Dập tắt nguy cơ đảo chính tại Cote d'Ivoire

Tổng thống Alassane Ouattara
Tổng thống Alassane Ouattara
(PLO) -Quyết định cách chức người đứng đầu quân đội, hiến binh và cảnh sát hôm 9-1 của Tổng thống Cote d’Ivoire (Bờ Biển Ngà), ông Alassane Ouattara được coi là cách tháo ngòi nổ của cuộc đảo chính có nguy cơ diễn ra tại quốc gia này. 

Bởi sau cuộc binh biến hôm 6-1 tại 3 thành phố Bouake, Daloa và Korhogo, làn sóng bất mãn của binh sỹ đã lan ra nhiều thành phố khác, trong đó có thủ đô Abidjan. 

Từ binh biến của những tay súng bất mãn

Trong thông báo hôm 9-1, Tổng thư ký Phủ Tổng thống Amadou Gon Coulibaly cho biết, Tướng Sekou Toure được cử thay thế Tướng Soumaïla Bakayoko, làm Tổng tham mưu trưởng quân đội; Tướng Nicolas Kouadio Kouakou trở thành người kế vị Tư lệnh lực lượng hiến binh, Tướng Gervais Kouakou Kouassi và Tướng Youssouf Kouyate là người thay thế ông Brindou M’Bia, đứng đầu lực lượng cảnh sát Cote d’Ivoire. 

Tổng thống Alassane Ouattara đưa ra quyết định kể trên sau khi đạt được thỏa thuận với các binh sỹ tiến hành binh biến hôm 6-1, những người muốn tăng lương và cải thiện điều kiện sống. Tuy nhiên, ông Alassane Ouattara cũng nhấn mạnh, cách thức biểu tình bằng binh biến của binh sỹ là không phù hợp và làm xấu hình ảnh của đất nước Cote d'Ivoire.

Theo giới truyền thông, sau khi biết tin về cuộc binh biến, Tổng thống Alassane Ouattara đã yêu cầu các binh sỹ quay lại doanh trại, để tạo điều kiện cho thương đàm và thực hiện những quyết định trong sự yên bình. 

Trước đó, tình hình khá căng thẳng khi phái đoàn của Bộ trưởng Quốc phòng Akaub Richard Donwahi đến Bouake hôm 7-1 để thương đàm, thậm chí ông Akaub Richard Donwahi còn bị giam lỏng trong 2 giờ. Nhưng sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Alain Richard Donwahi cùng các trợ lý đã được phóng thích và họ đến thẳng sân bay để rời khỏi thành phố Bouake.

Ông Alain Richard Donwahi cho rằng, cuộc binh biến “tuy đáng tiếc nhưng có thể hiểu được”. Cuộc binh biến diễn ra vào rạng sáng 6-1 tại thành phố lớn thứ hai của Cote d'Ivoire là Bouake và nhanh chóng lan ra 2 thành phố Daloa và Korhogo. 

Bộ trưởng Quốc phòng Alain Richard Donwahi
Bộ trưởng Quốc phòng Alain Richard Donwahi

Theo giới truyền thông, các binh sỹ tham gia binh biến đã tấn công ít nhất 2 đồn cảnh sát, chiếm kho vũ khí và dựng rào chắn tại trung tâm thành phố và Bouake nhanh chóng nằm dưới sự kiểm soát của các cựu quân nhân. Giới truyền thông dẫn lời các nhân chứng cho biết, binh sỹ được trang bị vũ khí hạng nặng tuần tra khắp thành phố và các lực lượng an ninh đã rời bỏ vị trí của họ.

Hãng thông tấn nhà nước AIP của Cote d'Ivoire cho biết, những tiếng súng đầu tiên được nghe thấy vào khoảng 1 giờ 30 phút ngày 6-1 (theo giờ địa phương). Và tuyến hành lang phía Nam của thành phố Bouake đã bị các tay súng tiến hành binh biến phong tỏa, không cho phương tiện giao thông qua lại… 

Hãng AFP dẫn lời một binh sỹ giấu tên cho biết, cuộc binh biến kể trên do các binh sỹ từng là những tay súng nổi dậy gia nhập quân đội tiến hành với yêu cầu: chính phủ thưởng cho họ mỗi người 5 triệu CFA franc (khoảng 8.000 USD) cùng một căn nhà. Họ cho rằng, các cam kết trong thỏa thuận năm 2007 không được thực hiện đầy đủ, nên họ quyết định động thủ.

Những binh sỹ tham gia binh biến sáng 6-1 cho rằng, nếu Tổng thống Laurent Ggagbo không bị họ lật đổ thì Tổng thống Alassane Ouattara không thể nắm quyền như hiện nay. Theo giới truyền thông, vì thành phố Bouake từng là thành trì của quân nổi dậy chiếm giữ miền Bắc trong cuộc nội chiến chia đôi Cote d'Ivoire sau khi lật đổ Tổng thống Laurent Ggagbo trong cuộc đảo chính năm 2002, nên nhiều tay súng sau đó đã gia nhập quân đội nước này. 

Quyết tâm của Tổng thống Alassane Ouattara

Cũng trong ngày 9-1, Thủ tướng Daniel Kablan Duncan đã tuyên bố từ chức và giải tán chính phủ. Đây là bước đi được dự đoán sau khi Hiến pháp mới được thông qua và các cuộc bầu cử quốc hội diễn ra trước đó. Thủ tướng Daniel Kablan Duncan từ chức và giải tán chính phủ để mở đường cho việc triển khai các biện pháp được đưa ra trong bản Hiến pháp mới.

Theo kế hoạch ban đầu, Thủ tướng Daniel Kablan Duncan tuyên bố từ chức hôm 7-1, nhưng kế hoạch này bị hoãn do binh sỹ tiến hành binh biến. Cùng ngày 9-1, ông Guillaume Soro đã được bầu lại làm Chủ tịch Hạ viện Cote d'Ivoire, sau khi giành được 230 phiếu (95,04%) trong tổng số 252 nghị sỹ có mặt, bỏ xa đối thủ Evariste Méambly, nghị sỹ độc lập chỉ giành được 12 phiếu (4,96%).

Những binh sỹ tham gia binh biến
Những binh sỹ tham gia binh biến

Ông Guillaume Soro là người thuộc liên minh Tập hợp vì dân chủ và hòa bình (RHDP) ủng hộ Tổng thống Alassane Ouattara, từng làm Thủ tướng (2007-2012) trong chính phủ chuyển tiếp sau khi đạt thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ là lực lượng phiến quân, sau đó làm Chủ tịch Hạ viện từ năm 2012 đến nay. Chủ tịch Hạ viện là người có quyền lực thứ 3 tại Cote d'Ivoire. 

Theo Hiến pháp mới của Cote d'Ivoire ( ban hành tháng 11-2016), Tổng thống có quyền chỉ định 1 Phó Tổng thống và 1/3 nghị sỹ Thượng viện. Nhưng gần 3 tháng trước bạo lực đã cản trở cuộc trưng cầu ý dân về Hiến pháp mới. Cuộc trưng cầu ý dân về Hiến pháp mới được tổ chức hôm 30-10-2016 đã bị nhiều nhóm thanh niên gây rối, cản trở. Lực lượng đối lập kêu gọi tẩy chay cuộc bỏ phiếu, và chỉ trích chính quyền không trao đổi trước với họ cũng như lực lượng xã hội dân sự về vấn đề này.

Bộ trưởng Nội vụ Hamed Bakayoko khẳng định, chính phủ đã áp dụng các biện pháp tổng thể để cuộc trưng cầu diễn ra an toàn, đúng luật. Hơn 4 tháng trước (14-9-2016), Mỹ đã dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế đối với Cote d'Ivoire (bị áp đặt hơn 10 năm trước). Việc này diễn ra sau khi Cote d'Ivoire tổ chức thành công cuộc bầu cử hồi tháng 10-2015. Và Tổng thống Alassane Ouattara đã quyết định thay đổi một số vị trí chủ chốt trong chính phủ. 

Tới số phận của cựu Tổng thống Laurent Gbagbo

Là quốc gia sản xuất ca cao lớn nhất thế giới, nhưng từ năm 2002-2011, Cote d'Ivoire bị rơi vào khủng hoảng chính trị. Gần 1 năm trước (28-1-2016), các công tố viên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở La Hay, Hà Lan đã cáo buộc ông Laurent Gbagbo vi phạm nhân quyền và phạm những tội ác chống lại loài người, liên quan tới các vụ xung đột và bạo lực đẫm máu diễn ra sau cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 11-2010 tại Cote d’Ivoire.

Và ông Laurent Gbagbo trở thành cựu nguyên thủ quốc gia đầu tiên trên thế giới bị ICC xét xử kể từ khi được thành lập năm 2003. Ông Laurent Gbagbo bị buộc tội tổ chức chiến dịch bạo lực nhằm bảo vệ chiếc ghế Tổng thống sau khi thất cử trước ứng cử viên đối lập Alassane Ouattara (hiện là Tổng thống Cote d’Ivoire).

Mặc dù ông Alassane Ouattara được cộng đồng quốc tế công nhận giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 11-2010, nhưng ông Laurent Gbagbo không chấp nhận chuyển giao quyền lực. ICC cho rằng, cựu Tổng thống Laurent Gbagbo là nguyên nhân chính gây ra các vụ bạo lực đẫm máu ở Cote d'Ivoire, khiến hơn 3.000 người thiệt mạng. Nhưng ông Laurent Gbagbo tuyên bố mình vô tội sau khi công tố viên ICC kết thúc bản luận tội tại tòa án ở La Haye, Hà Lan hôm 28-1-2016. 

Binh sỹ Cote d'Ivoire
Binh sỹ Cote d'Ivoire

Luật sư cho ông Laurent Gbagbo đã chỉ trích bên công tố phạm nhiều thiếu sót, điều tra thiên vị, bỏ qua nhiều bằng chứng minh oan cho thân chủ. Còn bên ngoài tòa án ở La Haye, hàng trăm người biểu tình đòi thả ông Laurent Gbagbo.

Những người ủng hộ cho rằng, ông Laurent Gbagbo là “nhà ái quốc nhiệt tình, nạn nhân của một âm mưu khuynh đảo do Pháp chỉ đạo”. Cùng bị xét xử với cựu Tổng thống Laurent Gbagbo hôm 28-1-2016 còn có cựu thủ lĩnh lực lượng dân quân Cote d’Ivoire, ông Charles Ble Goude.

Gần 2 năm trước (10-3-2015), một tòa án ở Cote d'Ivoire đã tuyên phạt 20 năm tù giam đối với bà Simone Gbagbo, vợ cựu Tổng thống Laurent Gbagbo, với tội danh "phá hoại an ninh quốc gia". Ngoài ra, cựu Đệ nhất phu nhân Simone Gbagbo còn bị cáo buộc "gây rối trật tự công cộng" và "tổ chức băng nhóm vũ trang" sau khi ông Laurent Gbagbo và những người ủng hộ cựu Tổng thống bác bỏ kết quả cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 11-2010.

Cùng phải hầu tòa với cựu Đệ nhất phu nhân Simone Gbagbo hôm 10-3-2015 còn có Michel Gbagbo, con trai ông Laurent Gbagbo với người vợ trước. “Cậu ấm” Michel Gbagbo đã bị kết án 5 năm tù vì bị cáo buộc “đóng vai trò trong làn sóng bạo lực khiến hơn 3.000 người chết”…

Hơn 2 năm trước (ngày 18-11-2014), một cuộc đình công do những binh sỹ từng là các tay súng nổi dậy tham gia quân đội trong giai đoạn 2009-2011 đã đẩy Cote d'Ivoire rơi vào bế tắc khi đình công lan từ thành phố Bouake đến thủ đô Abidjan.
Khi đó, hãng Reuters cho biết, các binh sỹ tiến hành đình công vì không được trả lương đã xông vào trụ sở đài phát thanh truyền hình quốc gia của Cote d'Ivoire tại Bouake, nhưng họ không thể phát đi thông điệp gì trên sóng bởi nhân viên nhà đài bỏ chạy hết. Và cuộc đình công kể trên đã lôi kéo được gần 9.000 người tham gia với yêu cầu được trả đủ khoản bù lương và thăng chức.

Đọc thêm

Bị ném bùn khi đi thăm vùng lũ lụt, vua Tây Ban Nha có hành động đẹp

Bị ném bùn khi đi thăm vùng lũ lụt, vua Tây Ban Nha có hành động đẹp
(PLVN) - Người dân Tây Ban Nha đã phản ứng giận dữ với sự xuất hiện của Vua Felipe và Hoàng hậu Letizia tại vùng Valencia, nơi lũ lụt khủng khiếp đã cướp đi sinh mạng hơn 200 người. Tuy nhiên, vua Felipe bình tĩnh, hạ ô để nghe một người dân trao đổi và ôm chặt hai phụ nữ đang khóc nức nở....

Hòa bình với thiên nhiên

Hội nghị lần thứ 16 của các bên tham gia Công ước về Đa dạng Sinh học bàn luận các giải pháp khẩn cấp ngăn chặn suy thoái ĐDSH toàn cầu. (Ảnh: enb.iisd.org).
(PLVN) - Chủ đề của Hội nghị lần thứ 16 của các bên tham gia Công ước về Đa dạng Sinh học vừa qua là “Hòa bình với thiên nhiên”. Đây là lời kêu gọi toàn cầu để tái tạo mối quan hệ của con người với thiên nhiên, đưa thiên nhiên trở lại trung tâm của sự phát triển bền vững.

Quyền trẻ em trong quá trình lập pháp tại Hoa Kỳ

Thế hệ trẻ như nhà hoạt động môi trường Greta Thunberg (SN 2003) đang có sức ảnh hưởng mạnh hơn đến các chính sách khí hậu toàn cầu: (Ảnh: The Washington Post)
(PLVN) - Dù chưa có quốc hội trẻ em chính thức tại Hoa Kỳ, nhưng những sáng kiến như Hội đồng Thanh niên và các phiên họp mô phỏng quốc hội đang cung cấp cơ hội cho giới trẻ tham gia vào hệ thống quản trị, định hình chính sách tương lai của đất nước.

Thời điểm nào Ukraine có thể gia nhập EU?

Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề mở rộng EU Oliver Varhelyi.
(PLVN) - Theo Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề mở rộng Liên minh châu Âu (EU) Oliver Varhelyi, mọi quốc gia ứng cử viên của EU, bao gồm cả Ukraine, đều có thể gia nhập khối này vào năm 2029 nếu họ đáp ứng mọi tiêu chí thành viên.