Đánh bom khủng bố tại Manchester: Truy lùng mạng lưới khủng bố tình nghi liên quan

Nghi phạm đánh bom sân vận động Manchester, Abedi
Nghi phạm đánh bom sân vận động Manchester, Abedi
(PLO) -Giới chức Anh thông báo, đang truy lùng một mạng lưới các tay súng Hồi giáo có liên quan tới các tổ chức khủng bố tại Libya, tình nghi đứng sau vụ khủng bố tại sân vận động Manchester Arena, thành phố Manchester (Anh) khiến ít nhất 22 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. 

Cảnh sát nước này cũng cho biết, đã phát hiện một số "vật dụng khả nghi" trong cuộc lục soát tại một địa điểm ở thị trấn Wigan, Manchester.

Khẩn trương truy bắt

Trước đó, cảnh sát đã bắt giữ 2 đối tượng tình nghi tại thị trấn này và tiến hành lục soát một ngôi nhà trong thị trấn. Cảnh sát cũng phong tỏa khu vực này, sơ tán người dân và đưa đội tháo dỡ bom mìn tới hiện trường sau khi phát hiện các vật dụng khả nghi. Tổng số 8 người bị tình nghi có liên quan tới vụ việc đã bị giới chức an ninh Anh bắt giữ để phục vụ điều tra. 

Vụ tấn công được cho là đẫm máu nhất tại Anh trong hơn một thập kỷ qua đã làm hơn 100 người thương vong, trong đó có nhiều trẻ em. Tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) đã thừa nhận tiến hành vụ này. Thủ phạm được xác định là Salman Abedi,  22 tuổi, là người Anh gốc Libya. Chính quyền Libya đã bắt giữ cha và em trai của Abedi, đồng thời hợp tác chặt chẽ với Anh trong hoạt động điều tra. 

Liên quan công tác điều tra thủ phạm vụ tấn công tại Manchester, báo chí Đức dẫn nguồn tin tình báo cho biết Salman Abedi đã có mặt tại Đức vào thời điểm 4 ngày trước khi thực hiện vụ tấn công.

Theo nguồn trên, tên Abedi đã tới Đức ít nhất 2 lần và chỉ 4 ngày trước khi thực hiện vụ đánh bom ở Manchester, đối tượng mới rời thành phố Düsseldorf, cách thủ đô Berlin khoảng 483 km về phía Tây, để tới Manchester.

Theo báo chí Đức, đối tượng Abedi không có tên trong hệ thống truy nã quốc tế và cũng không có tên trong danh sách theo dõi đi lại. Các chuyên gia chống khủng bố thuộc cảnh sát Đức và Cơ quan bảo vệ Hiến pháp đang gấp rút điều tra khả năng tên này có thể có liên hệ với các đối tượng Hồi giáo cấp tiến tại bang Nordrhein-Westfalen. 

Cấp cứu, sơ tán các nạn nhân sau vụ khủng bố
Cấp cứu, sơ tán các nạn nhân sau vụ khủng bố

Bom tự chế tinh vi, sát thương cao

Quả bom trong vụ khủng bố kinh hoàng tại sân vận động Manchester Arena được tự chế tinh vi kèm cả những mảnh kim loại sắc nhọn và đinh ốc, cho thấy mục đích của thủ phạm là gây sát thương cao nhất. 

Thông qua 8 bức ảnh công bố trên tờ New York Times, các phân tích ban đầu cho thấy nghi phạm đánh bom Salman Ramadan Abedi đã mang theo "một thiết bị tự chế tinh vi" được giấu trong một chiếc ba lô hoặc trong áo.

Theo New York Times, hiện chưa có thông tin nào về loại hay khả năng công phá của thiết bị nổ trên. Tuy nhiên, phân tích vị trí của thi thể các nạn nhân so với thi thể của kẻ tình nghi, quả bom có sức công phá lớn với tốc độ cao và được nhồi nhét thêm các mảnh kim loại. Các tấm ảnh cho thấy một mảnh nhỏ của một chiếc ba lô Karrimor màu xanh biển, các loại đinh ốc kim loại và phần còn lại của một viên pin và một thiết bị kích nổ cầm tay với dây nối.

Theo hình ảnh, thiết bị nổ có một bảng mạch nhỏ bên trong, có thể nối với một hệ thống kích nổ dự phòng. Tờ báo nhận định việc có thêm thiết bị kích nổ dự phòng cho thấy có khả năng qủa bom không đơn giản như nhiều thiết bị nổ sơ sài, hoạt động may rủi và dễ hư hỏng khác trong nhiều vụ khủng bố. 

Theo một nguồn tin thân cận với gia đình của Salman Abedi, tên này từng bày tỏ mong muốn trả thù cho một người bạn đã bị sát hại tại Manchester hồi tháng 5/2016. Bạn của Abedi - cũng là một người gốc Libya - đã chết sau khi bị các thanh niên người Anh đâm nhiều nhát vào cổ. Vụ việc khi đó đã làm dấy lên làn sóng giận dữ mạnh mẽ trong cộng đồng người Libya ở Anh, trong đó có Abedi.

Cấp cứu, sơ tán các nạn nhân sau vụ khủng bố
Cấp cứu, sơ tán các nạn nhân sau vụ khủng bố

Địa điểm mà người bạn của Salman Abedi bị đâm chết cũng chính là khu vực Moss Side, phía Nam thành phố Manchester, nơi cảnh sát đã phát hiện một quả bom khác và đã cho kích nổ có kiểm soát.

Tuần tra trên mọi chuyến tàu

Cảnh sát vũ trang đã được triển khai tại các điểm nóng ở Anh để tăng cường an ninh tối đa, kể từ khi mức báo động khủng bố tại nước này được nâng lên mức cao nhất trong 10 năm qua, sau vụ đánh bom liều chết tại sân vận động Manchester Arena.

Theo đó, từ ngày 25/5, cảnh sát có vũ trang cũng sẽ tiến hành tuần tra trên các chuyến tàu ở Anh. Đây là lần đầu tiên hoạt động này được triển khai trên mọi chuyến tàu và ở tất cả các khu vực trong cả nước.

Trước đó, từ tháng 12/2016, cảnh sát cũng đã thường xuyên tiến hành tuần tra, nhưng chỉ đối với hệ thống tàu điện ngầm ở thủ đô London. Người đứng đầu Cơ quan Cảnh sát Giao thông Anh Paul Crowther cho biết việc triển khai cảnh sát có vũ trang trên các chuyến tàu nhằm đảm bảo an ninh cho các hành khách một cách tối đa. Các cảnh sát sẽ mặc quân phục để người dân có thể dễ dàng nhận biết, theo đó họ sẽ an tâm hơn trong hành trình của mình. 

Cảnh sát vùng Greater Manchester cho biết các đơn vị rà phá bom mìn của Anh được lệnh triển khai tới một trường đại học ở khu vực Trafford, phía Nam thành phố Manchester, sau khi nhận được cú điện thoại cảnh báo có bom. Hàng chục cảnh sát được huy động và phong tỏa hiện trường, trong khi các sinh viên được sơ tán.

Cấp cứu, sơ tán các nạn nhân sau vụ khủng bố
Cấp cứu, sơ tán các nạn nhân sau vụ khủng bố

Ngoài ra, nhà chức trách cũng chặn các tuyến đường Mancunian Way, Limby Street và Jackson Street. Theo các thông tin mới nhất, các chuyên gia rà phá bom mìn không tìm thấy có bom trong gói đồ tình nghi tại trường đại học nêu trên. 

Ngày 25/5, Anh đã ngừng mọi hoạt động trên cả nước để dành phút mặc niệm 22 nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố. Tại Quảng trường St Ann's ở trung tâm thành phố Manchester, người dân Anh từ khắp nơi cũng đổ về đặt hoa và thắp nến tưởng nhớ các nạn nhân, trong đó chủ yếu là thanh thiếu niên đến xem buổi biểu diễn của ca sĩ nhạc pop người Mỹ Ariana Grande. 

Nối lại hợp tác tình báo

Một nguồn tin chính phủ Anh cho biết tại hội nghị Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới G7 tại Italy sắp tới, Thủ tướng Theresa May (sẽ kêu gọi các quốc gia chung tay chống khủng bố, đặc biệt trong lĩnh vực mạng Internet.

Trong bối cảnh các tay súng Hồi giáo cực đoan và tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng dần mất đi những thành trì quan trọng ở thực địa, thì cuộc chiến dần chuyển sang mặt trận mạng Internet. Nhà lãnh đạo Anh sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối phó với những nguy cơ tuyên truyền khủng bố thông qua các trang mạng trực tuyến tại hội nghị G7 diễn ra ngày 26/5 này.

Bà May cho rằng các công ty cung cấp dịch vụ mạng phải tham gia tích cực hơn nữa bằng cách thiết lập các công cụ tự động nhận diện và xóa bỏ những nội dung tuyên truyền khủng bố, cực đoan cũng như khóa các tài khoản đăng tải những nội dung này và đó là "trách nhiệm xã hội" của mỗi công ty công nghệ.

Cũng liên quan tới vụ khủng bố, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt pháp lý đối với bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào tiết lộ các thông tin mật liên quan tới cuộc điều tra vụ tấn công tại Manchester. Cảnh báo được đưa ra sau khi London tỏ ra "tức giận" vì các thông tin mật về cuộc điều tra bị rò rỉ trên các mặt báo ở Mỹ. Vụ việc đã khiến hoạt động chia sẻ thông tin tình báo giữa hai quốc gia bị gián đoạn trước khi được nối lại vào ngày 25/5. 

Phần còn lại của một viên pin và một thiết bị kích nổ cầm tay
Phần còn lại của một viên pin và một thiết bị kích nổ cầm tay 

Chính phủ Anh tỏ ra giận dữ sau khi một loạt thông tin đầu tiên về kẻ đánh bom liều chết Salman Abedi được công bố trên các phương tiện truyền thông Mỹ, cản trở công tác điều tra của Anh. Bộ trưởng Nội vụ Amber Rudd đã mô tả vụ rò rỉ này như "sự chọc tức" Anh.

Mặc dù các đồng minh của Anh cam kết sẽ không để xảy ra điều này, song New York Times ngày 25/5 ngay lập tức công bố chi tiết những bức ảnh hiện trường bên ngoài sân vận động Manchester Arena, trong đó có cả túi của kẻ đánh bom Abedi đã sử dụng.

Chính phủ và cảnh sát Anh đã phản đối việc truyền thông nước ngoài tung ra những bằng chứng liên quan đến vụ tấn công khi các cuộc điều tra chưa kết thúc, cho rằng điều này có thể phá hoại công tác điều tra đang tiến hành...

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.