Đám tang bị không kích, quan hệ Mỹ và Saudi Arabia nguy cơ rạn nứt

Đám tang bị không kích, quan hệ Mỹ và Saudi Arabia nguy cơ rạn nứt
(PLO) - Quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Saudi Arabia đang đứng trước nguy cơ tiếp tục rạn nứt sau thảm kịch đẫm máu vụ không kích vào đám tang tại Yemen, được coi là do liên minh quân sự do Saudi Arabia đứng đầu gây ra. 

Trước sự kiện này, Mỹ đã dọa sẽ xem xét lại toàn diện sự hỗ trợ dành cho liên quân, cũng như các dự án hợp tác an ninh với Riyadh.

Ít nhất 160 người, trong đó có các thủ lĩnh cấp cao của nhóm phiến quân Houthi tại Yemen, đã thiệt mạng và hơn 530 người bị thương khi các máy bay của liên minh Arab do Saudi Arabia đứng đầu tiến hành hàng loạt vụ không kích trúng vào lễ tang cha của quyền Bộ trưởng Nội vụ trung thành với phiến quân Houthi Jalal al-Ruwaishan ở khu vực phía Nam thủ đô Sanaa ngày 8/10/2016. Đây cũng là con số thương vong lớn nhất kể từ khi liên quân Arab khởi động chiến dịch không kích vào lực lượng Houthi. 

Ngay lập tức, phiến quân Houthi đã cáo buộc các máy bay chiến đấu của liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã tiến hành vụ không kích trên. Cựu Tổng thống Yemen Saleh, đồng minh chủ chốt của phiến quân Houthi, đã kêu gọi tăng cường tấn công nhằm vào kẻ thù chung của họ là Saudi Arabia. Ngày 9/10, hàng nghìn người Yemen cũng đã tổ chức cuộc biểu tình quy mô lớn với tên gọi "Núi lửa tức giận" trước văn phòng Liên Hợp quốc (LHQ) tại thủ đô Sanaa để phản đối chiến dịch không kích của liên quân. 

Tuy nhiên, Saudi Arabia khẳng định liên minh này đã không tiến hành bất kỳ cuộc không kích nào nhằm vào thủ đô Sanaa của Yemen trong ngày 8/10, đồng thời nêu rõ "liên minh luôn tránh những điểm tụ tập đông người... và những nơi như vậy chưa bao giờ nằm trong danh sách các mục tiêu tấn công". 

Cho dù Saudi Arabia đã đưa ra những tuyên bố rất mạnh mẽ nhưng cũng không thể hạ nhiệt được sự bất bình, cũng như chỉ trích của Chính phủ Yemen và cộng đồng quốc tế nhằm vào liên quân.

Ngày 10/10, Chính phủ Yemen đã lên án vụ không kích vào đám tang ở Sanaa là tội ác vô nhân đạo. Cùng ngày, Cao ủy LHQ về nhân quyền Zeid Ra'ad Al-Hussein đã tiếp tục kêu gọi thành lập một cuộc điều tra quốc tế về khả năng xảy ra tội ác chiến tranh ở Yemen, đồng thời cho rằng vụ không kích này cho thấy những hành động vi phạm vẫn tiếp diễn mà không bị trừng phạt. Trong khi đó, Washington - đồng minh quan trọng của Riyadh, tuyên bố sẽ tiến hành "xem xét lại ngay lập tức" sự ủng hộ của nước này đối với liên minh quân sự Arab tại Yemen. Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia của Nhà Trắng Ned Price bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những thông tin về các vụ không kích nhằm vào một lễ tang ở Yemen. Nếu được xác nhận, vụ việc này sẽ tiếp nối hàng loạt rắc rối về các cuộc tấn công nhằm vào dân thường Yemen. Ông nhấn mạnh cơ chế hợp tác an ninh giữa Mỹ với Saudi Arabia không phải mang tính "toàn quyền quyết định", đồng thời kêu gọi các bên thực thi ngừng bắn ngay lập tức. Theo ông Price, cân nhắc sự kiện này và các sự kiện khác gần đây, Washington đã "bắt đầu xem xét lại sự ủng hộ, vốn đã giảm đáng kể, dành cho liên minh quân sự do Saudi Arabia đứng đầu và sẵn sàng điều chỉnh sự ủng hộ để phù hợp hơn với các nguyên tắc, giá trị và lợi ích của Mỹ, trong đó có việc chấm dứt ngay lập tức và lâu dài cuộc xung đột ở Yemen".

Yemen rơi vào hỗn loạn sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Ali Abdullah Saleh năm 2012. Tình hình an ninh đã trở nên bất ổn sau khi phiến quân Houthi được sự hậu thuẫn của lực lượng trung thành với Tổng thống bị lật đổ Saleh chiếm giữ thủ đô Sanaa hồi tháng 9/2014, sau đó tiến xuống miền Nam và kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ Yemen, buộc Tổng thống đương nhiệm Mansour Hadi phải lưu vong tại nước láng giềng Saudi Arabia. Liên minh quân sự do Saudi Arabia đứng đầu đã tiến hành các cuộc không kích chống lại Houthi từ tháng 3/2015 và các chiến dịch trên bộ từ tháng 7/2015. Tuy nhiên, nỗ lực kiềm chế Houthi chưa đạt mục tiêu, thì các cuộc không kích do liên quân tiến hành cùng giao tranh trên thực địa đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 10.000 người và khiến khoảng 2,8 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn kể từ tháng 3/2015. Hơn 80% dân số Yemen hiện cũng đang cần viện trợ nhân đạo khẩn cấp.

Thảm kịch tại đám tang ở Sanaa vừa qua không phải là vụ không kích đầu tiên, nhưng tính chất của vụ việc lại đặc biệt nghiêm trọng. Nếu liên quân Arab được xác định là thủ phạm không kích, vụ việc này sẽ tiếp nối hàng loạt những rắc rối gần đây liên quan các cuộc tấn công của liên quân Arab nhằm vào bệnh viện, trường học và các cơ sở hạ tầng dân sự của Yemen, khiến nhiều dân thường thiệt mạng. 

Dù chưa có kết luận cuối cùng, vụ không kích vào đám tang ở thủ đô Sanaa của Yemen cũng khiến quan hệ đồng minh Mỹ - Saudi Arabia thêm “vết rạn” mới, nhất là trong bối cảnh Quốc hội Mỹ vừa thông qua đạo luật Công lý chống tài trợ khủng bố (JASTA), cho phép người thân các nạn nhân trong vụ khủng bố ngày 11/9/2001 kiện Chính phủ Saudi Arabia. 

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.