các làng biển Phú Yên không xảy ra những thiệt hại lớn do thiên tai. Không khí vui xuân tràn ngập trên bến, dưới thuyền. Những lễ hội sông nước được tổ chức đã làm cho ngày xuân ở các làng biển thêm rộn ràng. Thắng lợi trong vụ đánh bắt năm 2011 đã giúp ngư dân có điều kiện đầu tư tu sửa và đóng mới tàu thuyền trong vụ cá năm mới này.
Đầu xuân mở biển
Cùng với chuyện làm ăn, đầu năm cũng là lúc ngư dân hướng về thần Nam Hải với những nghi thức truyền thống bao đời. Trong rất nhiều nghi thức, ở làng biển không thể thiếu tục Khai Tiên. Tục Khai Tiên có từ khi những ngư dân đầu tiên khai hoang, mở đất Phú Yên và được gìn giữ cho đến ngày nay. Theo quan niệm của ngư dân, năm nào Khai Tiên thuận lợi tức là năm ấy làng được điều lành, nhà nhà no đủ, cá tôm đầy thuyền.
Những ngày trước Tết, các làng biển đã lựa chọn được người gia thế đủ đầy, không tang chế, tuổi không kỵ, gia đình làm ăn phát đạt... để đánh trống khai tiên, mở đầu một năm cho cả làng biển. Lăng Ông cũng được trang hoàng tươm tất.
Ông Nguyễn Tấn Đức, ngư dân thôn Long Thủy, xã An Phú, thành phố Tuy Hòa, người trong ban lễ lăng Ông Long Thủy cho biết: “Tôi đại diện cho gia nghệ khấn vái, cầu nguyện thần Nam Hải ban phước lành cho cả làng một năm mới được mùa, may mắn, anh em làm đâu đặng đó, đầy ghe khẳm chiếc, cá về đầy bến tấp nập, ngư dân vững chắc tay chèo”. Sau lễ Khai Tiên, bà con ngư dân các làng bắt đầu tập trung về lăng thờ cá Ông để làm lễ khấn nguyện thần Nam Hải ban phước lành cho gia đình có một năm làm ăn xuôi chèo, mát mái.
Ai cũng biết rằng, để kiếm được “lộc” từ biển, có được đồng tiền ngư dân cũng phải chịu cảnh sóng gió, nguy hiểm và đằng đẵng vất vả. Nhưng người dân Phú Yên chịu khó, bám biển. Ngoài khai thác hải sản, mỗi năm các tổ tàu thuyền cung cấp hàng trăm nguồn tin có giá trị, trong đó có nhiều tin tức liên quan đến biên giới biển của tỉnh và chủ quyền an ninh quốc gia; phối hợp với các đồn biên phòng và trạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong việc kiểm tra phát hiện và ngăn chặn nhiều vụ hành nghề trái phép như dùng chất nổ, hóa chất hoặc bằng những phương tiện có tính chất hủy diệt nguồn lợi thủy sản…
Nhiều ngư dân liên kết với nhau thành những tổ khai thác để đi dài ngày hơn, đi xa hơn. Để tiếp thêm sức mạnh vật chất cũng như tinh thần cho các đội tàu đánh bắt xa bờ, họ mong muốn Nhà nước hỗ trợ tối đa để bà con có được tàu công suất lớn, ngư cụ tốt để an tâm đi biển dài ngày, khai thác hiệu quả nguồn lợi trên vùng biển của Tổ quốc.
Ông Huỳnh Hà Tân – một lão ngư dân ở Tuy Hòa cho biết: “Chúng tôi đi biển gần như cả đời, giờ đã quen ăn sóng nói gió rồi, không đi biển thì nhớ lắm. Đầu năm mới, bao giờ gia đình tôi cũng tổ chức chuyến ra khởi để lấy may. Thực sự, vào những ngày đó, chúng tôi không câu nệ chuyện ăn, thua. Nhưng lộc biển cho thì cứ nhận. Sống bằng nghề biển, ngoài trông vào biển, cầu khấn thần Nam Hải thì chúng tôi cần sự đồng hành của các cấp, các ngành, của Nhà nước để giữ nghề biển.”
Ước mơ làm giàu
Nguồn lợi từ biển đã giúp cho nhiều làng biển thoát nghèo, không ít hộ đã vươn lên làm giàu. Nhiều ngôi làng trước đây chỉ toàn màu cát trắng, thì nay nhiều ngôi nhà khang trang, kiên cố mọc lên. Một năm nữa lại đến, nhiều ngư dân cũng dự tính những chiến lược làm ăn mới nhằm xây dựng nền kinh tế vững mạnh từ khai thác biển.
Những chuyến đi biển đầu năm đầy ắp cá tôm khiến cho các bãi biển, cảng cá ở Phú Yên trở nên hối hả, rộn ràng. Điều đó càng làm cho mọi người tin tưởng, lạc quan hơn vào năm Quý Tỵ, một năm mà những người “ăn sóng, nói gió” có được nhiều thắng lợi và niềm vui.
Dung Nhi