“Trong tương lai, theo nghiên cứu nhân khẩu học, các nước trong khu vực cũng không dư phụ nữ, thì nam giới Việt chỉ có nước sang Algeri, Uganda... mới hy vọng lấy được vợ”, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số cảnh báo.
Báo cáo về mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam (với bằng chứng từ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009) mà Quỹ dân số Liên hợp quốc công bố sáng qua cho thấy, tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam đang tăng lên một cách nhanh chóng với những hệ lụy đáng kể về xã hội, kinh tế và không loại trừ có những bất ổn về an ninh, chính trị.
Ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, trao đổi về vấn đề này:
- Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam đang ở cấp độ ra sao thưa ông?
Ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số. Ảnh: MT. |
Trong những năm gần đây, TS đã tăng lên một cách nhanh chóng: Năm 2006 con số này là 110, năm 2007 là 111, năm 2008 là 112.
Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 cho thấy TS cao nhất là ở các các tỉnh nơi kết hợp cả yếu tố truyền thống (mong muốn có con trai) và hiện đại (có điều kiện tiếp cận công nghệ hiện đại để có thể chọn lọc giới tính thai nhi) như ở: Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định...
Trên thế giới, TS chỉ tăng ở những nơi có nền văn hóa tương đồng với Việt Nam, ví dụ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ,…, tức là những nơi mà người dân mong muốn có con trai hơn con gái. TS của nước ta hiện nay tương đương với của Trung Quốc cách đây 20 năm. Ở Việt Nam, tỷ số giới tính trung bình hiện nay tuy không cao bằng Trung Quốc, nhưng mức tăng lại rất nhanh (một điểm phần trăm một năm), và theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế thì sự gia tăng này nhanh hơn bất cứ quốc gia nào khác.
- Tại Trung Quốc, Hàn Quốc - những nước có tỷ lệ mất cân bằng giới tính cao - hiện nhiều nam giới phải lấy vợ người nước ngoài, vậy tình trạng tương tự có xảy ra với nam giới Việt Nam?
- Khi tình trạng chênh lệch nam nữ diễn ra, hệ quả dễ thấy nhất là nam giới đến tuổi trưởng thành sẽ không có cơ hội lấy vợ cùng chủng tộc.
Như trên tôi đã nói, ở Trung Quốc, mặc dù nước bạn đã áp dụng nhiều biện pháp hết sức quyết liệt nhưng TS vẫn cứ tiếp tục tăng, cho đến nay đã lên tới 120,56 và theo những con số thống kê thì có khoảng 30 triệu nam thanh niên Trung Quốc không có cơ hội lấy vợ trong nước.
Còn ở Hàn Quốc hiện có tới 35.000 cô dâu người Việt. Tại Đài Loan, con số thống kê năm 2007 cho thấy có tới 399.000 cô dâu người nước ngoài, và theo ước tính, cứ 5 cô dâu ở Đài Loan thì có một cô dâu người nước ngoài, trong đó không ít là phụ nữ Việt!
Trong điều kiện hội nhập hiện nay, lấy vợ người nước ngoài là bình thường. Tuy nhiên, theo tôi, hôn nhân phải xuất phát từ tình yêu, sự hiểu biết về nhau thì mới thật sự bền vững và hạnh phúc. Thực tế về một số cô dâu Việt lấy chồng Hàn bất hạnh mà giới truyền thông nói tới trong thời gian gần đây cũng đáng để cho chúng ta phải suy ngẫm, khi đa số nam giới Hàn lấy vợ người nước ngoài vì không thể lấy vợ trong nước, và những cuộc “tuyển vợ” như những phiên chọn mua hàng.
Sau 20 năm nữa thì tình hình của nước ta có thể còn phức tạp hơn của các nước láng giềng bởi theo thống kê nhân khẩu học thì 20 năm nữa, các nước xung quanh Việt Nam như Lào, Campuchia, Philippines... cũng không dư phụ nữ để chúng ta “nhập khẩu” về làm cô dâu, may lắm thì đàn ông Việt thời điểm đó có thể sang Algeri, Angola, Mozambique, Uganda,… hay các nước châu Phi khác mới hy vọng tìm được bạn đời.
Hầu như ông bố Việt nào cũng mong có con trai, dù cũng rất yêu con gái. Ảnh minh họa. |
- Điều đó có đồng nghĩa với việc con gái Việt Nam sẽ "lên giá”?
- Hoàn toàn không! Mất cân bằng giới tính khi sinh thể hiện sự bất bình đằng giới, tức giới nữ đã bị phân biệt đối xử và hạ thấp từ khi chưa chào đời.
Khi trưởng thành, trong điều kiện chênh lệch nam nữ, thì phụ nữ cũng sẽ vẫn không được “nâng giá” bởi khi ấy họ có thể dễ trở thành mục tiêu để đàn ông tranh giành gây nên tình trạng lộn xộn, bất ổn trong xã hội, chuyện nhiều phụ nữ yếu thế bỏ học sớm lấy chồng cũng có thể xảy ra...
- Có cách nào để hạn chế bớt hệ quả đáng lo ngại này?
- Khi phân tích nguyên nguyên nhân gây mất cân bằng giới tính khi sinh, chúng tôi thấy rằng, lý do quan trọng nhất là tư tưởng muốn có con trai hơn con gái của người dân. Vì thế, điều cần làm nhất là phải thay đổi được suy nghĩ và quyết định của họ.
Kinh nghiệm cho thấy, chúng ta đã phải mất 50 năm để thuyết phục người dân thực hiện mỗi gia đình chỉ nên có 2 con. Ngày nay, khi các cặp vợ chồng đã chấp nhận chỉ đẻ 2 con thì việc làm sao trong 2 con đó, họ coi gái cũng như trai còn là một quá trình nan giải.
Để thay đổi được suy nghĩ (thích có con trai) và hành vi (cố đẻ con trai) là rất khó khăn, đòi hỏi phải tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục người dân một cách bền bỉ, lâu dài cùng với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nữa.
Như trên tôi đã phân tích, nếu như chỉ muốn có con trai thôi thì cũng không thể gây nên sự chênh lệch nam nữ được vì các cụ ngày trước cũng mong có con trai lắm chứ. Sự mất cân bằng giới tính chỉ xảy ra khi người ta có điều kiện để thực hiện mong muốn của mình: Xem sách báo, nhờ thầy thuốc hướng dẫn sinh con theo ý muốn, chẩn đoán sớm giới tính của thai nhi và không loại trừ có những người còn phá thai vì đó là con gái...
Tất cả những hành vi trên đều là vi phạm pháp luật và cần biện pháp mạnh để ngăn cấm. Thời gian vừa qua, chúng tôi đã kiểm tra các nhà xuất bản, các trang web, nhà sách, phát hiện nhiều trường hợp vi phạm và đã đình chỉ, gỡ bỏ, cấm lưu hành. Bộ Y tế cũng đã có công văn gửi tất cả các Sở Y tế cấm mọi hành vi lựa chọn, chẩn đoán giới tính thai nhi, phá thai vì lý do giới tính...
- Có tình trạng mất cân bằng giới ngày càng tăng, phải chăng Việt Nam đã lơ là công tác dân số thời gian qua?
- Có thể nói, trong những năm qua, công tác dân số đã đạt được nhiều thành công tốt đẹp, đặc biệt là việc giảm sinh. Tuy nhiên bài học kinh nghiệm của nhiều nước đi trước ta về lĩnh vực này đã khẳng định công tác dân số không mất đi mà được chuyển từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác, khó khăn hơn, phức tạp hơn mà việc mất cân bằng giới tính khi sinh chỉ là một ví dụ.
Chẳng hạn, trước đây, Indonesia có Ủy ban dân số - là một cơ quan ngang bộ, trực thuộc chính phủ, ta đã sang học nước bạn về mô hình này. Nhưng khi mới đạt kết quả giảm sinh nước bạn đã giải thể Ủy ban, khiến mức sinh nhanh chóng tăng trở lại và Indonesia đã phải thành lập lại Ủy ban này. Trung Quốc sau 5 lần cải cách hành chính đã giảm từ 100 bộ và cơ quan trực thuộc chính phủ xuống còn 29 bộ, nhưng Ủy ban Dân số vẫn không thay đổi mà thường xuyên được củng cố kiện toàn.
Vì vậy, theo tôi nghĩ, trước đây làm công tác dân số đã khó thì nay còn khó hơn nhiều, đòi hỏi sự cam kết của lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể; có hệ thống tổ chức đủ mạnh và đầu tư kinh phí hợp lý.
Theo VnExpress