Đến nay, gần 3 năm trôi qua kể từ ngày được TAND tỉnh Thái Nguyên trả tự do, mặc dù anh Phương ròng rã kêu oan nhưng vẫn chưa được xử lại, công dân vẫn mang cái án oan lơ lửng trên đầu…
Bị bắt vì “tò mò xem đánh nhau” từ hơn một năm trước
Theo đơn anh Phương trình bày, ngày 9/4/2008, vì tò mò, hiếu kỳ, anh Phương đã đến khu vực xảy ra vụ đánh nhau để xem. Khi đến gần nơi, anh Phương gặp một thanh niên cởi trần, mặc quần đùi, 2 tay cầm 2 dao lao từ chân dốc xuống, sợ quá, anh Phương đã bỏ đi ngay mà không dám quay lại lấy xe. Biết thông tin xe mình bị đập anh đã dọa “sẽ báo công an”. Sau đó, công an phường Phú Xá có mời anh lên làm việc và anh cũng trình bày sự việc như trên.
Tuy nhiên, hơn một năm sau, ngày 16/9/2009 anh đột ngột bị bắt vì tội Cố ý gây thương tích. Cáo trạng sau đó của VKSND TP Thái Nguyên cáo buộc anh Phương đã dùng viên gạch vỡ, kích thước 10x7x7cm để ném vào mặt bị hại Nguyễn Công Lương (chính là thanh niên cởi trần, 2 tay cầm 2 dao lao xuống dốc), gây ra thương tích 31% đối với Lương. Anh Phương bị tạm giam kể từ ngày đó cho đến khi có quyết định trả tự do của TAND tỉnh Thái Nguyên ngày 15/9/2014, vì xét thấy thời hạn tạm giam đã hết.
5 năm bị tạm giam, 8 năm bị truy tố với gần 20 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, gần chục lần gia hạn việc trả lại hồ sơ và rất nhiều quyết định gia hạn thời hạn quyết định truy tố, vụ án Đào Xuân Phương cố ý gây thương tích vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, khiến cho gia đình anh Phương tan nát.
Trong đơn kêu oan, anh Phương cũng khẳng định, các kết luận điều tra của Công an và cáo trạng của VKSND TP Thái Nguyên đều không đúng với sự việc đã xảy ra vào ngày 9/4/2008. Anh Phương và gia đình đã nhiều lần làm đơn kêu oan gửi đến các cơ quan có thẩm quyền để xem xét giải quyết minh oan cho anh nhưng đến giờ sự việc của anh vẫn chưa có hồi kết.
Được biết, vụ án này đã được đưa ra xét xử sơ thẩm 3 lần, tuyên phạt anh Phương 5 năm tù giam nhưng đều bị HĐXX phúc thẩm của TAND tỉnh Thái Nguyên tuyên hủy án, trả hồ sơ điều tra lại.
Nhiều dấu hiệu oan sai
Cụ thể, trong bản án phúc thẩm số 219/2014/HSPT ngày 15/9/2014 do thẩm phán Lương Văn Hiển làm chủ tọa phiên tòa ghi rõ “tòa án cấp sơ thẩm kết án bị cáo chủ yếu căn cứ lời khai của người bị hại, lời khai của mẹ người bị hại, lời khai của một số người làm chứng là hàng xóm của người bị hại là chưa khách quan vì lời khai này còn mâu thuẫn và có một số điều quan trọng chưa được điều tra đầy đủ”.
Về hồ sơ mà cơ quan điều tra thu giữa được, TAND tỉnh đề nghị điều tra làm rõ về bản photo bệnh án ngoại khoa Bệnh viện Gang thép ghi: “Anh Lương (bị hại - PV) vào viện lúc 23h ngày 9/4/2008. Lý do vào viện: đi xe đạp tự ngã. Bệnh nhân khai bệnh nhân tự đi xe đạp và tự ngã, sau ngã bệnh nhân tình táo”. Trong bản án chỉ rõ: “Đây là một chứng cứ quan trọng nhưng bệnh án của anh Lương do cơ quan điều tra thu thập được có trong hồ sơ vụ án chỉ là bản photo, không có xác nhận của bệnh viện nên không có giá trị chứng minh”.
Chưa hết, HĐXX phúc thẩm còn khẳng định “Mặc dù vật chứng của vụ án không thu giữ được, lời khai của bị hại và mẹ bị hại có nhiều mâu thuẫn nhưng cả 3 bản cáo trạng của VKSND TP vẫn chủ quan kết luận bị cáo cầm viên gạch vỡ kích thước 10x7x7 ném bị hại là thiếu căn cứ pháp lý. Đây là sai lầm nghiêm trọng của cơ quan truy tố”.
Bản án phúc thẩm này cũng khẳng định: “Tất cả những lời khai của những người làm chứng mà bị hại và mẹ bị hại khai nhìn thấy bị cáo ném bị hại đều khẳng định “không nhìn thấy ai ném” hoặc “không có mặt ở hiện trường”. Như vậy, ngoài lời khai chỉ đích danh anh Phương cầm đá ném bị hại thì không còn nhân chứng nào khác chứng kiến được sự việc này.
Đồng thời, HĐXX phúc thẩm cũng đặt nghi vấn, tất cả những nhân chứng đều được Công an phường Phú Xá lấy lời khai ngay sau ngày xảy ra sự việc nhưng vì sao trong hồ sơ vụ án không có tài liệu nào thể hiện điều này? Tất cả tài liệu ban đầu do Công an phường Phú Xá thu thập còn tài liệu nào chưa đưa vào hồ sơ vụ án hay không? Nếu có thì lưu ở đâu?
Vụ án xảy ra ngày 9/4/2008. Ngày 9/9/2008 anh Lương được giám định kết luận bị tổn hại 31% sức khỏe. Nhưng đến ngày 31/8/2009 cơ quan điều tra CA TP mới khởi tố vụ án, nhưng lại khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng mà không khởi tố vụ án cố ý gây thương tích. Đây cũng là vấn đề mà HĐXX phúc thẩm đề nghị cần làm rõ đối với cơ quan truy tố.
Dễ nhận thấy, vụ án này có rất nhiều sai sót về tố tụng cũng như những sai lệch, thiếu khách quan trong vấn đề đánh giá chứng cứ, ảnh hưởng trực tiếp đến việc kết tội Đào Xuân Phương. Dù đã được điều tra lại nhiều lần nhưng căn cứ kết tội bị cáo vẫn không thuyết phục. Điều này đồng nghĩa với việc lời kêu oan của Đào Xuân Phương là có cơ sở.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ án kỳ lạ này.