Thu hút đầu tư nước ngoài giảm
Việc triển khai dự án dầu khí hiện đang chịu sự chi phối lớn nhất của Luật Dầu khí. Ngoài ra, còn chịu sự chi phối của nhiều luật khác như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các văn bản dưới luật khác…
Theo ông Lê Mạnh Hùng - Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), hoạt động thăm dò khai thác dầu khí đang phải đối mặt với khó khăn về điều kiện kỹ thuật, địa chất, tình hình triển khai thực địa. Đặc biệt, ông Hùng cho rằng, cơ chế chính sách pháp luật về dầu khí không còn phù hợp với tình hình mới.
Cụ thể, theo phân tích của PVN, trong bối cảnh giá dầu thô thế giới biến động, xu hướng chuyển dịch năng lượng và điều kiện thăm dò khai thác dầu khí của Việt Nam, các cơ chế trong Luật Dầu khí không đủ khuyến khích các nhà đầu tư phát triển các mỏ nhỏ, mỏ cận biên, hay áp dụng các giải pháp để tận thăm dò, nâng cao hệ số thu hồi dầu.
Luật Dầu khí dù đã thể hiện khá đầy đủ các giai đoạn, bước thực hiện đối với dự án thăm dò khai thác dầu khí, hợp đồng dầu khí nhưng lại chưa chỉ rõ các thủ tục đầu tư đầy đủ khi một doanh nghiệp nhà nước có tham gia đầu tư vào dự án dầu khí.
“Sự chồng chéo, thiếu quy định này đã khiến cho việc triển khai các dự án thăm dò khai thác dầu khí đang gặp nhiều khó khăn và khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài “nản” khi có ý định đầu tư vào các dự án loại này, nhất là khi điều kiện khai thác hiện nay chủ yếu là mỏ nhỏ, ở vùng nước sâu, xa bờ đòi hỏi chi phí lớn”, PVN phân tích.
Việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong lĩnh vực thăm dò khai thác những năm gần đây gần như “giẫm chân tại chỗ”. Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, PVN chỉ ký được 8 hợp đồng dầu khí mới, chưa bằng 1/3 so với giai đoạn 2010 - 2015 (27 hợp đồng dầu khí mới).
Lúng túng thực hiện dự án trên bờ
PVN cho biết thực tế, khi các lô, khu vực hợp đồng có khai thác khí và các nhà thầu thực hiện bán khí đến tận hộ tiêu thụ trên bờ, các nhà thầu sẽ cần đầu tư bổ sung các công trình đường ống để dẫn khí về bờ và các trạm xử lý, tiếp nhận, vận chuyển khí đến các hộ tiêu thụ. Khi đó, hoạt động xây dựng các công trình trên bờ chịu sự điều chỉnh của Luật Xây dựng và các văn bản dưới Luật Xây dựng.
Trong khi các quy định pháp lý hiện hành chưa có quy định nào liên quan đến trường hợp này. Các nhà thầu dầu khí, chủ đầu tư cũng như các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quản lý đầu tư xây dựng đều lúng túng về hướng xử lý các thủ tục liên quan cần thiết. Việc “lúng túng” về quy trình, thủ tục cho công trình trên bờ sẽ kéo theo sự chậm trễ về tiến độ cho dự án thăm dò khai thác.
Theo PVN, hoạt động tìm kiếm thăm dò trên thế giới được coi là hoạt động đầu tư rủi ro, không thể đánh giá và khẳng định hiệu quả đầu tư “có lợi nhuận” ở thời điểm đề xuất thực hiện công tác tìm kiếm, thăm dò và thẩm lượng. Hoạt động này chỉ có thể có hiệu quả đầu tư khi có phát hiện dầu khí có giá trị thương mại.
Trong trường hợp không có giá trị thương mại dẫn đến không có công bố thương mại thì trong trường hợp này toàn bộ chi phí phát sinh trong quá trình tìm kiếm, thăm dò và thẩm lượng của hợp đồng dầu khí trở thành chi phí rủi ro và được xóa sổ theo thông lệ quốc tế.
Viện Dầu khí Việt Nam cho rằng, để hoạt động dầu khí triển khai theo thông lệ quốc tế và tuân thủ các quy định pháp lý, cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành để thống nhất, đầy đủ về trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư các dự án dầu khí, đặc biệt là lĩnh vực tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí có tính đặc thù và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Liên quan vấn đề này, Bộ Công Thương đang dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), để lấy ý kiến rộng rãi người dân, doanh nghiệp trước ngày 21/11/2021.