Gia cầm chết do dịch bệnh hay do thuốc chuột?
Nhà ông Cang có ruộng sát với vườn nhà bà Lan. Nhà bà Lan lại giáp với đường lộ nên mỗi lần ông Cang đi làm ruộng đều phải đi nhờ qua đất nhà bà Lan. Ngược lại, nhà bà Lan cũng nhờ có ruộng của ông Cang mà đàn gà, con vịt thả vườn của mình lớn nhanh từ nguồn thức ăn là phụ phẩm nông nghiệp…
Những năm trước, ông Cang thường trúng mùa, trúng giá nên cũng không cần để ý đến chuyện gà, vịt của bà Lan ăn bao nhiêu lúa nhà mình. Nhưng mấy năm gần đây, do chuột bọ phá hoại và nước mặn xâm nhập nên ông Cang càng lo mất mùa.
Rút kinh nghiệm từ những năm trước nên năm nay, ông Cang “đánh” thuốc chuột, bẫy chim, trừ ốc bươu vàng ngay từ khi xuống giống. Sau ba hôm kể từ thời điểm ông Cang xuống giống, đàn gà vịt nhà bà Lan lần lượt chết hết nên bà nghi ngờ nguyên nhân là do ông Cang “đánh” thuốc chuột. Xót của nên khi thấy ông Cang xuất hiện ở đầu ngõ, bà Lan đã té tát chửi bới, tuôn ra những lời lẽ khó nghe bắt ông Cang đền bù số vịt, gà nhà mình vừa bị chết.
Tại buổi hòa giải của ấp, bà Lan yêu cầu ông Cang phải bồi thường toàn bộ thiệt hại nhưng ông Cang từ chối và phủ nhận việc gà, vịt chết là do mình “đánh” bả. Ông Cang cho rằng: “Gà, vịt nhà bà chết là do dịch cúm A H5N1, chứ không phải do tôi thuốc”.
Đuối lý, bà Lan ra điều kiện: “Nếu ông Cang không bồi thường thì từ nay không được đi qua đất nhà tôi nữa...”.
Kiện đòi bồi thường, cần có chứng cứ
Điều 160 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định: Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng không được trái với quy định của luật, gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác…; Chủ thể có quyền khác đối với tài sản được thực hiện mọi hành vi trong phạm vi quyền được quy định tại Bộ luật này, luật khác có liên quan nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản hoặc của người khác.
Việc thực hiện quyền đối với bất động sản liền kề theo thỏa thuận của các bên. Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thực hiện theo các nguyên tắc sau đây: (1). Bảo đảm nhu cầu hợp lý của việc khai thác bất động sản hưởng quyền phù hợp với mục đích sử dụng của cả bất động sản hưởng quyền và bất động sản chịu hưởng quyền; (2). Không được lạm dụng quyền đối với bất động sản chịu hưởng quyền; (3). Không được thực hiện hành vi ngăn cản hoặc làm cho việc thực hiện quyền đối với bất động sản hưởng quyền trở nên khó khăn (Điều 248 BLDS năm 2015).
Căn cứ vào quy định trên, ông Cang tuy có quyền “thuốc” chuột nhưng khi thực hiện nên báo trước cho bà Lan và làm biển cảnh báo để mọi người đề phòng, tránh sự việc đáng tiếc xảy ra.
Về phía bà Lan, đáng lẽ ra khi thấy gà, vịt chết thì phải báo cáo với cán bộ khuyến nông của xã hoặc cán bộ thú y của huyện để xác định nguyên nhân xem gia cầm chết do dịch bệnh, hay do ăn phải thuốc chuột. Hơn nữa, trong quá trình chăn nuôi, bà Lan nên quây lưới thành một khu vực để khỏi ảnh hưởng đến việc canh tác của ông Cang. Khi nào cảm thấy an toàn, không ảnh hưởng đến ông Cang như khi lúa chưa trổ bông, ruộng mới thu hoạch xong… thì mới thả gà, vịt ra đồng.
Đối với tổ hòa giải, sau khi xác minh có hay không dịch cúm gia cầm và thiệt hại của bà Lan, hòa giải viên cần phân tích cho ông Cang và bà Lan hiểu được quyền và nghĩa vụ của các bên như đã viện dẫn, phân tích ở trên để thuyết phục họ đạt được thỏa thuận. Ông Cang có thể hỗ trợ một phần thiệt hại cho bà Lan. Còn bà Lan phải tạo điều kiện cho ông Cang đi nhờ qua đất nhà mình đến ruộng, vì đó vừa là quyền và vừa là nghĩa vụ của các bên.
Ngoài ra, hòa giải viên còn phải đưa ra lời cảnh báo về hậu quả pháp lý của việc khởi kiện tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại đến tòa như: Chứng cứ chứng minh nguyên nhân gà, vịt chết phải có kết luận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; thời gian giải quyết vụ kiện kéo dài; công sức, chi phí bỏ ra và khả năng lợi ích thu được về vật chất; tổn hại về mặt tình cảm… để họ cân nhắc quyết định.