Theo Reuters, theo giới phân tích, giá xăng dầu có khả năng đi lên do dữ liệu kinh tế khả quan của Trung Quốc và căng thẳng leo thang ở vùng Trung Đông.
Nhiều người kỳ vọng chuyến đi của ông Biden tới Israel có thể hòa giải và ngăn chặn được cuộc xung đột Israel - Hamas leo thang. Nhưng ngay trước thềm cuộc gặp, các nhà lãnh đạo của Jordan, Ai Cập và Palestine đã hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh đã lên kế hoạch trước với Tổng thống Mỹ. Nguyên nhân được cho là xuất phát từ vụ nổ tại một bệnh viện ở Dải Gaza khiến hàng trăm người thiệt mạng. Việc này đã làm gia tăng căng thẳng tại khu vực Trung Đông, gây lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ khu vực này.
Liên quan đến nguồn cung, dữ liệu từ Viện Dầu khí Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô của nước này trong tuần kết thúc vào ngày 13/10 giảm khoảng 4,4 triệu thùng, cao hơn nhiều so với dự báo chỉ giảm 300.000 thùng. Điều này cho thấy nhu cầu dầu gia tăng và lo ngại sản lượng không đáp ứng được nhu cầu hiện tại.
Bên cạnh đó, dữ liệu tăng trưởng kinh tế tích cực của Trung Quốc cũng là một yếu tố thúc đẩy dầu tăng giá. Cụ thể, GDP Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 4,9% trong quý III so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức dự báo là 4,4%.
Giá của cả 2 hai loại dầu chuẩn đều tăng mạnh vào tuần trước do lo ngại xung đột Israel - Hamas có thể mở rộng sang khu vực sản xuất dầu.
Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ các loại xăng dầu hôm nay ở mức: giá xăng E5 RON92 không cao hơn 21.907 đồng/lít, giảm 1.595 đồng/lít; Giá xăng RON95 không cao hơn 23.044 đồng/lít, giảm 1.798 đồng/lít.
Các loại dầu cũng đồng loạt giảm. Giá dầu diesel không cao hơn 22.410 đồng/lít, giảm 1.184 đồng/lít. Giá dầu hỏa về mức 22.464 đồng/lít, giảm 1.352 đồng/lít. Dầu mazut xuống 16.238 đồng/kg, giảm 1.214 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên đã được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều 11/10. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 29 lần điều chỉnh, trong đó có 16 lần tăng, 9 lần giảm và 4 lần giữ nguyên.