Nỗi buồn chương trình “tử tế”
Mới đây, MC Quỳnh Hương và những người sản xuất của chương trình “Thay lời muốn nói” đã nói lời chia tay với khán giả sau gần 20 năm phát sóng. Ra đời từ năm 2000, ở thời điểm “đỉnh cao” của nhạc nhẹ Việt Nam, “Thay lời muốn nói” là một trong nhiều chương trình âm nhạc với hình thức “quà tặng”, nhằm tạo sự tương tác giữa những người làm chương trình với khán giả, giữa khán giả với nhau.
Hình thức không quá đặc biệt, nhưng nội dung, cách làm đã tạo cho chương trình một bản sắc “không lẫn vào đâu được”. Cùng với sự trau chuốt về mặt nội dung và dẫn dắt tài hoa của MC Quỳnh Hương, mỗi một số của chương trình là một “làn gió lạ” đem lại cho người xem vô vàn cảm xúc, từ những rung động đầu đời, những kí ức bồi hồi, nỗi đau tan vỡ, sự chữa lành trái tim hay hơi ấm gia đình…
19 năm, giữa cơn bão game show, nhạc số, sức sống của “Thay lời muốn nói” tưởng như bền bỉ, nhưng rồi cũng đến lúc phải ngừng lại trong bao tiếc nuối. Trước đó, “Ngôi nhà mơ ước”, “Lục lạc vàng”, “Vượt lên chính mình”, “Đèn đom đóm”… những chương trình hết sức ý nghĩa của các nhà đài từ T.Ư đến địa phương đã phải dừng bước trong ngậm ngùi.
Đây đều là những chương trình đầy nhân văn, hướng đến giúp đỡ, hỗ trợ cộng đồng. Đặc biệt, “Vượt lên chính mình” với ý nghĩa sâu sắc, cách dẫn duyên dáng, gần gũi của MC Quyền Linh, những tình tiết xúc động và đáng yêu… đã có một lượng người hâm mộ đáng kể trong nhiều năm. Sự kết thúc của “Vượt lên chính mình” cách đây vài tháng đã làm cho bao khán giả truyền hình phải hụt hẫng, tiếc nuối.
Buồn là thế, tiếc nuối là thế, nhưng ai cũng biết, đó là kết cục tất yếu giữa các chương trình “rating (tỷ suất người xem – PV) thực”, không chiêu trò, không câu view trong thời buổi hiện nay. Không hot boy, hot girl, không có sao hạng A, B, không gây cười, lấy nước mắt rầm rộ, cũng không có scandal gây chú ý, các chương trình ấy làm sao có lượng xem đông đảo, mà không có lượng người xem đông, thì tất yếu dẫn đến khó khăn về quảng cáo. Và trước bài toán kinh tế ấy, nhà đài bắt buộc phải có lựa chọn khác, hợp thị hiếu hơn…
Liệu có thể “trở mình”?
Tuy nhiên, sự sụt giảm trầm trọng về lượng xem không chỉ ở các chương trình truyền hình tích cực. Đã qua rồi cái thời game show rầm rộ chiếm sóng truyền hình, khiến khán giả “chết mê, chết mệt”. Hai năm trở lại đây, game show cũng phải chống chọi mạnh mẽ với hai yếu tố khiến nó suy yếu: sự tấn công của “truyền hình trực tuyến” và sự nhàm chán, đi xuống về nội dung của chính bản thân nó.
Về mặt nội dung, những năm gần đây, truyền hình thực tế là sự lặp đi lặp lại của một vài trào lưu, mà khai thác mãi cũng đâm nhàm: Đầu tiên là khai thác các loại tài năng, nhất là tài năng âm nhạc, tiếp theo là hài và đến nay là game show hẹn hò.
Cứ mỗi một game show thành công, lập tức có vài ba format tương tự ra đời để ăn theo. Có thời điểm, người ta thấy, liên tục có 3, 4 chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng âm nhạc diễn ra cùng lúc. Cũng có thời điểm, 4-5 chương trình game show về bolero lên sóng, hay cả chục game show hài khắp các đài lớn nhỏ…
Đến nay, không ít chương trình truyền hình thực tế từng đình đám một thời đã phải ngừng phát sóng, như Vietnam Idol, Vietnam Got Talent… Một số chương trình khác thì còn leo lét như “Ơn giời cậu đây rồi”, “Gương mặt thân quen” đã đi đến mùa thứ 5, thứ 6.
Có chương trình mới ra mắt được 1, 2 mùa, hay đâu không thấy, chỉ thấy toàn scandal sau đó thì chìm nghỉm. Giờ đây, nhiều người đang có thói quen tìm đến truyền hình trực tuyến vì sự phong phú, cập nhật nhanh nhạy, nhiều yếu tố mới mẻ.
Sự thoái trào của các chương trình truyền hình cũng là quy luật tất yếu của truyền hình quốc tế. Tuy nhiên, điều đáng ngại là truyền hình thực tế đã chiếm sóng quá nhiều và quá lâu, giờ đã thoái trào, khoảng trống ấy lấy gì bù khuyết?
Phải nhìn nhận một sự thật, lâu nay, truyền hình đã “ngủ quên trên chiến thắng” khi hầu hết chỉ tận dụng lợi thế sóng truyền hình và chạy theo cơn sốt game show mà hầu như không có sự đầu tư, sáng tạo ra những chương trình vừa ý nghĩa, vừa hay lại độc đáo, có khả năng thu hút người xem.
Vì thế, đây là một giai đoạn đầy thách thức nhưng cũng chứa đựng nhiều cơ hội của truyền hình trong nước: Rũ bỏ sự cũ mòn để đổi mới. Nếu nắm bắt được cơ hội ấy, truyền hình sẽ có cơ hội để “trở mình”, quay lại là kênh truyền thông được yêu thích của khán giả.