Tiếp tục phiên họp thứ 3, hôm qua (5/10), Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến vào dự án Bộ luật lao động (BLLĐ) sửa đổi và Luật Công đoàn (sửa đổi).
Chỉ làm thêm trong một số ngành, nghề nhất định
Dự án Bộ luật Lao động sửa đổi quy định theo hướng tăng thời gian làm thêm giờ từ tối đa không quá 200 giờ trong một năm, một số trường hợp đặc biệt được làm thêm không quá 300 giờ của Bộ luật hiện hành lên mức tối đa 360 giờ một năm.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, hiện có ba loại ý kiến khác nhau. Thứ nhất cho rằng, quy định như dự án Bộ luật là hợp lý. Tuy nhiên, loại ý kiến thứ hai cho rằng, với thể chất của người lao động Việt Nam thì quy định như Bộ luật hiện hành mới là phù hợp, tạo cơ hội việc làm cho nhiều người lao động. Việc kéo dài thời giờ làm thêm là đi ngược lại với xu hướng tiến bộ.
Ủy ban về các vấn đề xã hội ủng hộ loại ý kiến thứ ba, tán thành quy định về số thời giờ làm thêm như dự thảo Bộ luật nhưng có giới hạn chỉ cho phép làm thêm giờ trong một số ngành, nghề cụ thể, theo độ tuổi nhất định và phải quy định tiền lương làm thêm giờ cao hơn mức hiện hành và có sự phân biệt giữa làm thêm ban ngày, làm thêm ban đêm, làm thêm vào ngày nghỉ.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nêu thực tế làm thêm giờ hiện nay là nhu cầu thực tiễn của cả người lao động và người sử dụng lao động. Tuy nhiên ông cũng đề nghị vấn đề này cần được nghiên cứu thận trọng.
Một số Ủy viên UBTVQH cũng lưu ý về sự cân bằng lợi ích giữa việc làm thêm giờ với quyền lợi (lương) mà người lao động được hưởng. Nếu tăng thêm giờ làm thêm với mức lương như hiện nay thì đồng nghĩa với việc khuyến khích lao động giá rẻ, lao động không an toàn.
Nghỉ thai sản: có thể 4- 6 tháng
Liên quan đến vấn đề nghỉ thai sản của lao động nữ, Chính phủ đề nghị tăng thời gian nghỉ thai sản từ 4 tháng theo quy định hiện hành lên 5 tháng đối với lao động nữ làm việc trong điều kiện bình thường; tăng thời gian nghỉ chế độ thai sản từ 5 tháng lên 6 tháng đối với lao động nữ làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước thận trọng: nếu quy định “cứng” như dự thảo thì sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, vì hiện nay nhiều doanh nghiệp chủ yếu sử dụng lao động nữ.
Ông Ksor Phước cũng đặt vấn đề nếu phải nuôi con một mình thì người cha có được nghỉ như chế độ thai sản của lao động nữ không. “Cần xem xét bổ sung quy định này”, Chủ tịch Hội đồng dân tộc đề nghị.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng bày tỏ quan điểm cần cân nhắc đến chế độ nghỉ của người cha khi mẹ đứa trẻ sinh ra bị ốm đau hoặc vì điều kiện không thể chăm sóc con.
Tình cha. Ảnh minh họa nguồn Internet |
Dung hòa giữa hai loại ý kiến, Ủy ban về các vấn đề xã hội cho rằng, nên quy định linh hoạt bằng việc đưa ra mức sàn tối thiểu, có thể là 4 tháng và cho phép thời gian nghỉ thai sản tối đa là 6 tháng, trên cơ sở đó tùy theo điều kiện mà lao động nữ có quyền lựa chọn, quyết định thời gian nghỉ cho phù hợp với công việc, cuộc sống của mình.
Nhiều ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành với đề xuất nêu trên.
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) khẳng định lao động nữ đủ 55 tuổi, người lao động nam đủ 60 tuổi có quyền nghỉ hưu. Đồng thời, giao Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu đối với một số loại lao động đặc thù khi người lao động tự nguyện kéo dài thời gian làm việc và được sự đồng ý của người sử dụng lao động. |
Thu Hằng