Tuyến đường thủy nội địa vùng lòng hồ sông Đà đi qua địa bàn các thuộc 3 huyện của tỉnh Sơn La gồm: Xã Ít Ong, Nậm Giôn (huyện Mường La); xã Liệp Tè, Chiềng Ngàm (huyện Thuận Châu) và xã Mường Chiên, Nậm Ét, Mường Sại, Chềng Ơn, Chiềng Bằng, Mường Giàng, Pá Ma Pha Khinh, Cà Nàng (huyện Quỳnh Nhai).
Với tổng chiều dài khoảng 100 km, trong đó tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai. Trên tuyến này hiện có nhiều bến bãi dọc lòng hồ, hoạt động của các phương tiện đường thủy diễn ra tấp nập, có khoảng trên 600 phương tiện thủy công suất từ 15 - 40 CV, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý vận tải đường thủy nội địa, thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh Sơn La đã tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý để đảm bảo ATGT cho người và phương tiện khi tham gia giao thông vận tải đường thủy.
Lực lượng CSGT Công an huyện quỳnh Nhai tăng cường phối hợp tuần tra, xử lý vi phạm giao thông đường thủy trên địa bàn. |
Trao đổi với Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, Trung tá Phạm Văn Thành - Đội trưởng đội Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an huyện Quỳnh Nhai cho biết: Nhằm bảo đảm ATGT đường thủy nội địa, hạn chế tai nạn xảy ra, lực lượng CSGT Công an huyện thường xuyên phối hợp với tổ CSGT đường thủy số 2 (Phòng CSGT Công an tỉnh Sơn La) đóng trên địa bàn, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm về giao thông đường thủy, đặc biệt là đối với các phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, thiếu trang thiết bị cứu sinh, người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn phù hợp, chở quá trọng lượng, số người quy định...
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục Luật Giao thông đường thủy nội địa đến từng bản, từng hộ dân, người điều khiển phương tiện; hướng dẫn các chủ thuyền chấp hành quy định pháp luật khi tham gia giao thông đường thủy như: Mặc áo phao, sử dụng phao cứu sinh, dụng cụ nổi cá nhân, các phương tiện chở đủ số người quy định... "
Phương tiên tham gia giao thông đường thủy phải có trang bị áo phao, vật nổi… |
Cũng theo Trung tá Phạm Văn Thành, Công an huyện đã có văn bản phối hợp với các ban, ngành tăng cường tuyên truyền, xử lý những bất cập trong công tác quản lý đường thủy trên địa bàn. Bên cạnh đó, trong thời gian tới có những biện pháp cụ thể nhằm khắc phục tình trạng mất ATGT trên tuyến đường đường thủy nội địa vùng lòng hồ sông Đà.
Tuy nhiên, trên tuyến đường thủy nội địa vùng lòng hồ sông Đà chưa có hệ thống biển báo hiệu, phao tiêu phân luồng, do vậy, việc tham gia giao thông của các phương tiện thủy nội địa gặp rất nhiều khó khăn.
Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường thủy, do trình độ nhận thức không đồng đều, xuất phát từ điều kiện cuộc sống là sông nước. Tỷ lệ chứng chỉ chuyên môn còn rất thấp, chủ yếu là tự học, tự lái theo phương pháp dân gian, lòng hồ rộng, nhiều vách núi nên rất khó khăn trong công tác tuần tra, xử lý.
Theo số liệu từ Đội CSGT số 4, Phòng CSGT Công an tỉnh Sơn La, từ đầu năm đến nay đã tuyên truyền ký cam kết cho 61 người là chủ lái phương tiện thủy. Tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm 19 trường hợp. Trong đó, 1 trường hợp không có giấy chứng nhận đăng ký, 12 trường hợp không có dụng cụ cứu sinh và trang bị phao cứu sinh, 6 trường hợp không kẻ biển ghi số người cho phép trở trên phương tiện theo quy định.
Trong thời gian tới, lực lượng CSGT, Công an huyện Quỳnh Nhai tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, đồng thời tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, nâng cao ý thực tự giác chấp hành của người tham gia giao thông.