Cũng theo báo cáo của Bộ Nội vụ, thời gian qua, tại một số cơ quan nhà nước xảy ra tình trạng một số cán bộ né tránh việc khó, “nhạy cảm” khi thực thi công vụ và giải quyết thủ tục cho người dân, DN. Một số nơi để tồn đọng công việc hoặc hướng dẫn không rõ chính kiến.
Cán bộ “sợ sai” biểu hiện rõ hành vi trong đầu tư công, đấu thầu, quản lý đất đai, y tế, xây dựng, giải quyết thủ tục đầu tư và sản xuất kinh doanh cho DN, cung cấp dịch vụ công cho người dân. Tình trạng này làm giảm niềm tin của người dân, DN, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển, theo Bộ Nội vụ.
Như vậy, theo Bộ Nội vụ, trong số các cán bộ làm ảnh hưởng đến hoạt động đúng đắn bình thường của cơ quan chức năng và xã hội, có thể chia làm 2 nhóm: Nhóm cán bộ “năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” và nhóm cán bộ “né tránh công việc”.
Vấn đề là có thể có một phương pháp chung khi xem xét trách nhiệm 2 nhóm cán bộ này hay không? Hay mỗi nhóm phải có một cách riêng?
Ngày 29/9/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 73/2023/NĐ-CP khuyến khích, bảo vệ cán bộ “năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”. Theo đó, cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo được đánh giá là hoàn thành thì không bị xử lý trách nhiệm pháp luật. Cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo mà không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra, nhưng được cơ quan đánh giá đúng chủ trương, động cơ trong sáng, vì lợi ích chung, thì được loại trừ trách nhiệm pháp luật.
Cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới mà không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra và gây thiệt hại, nhưng được cơ quan đánh giá đúng chủ trương, động cơ trong sáng, vì lợi ích chung cũng được loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.
Như vậy, nhóm cán bộ “né tránh công việc”, “sợ sai” đã không thuộc đối tượng của Nghị định 73, hướng tới những cán bộ năng động, sáng tạo.
Còn để khắc phục tình trạng cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy công việc; trước tiên cần phải tăng cường nhận thức để mỗi cán bộ, công chức đều phải có tự trọng, bản lĩnh, xóa bỏ nhận thức “không làm thì không sai, thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”. Người “sợ sai” cần được xem là cản trở phát triển.
Ngoài thay thế, điều chuyển cán bộ năng lực hạn chế; cần miễn nhiệm, cho từ chức những người không hoàn thành nhiệm vụ. Người đứng đầu các đơn vị cũng cần xem xét bị xử lý nếu để cán bộ, công chức làm việc “cầm chừng”. Thủ tục hành chính cho người dân và DN ngày càng được giảm tối đa và thực hiện trên môi trường điện tử cũng giúp hạn chế được tình trạng này. Và cần nhìn nhận thực tế hầu hết các văn bản pháp luật đều đã tương đối rõ ràng về những thủ tục gì, việc gì thì cán bộ trách nhiệm phải hoàn thành trong thời hạn bao lâu? Vì vậy, không thể cứ mãi đổ lỗi cho quy định pháp luật dẫn đến tình trạng cán bộ “sợ sai”.