Hội nghị do GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì. Đến dự có Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng các cán bộ, lãnh đạo nhiều bộ, ngành và tỉnh Bình Dương tham gia.
Tại hội nghị GS. TS Nguyễn Xuân Thắng cho biết, hội nghị nhằm xác định rõ, khách quan mô hình phát triển toàn diện của Bình Dương và mô hình phát triển riêng lẻ trên các lĩnh vực trong gần 40 năm đổi mới, đặc biệt là sau hơn 25 năm tái lập tỉnh (1997 - 2023).
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo |
Ngoài ra, hội nghị còn nêu ra thành quả, khó khăn, nguyên nhân, từ đó đưa ra giải pháp, kiến nghị để xây dựng tầm nhìn, mục tiêu, định hướng chiến lược và lộ trình phát triển của Bình Dương đến năm 2050.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, 25 năm trước, các thế hệ lãnh đạo tỉnh Bình Dương không hề nghĩ và cũng không đề ra mục tiêu Bình Dương phải trở thành một mô hình phát triển của cả nước đến năm 2023.
Bình Dương chỉ biết thực hiện một cách linh hoạt chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng theo tình hình thực tế của địa phương, không ngừng cố gắng khai phá những tiềm năng, lợi thế, để kiên định mục tiêu xây dựng Bình Dương ngày càng phát triển.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi phát biểu chào mừng tại hội nghị |
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương khẳng định, việc Bình Dương được Trung ương chọn để tổng kết mô hình phát triển với tư cách là mô hình tiêu biểu về phát triển địa phương cấp tỉnh ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới là điều rất vinh hạnh và có ý nghĩa khích lệ, động viên rất lớn cho Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Bình Dương.
Theo chương trình, các đại biểu tham gia hội nghị sẽ bàn luận về thực trạng mô hình phát triển của Bình Dương; quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp phát triển của Bình Dương đến năm 2050.
Về cơ cấu kinh tế, ngay từ Đại hội 6 (1997), Đại hội đầu tiên vào cuối năm 1997, Đảng bộ Bình Dương đã đề ra: Đến năm 2000, cơ cấu kinh tế của tỉnh là: Công nghiệp - dịch vụ - nông lâm nghiệp với tỷ trọng tương ứng 57 - 58%, 26 - 27% và 15 - 16%.
Toàn cảnh buổi Hội nghị hội nghị khoa học để đánh giá mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong quá trình đổi mới đất nước |
Theo tỷ trọng đó, cơ cấu kinh tế của tỉnh Bình Dương ngay từ đầu được định hướng lấy công nghiệp dịch vụ là chủ lực. Nhận thức, quan điểm và chủ trương đó của Đảng bộ tỉnh tiếp tục được định hướng trong các kỳ Đại hội tiếp theo với quan điểm là giảm dần tỷ trọng nông nghiệp trong tổng thể cơ cấu của nền kinh tế bên cạnh tăng tốc tối đa phát triển công nghiệp và dịch vụ. Qua đó, cho thấy Bình Dương chủ trương tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ và giảm nhanh tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế. Đại hội 6 (1997) đề ra sẽ giảm tỷ trọng nông nghiệp (đang 23%) xuống còn 15-16%; đến đại hội 8 (2005) đã đề ra chỉ tiêu kéo giảm tỷ trọng nông nghiệp chỉ còn 3%. Tương tự, tổng hợp từ Báo cáo Chính trị các Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương, tài liệu do Ban Tuyên giáo Trung ương lưu trữ và phiên bản điện tử.
Từ Đại hội 9 (2010) Bình Dương đề ra phải đạt được chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) liên tục trong nhiều nhiệm kỳ ở mức 8,7%. Đây là quyết tâm lớn thể hiện ý chí kiên trì thực hiện mô hình phát triển kinh tế trên nền tảng công nghiệp của Đảng bộ Bình Dương. Để thực hiện chủ trương lớn đó, Bình Dương xem thu hút đầu tư trong và ngoài nước là làn sóng tăng trưởng công nghiệp quan trọng mà cả tỉnh phải tập trung.