Ngộ độc thực phẩm tại các khu công nghiệp vẫn tiếp diễn?
Tại buổi tọa đàm, ông Trần Văn Chung – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trên địa bàn Hà Nội hiện có 65.955 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm với 4.256 bếp ăn tập thể (trong đó có 457 bếp ăn tập thể KCN). Trong những năm qua công tác quản lý ATTP các bếp ăn tập thể đã được chú trọng quan tâm đặc biệt.
Tuy nhiên, thời gian qua vẫn xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể KCN mà nguyên nhân chủ yếu do các bệnh truyền qua thực phẩm tại các bếp ăn tập thể do chưa thực hiện các quy định điều kiện bảo đảm về ATTP, đặc biệt nguồn gốc nguyên liệu chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ, nhận thức của người chế biến còn hạn chế…
Đánh giá công tác thanh, kiểm tra và xử lý các sai phạm trong lĩnh vực ATTP là rất quan trọng, lãnh đạo Sở Y tế cho hay, hàng năm Sở Y tế đã tham mưu cho UBND TP xây dựng Kế hoạch đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) hàng năm, trong đó có vấn đề về thanh, kiểm tra, chỉ đạo thanh kiểm tra liên ngành và chuyên ngành, theo các lĩnh vực y tế, nông nghiệp và công thương.
Đối với hoạt động truy xuất nguồn gốc thực phẩm, Sở Y tế Hà Nội cũng đã phối hợp rất chặt chẽ với các ban ngành, điển hình là ngành Y tế, Công an… triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm ngăn chặn các vi phạm về ATTP, công bố danh sách các đơn vị, cá nhân sai phạm lên các phương tiện thông tin đại chúng.
Liên quan đến hoạt động này, ông Ngô Đình Loát - Phó chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội cho biết thêm, đối với các doanh nghiệp (DN), hiện nay Hà Nội đang thực hiện chương trình giám sát, cụ thể là giám sát những sản phẩm có mặt trên thị trường tiêu thụ tại Hà Nội để giám sát các chỉ tiêu về ATVSTP. Đối với các mẫu vi phạm ATVSTP, đặc biệt là tồn dư các chất hóa học, Chi cục ATVSTP sẽ truy xuất nguồn gốc đến tận cùng. Nhưng, tận cùng chỉ là theo khai báo của họ, vì qua các công đoạn, thực phẩm rất nhiều khâu trung gian.
Mặc dù các cơ quan vào cuộc rất quyết liệt nhưng vẫn do ý thức và vì lợi nhuận, các nhà sản xuất kinh doanh vẫn trà trộn thực phẩm sản xuất mất an toàn với các sản phẩm khác dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra. Và đây là thực trạng khó giải quyết trong một sớm một chiều – các nhà quản lý lĩnh vực này của Hà Nội đều có chung nhận định như vậy.
Cần chữ tâm của nhà sản xuất, kinh doanh!
Về phía nhà cung cấp suất ăn, bà Trần Kiều Hương – đại diện Công ty TNHH Dịch vụ ăn uống Ba Sao cho hay, hiện nay, Ba Sao đang cung cấp dịch vụ cho các KCN như: KCN Thăng Long, KCN Mê Linh, KCN Nội Bài… Chính vì các bếp ăn của Công ty rải rác như vậy nên Ba Sao sử dụng cả những nhà cung cấp địa phương và có sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ với nguồn nguyên liệu đầu vào. Dự kiến, trong thời gian tới Công ty sẽ có kho trung chuyển để giải quyết được vấn đề vận chuyển này.
Bà Hương phản ánh, với các công ty thì vấn đề giá trần khá là khó khăn bởi trong thực đơn sẽ có những thực đơn chỉ 18 nghìn nhưng vẫn sẽ phải đảm bảo định lượng cho suất ăn. Bên cạnh đó, công tác vận chuyển cũng là một vấn đề nan giải bởi các bếp ăn của Công ty phân bố rải rác chứ không tập trung lại một chỗ, khiến cho số lượng tổng lớn nhưng số lượng đơn lẻ lại không nhiều. Chính vì vậy mà nhiều nhà thầu cung cấp nguyên liệu sẽ chưa đáp ứng được.
Thậm chí: “Nhiều khi những giấy tờ, hồ sơ của nhà thầu chưa hoàn toàn tạo được sự tin tưởng về chất lượng của sản phẩm. Chính vì vậy, bên cạnh những biện pháp kiểm tra của Công ty thì quan trọng nhất chính là ý thức của bên nhà thầu cung cấp nguyên liệu!” – bà Trần Kiều Hương khẳng định.
Chung quan điểm nêu trên, bà Hà Linh Chi – đại diện Công ty TNHH Panasonic Appliances Việt Nam chia sẻ: Về nguồn gốc thực phẩm cung cấp cho bếp ăn của Công ty, các nhà thầu cung cấp thực phẩm đều phải đảm bảo nguồn gốc bằng các chứng từ, văn bản.
“Khó khăn chung chính vẫn là vấn đề ý thức của bên nhà thầu cung cấp thực phẩm, bởi nhiều khi những giấy tờ chứng minh sẽ không đảm bảo phản ánh chính xác được độ an toàn của thực phẩm. Thực tế, Công ty chúng tôi đã sử dụng các biện pháp để kiểm soát độ an toàn của thực phẩm ví dụ như test thực phẩm. Nhưng biện pháp này mang tính xác suất rất cao. Vì vậy, Công ty rất mong muốn các cơ quan chức năng có chế tài cho nhà cung cấp để tránh trường hợp các nhà cung cấp thực phẩm sử dụng giấy tờ “ma”!” – bà Chi bức xúc đề nghị.
Thực tế trên cho chúng ta thấy rõ ràng: Lương tâm, trách nhiệm của các nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn là yếu tố quyết định sự an toàn cho những người tiêu dùng, cụ thể ở đây là những người lao động đang làm việc tại các KCN.
Đại diện cho tiếng nói của những người lao động, ông Đỗ Tiến Đản – Trưởng Văn phòng Đại diện Ban quản lý các Khu công nghiệp & Chế xuất Hà Nội cho biết: Về vấn đề này, các cơ quan quản lý có trách nhiệm khuyến cáo, Ban quản lý cùng Sở Y tế cũng đã chỉ đạo và hướng dẫn các DN trong việc này. Tuy nhiên, trách nhiệm cuối cùng vẫn là lãnh đạo các DN, nhất là các DN nước ngoài. Theo ông Đản, các DN nước ngoài thuê đất tại các KCN cần chủ động hơn trong vấn đề quy mô sản xuất, hay diện tích xây dựng bếp ăn tập thể cũng như kế hoạch cân đối mua thực phẩm.
Để tìm lời giải cho bài toán nan giải này, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội kết luận: Qua tọa đàm, với các cơ quan quản lý cần tập trung hơn nữa trong việc triển khai các văn bản chỉ đạo của TP; Phối hợp, tăng cường sự chỉ đạo của Ban quản lý KCN với các bếp ăn trong KCN. Bên cạnh đó, cần tăng cường đảm bảo cơ sở vật chất tại bếp ăn, KCN cần tạo điều kiện bếp ăn triển khai đúng chuẩn, chỉ có bếp ăn đủ điều kiện mới cho hoạt động. Cán bộ tham gia trực tiếp chế biến, bếp ăn cần rà soát, phải được bồi dưỡng kiến thức về ATTP, khám sức khỏe theo định kỳ.