'Đại Hổ' tham nhũng: Nghe lén lãnh đạo, thu thập tài liệu 'đen'

Nhóm 4 tên mới (từ trái qua phải, trên xuống dưới) Lệnh Kế Hoạch, Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Từ Tài Hậu
Nhóm 4 tên mới (từ trái qua phải, trên xuống dưới) Lệnh Kế Hoạch, Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Từ Tài Hậu
(PLO) -Cuối tháng 12/2014, sau khi Lệnh Kế Hoạch ngã ngựa, được TBT Tập Cận Bình  phê chuẩn, Chủ nhiệm VPTW Lật Chiến Thư đã tiến hành cuộc đại thanh lọc ở cơ quan này. Đây là đợt thanh lọc lớn nhất kể từ 1976 sau khi “Bè lũ 4 tên” bị lật đổ. 

Đại thanh lọc Văn phòng Trung ương

Tất cả nhân viên công tác phải  kiểm điểm, cấp phó phòng trở lên phải viết báo cáo tự thuật tổng kết công tác của bản thân và tình hình “tuân thủ kỷ cương pháp luật” trong 2 năm vừa qua.

3 Phó Văn phòng, 4 Cục trưởng bị điều chuyển đi nơi khác; trong đó Cục trưởng Văn thư Hoắc Khắc sau khi bị điều đi Cục Du lịch quốc gia 1 tháng thì bị bắt điều tra, sau bị đề cập tội lỗi khi tòa án xét xử Lệnh Kế Hoạch và bản thân Hoắc cũng sẽ bị xét xử, Phó Văn phòng Vương Trọng Điền sau khi về Văn phòng Thủy lợi cũng đã bị đình chức để điều tra…

Hoắc Khắc và Vương Trọng Điền cũng liên quan đến vấn đề giao dịch quyền tiền với Tập đoàn Phương Chính thuộc ĐH Bắc Kinh, Chủ tịch HĐQT Ngụy Tân, TGĐ Lý Hữu của Phương Chính cũng đang bị điều tra. Ngoài ra, gần 100 quan chức cấp phòng trở xuống bị điều chuyển, buộc nghỉ hưu hoặc bị kỷ luật.

Nghe lén nhiều người lãnh đạo, thu thập tài liệu đen

Trong thông báo chính thức có nêu việc Lệnh Kế Hoạch “vi phạm nghiêm trọng quy củ (quy tắc) chính trị”, có lẽ muốn nói đến việc Lệnh dùng biện pháp uy hiếp và mua chuộc lợi ích để lôi kéo, mua chuộc những nhân viên công tác, quan chức bên cạnh các nhà lãnh đạo cao nhất, giám sát các lãnh đạo, kể cả TBT Hồ Cẩm Đào – sếp trực tiếp của ông ta.

Lệnh Kế Hoạch đã mua chuộc được các nữ nhân viên trực điện thoại “đường dây đỏ” của Cục 39 (Cục thông tin Trung Nam Hải) để giám sát các cuộc liên lạc điện thoại của các lãnh đạo. Những người bị nghe lén bao gồm ông Hồ Cẩm Đào, các Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, các lãnh đạo cao nhất của đảng, chính phủ, quân đội.

Các nữ nhân viên trực điện thoại của Cục 39 đều là quân nhân được tuyển chọn rất kỹ, được huấn luyện bảo mật nghiêm cẩn, do Bộ Tổng Tham mưu quản, nhưng công tác hàng ngày lại do Văn phòng TW quản.

Lệnh Kế Hoạch là Chủ nhiệm Văn phòng, những yêu cầu ông ta đưa ra thường được những người bên dưới coi là chỉ thị của cấp trên nên các nữ binh chỉ biết phục tùng, họ ghi lại các cuộc điện thoại rồi báo cáo cho Lệnh.

Các “máy điện thoại đỏ” thuộc mạng bảo mật của quân đội, chỉ trang bị cho các nhà lãnh đạo đảng, chính phủ, quân đội, lãnh đạo cấp tỉnh – bộ và cấp quân đoàn trở lên trong quân đội.

Ngoài việc giám sát những lãnh đạo cấp cao, Lệnh Kế Hoạch còn lợi dụng tiện lợi về chức vụ để xây dựng hệ thống tình báo riêng, vận hành theo chức năng “điều nghiên” của Văn phòng TW.

Đáng sợ hơn, sau khi kết thành liên minh với Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch đã kết hợp với hệ thống tình báo an ninh quốc gia của Chu, cùng nhau lợi dụng hệ thống tình báo đó để “đánh dấu”, thu thập tư liệu bất lợi của hàng ngàn cán bộ bị cho là “thế lực bất thường”, trong đó có quan hệ nam nữ bất chính để khi cần thiết sẽ tung ra, dồn các đối thủ chính trị vào “tử địa”.

Từ cán bộ huyện đoàn lên đến vị trí “người lãnh đạo đảng, nhà nước”

Sinh tháng 10/1956, Lệnh Kế Hoạch quê huyện Bình Lục, Sơn Tây, có bằng Thạc sĩ quản lý công thương.

Từ một ủy viên Ban chấp hành huyện đoàn Bình Lục, năm 1979, khi 23 tuổi Lệnh được điều lên làm cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương Đoàn, làm thư ký cho Bí thư TW Đoàn Cao Chiếm Tường, năm 1985 được bổ nhiệm Trưởng phòng; 1988 là Chủ nhiệm Văn phòng Ban Bí thư TW Đoàn, Phó Văn phòng TW Đoàn, chủ biên tạp chí “Đoàn TNCS Trung Quốc”, Trưởng Ban Tuyên huấn.

Tháng 12/1995, Lệnh Kế Hoạch được điều sang Văn phòng TW Đảng phụ trách một tổ nghiên cứu, năm 1998 làm Chủ nhiệm phòng nghiên cứu, 1 năm sau là Phó văn phòng kiêm Chủ nhiệm phòng nghiên cứu. 

Sau khi ông Hồ Cẩm Đào lên giữ chức Tổng Bí thư, Lệnh Kế Hoạch kiêm thêm các chức Ủy viên Ủy ban biên chế TW, Chủ nhiệm Văn phòng Tổng bí thư. Tháng 9/2007, Lệnh Kế Hoạch được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Văn phòng TW, được bầu làm Bí thư TW khóa 17.

Tháng 9/2012 Lệnh được giao giữ chức Trưởng ban Mặt trận TW. Tại Đại hội 18 (11/2012), Lệnh tiếp tục được bầu làm Ủy viên Trung ương, nhưng thôi Bí thư TW. Tại kỳ họp Chính Hiệp khóa 12 tháng 3/2013, Lệnh được bầu làm Phó chủ tịch Chính Hiệp.

Ngày 22/12/2014, Lệnh Kế Hoạch bị điều tra, 31/12 bị bãi chức Trưởng ban Mặt trận TW, ngày 20/1/2015 bị bãi chức Phó Chủ tịch Chính Hiệp toàn quốc;  20/7/2015 bị “song khai” (khai trừ đảng và công chức) chuyển Viện kiểm sát tối cao phê chuẩn bắt giam chính thức để điều tra…

Lệnh Kế Hoạch sinh trong một gia đình cán bộ họ kép “Lệnh Hồ” ở huyện Bình Lục, Sơn Tây. Người cha tên Lệnh Hồ Dã là một bác sĩ, vào Đảng cuối thập niên 1930 tại Diên An, có quan hệ thân thiết với Bạc Nhất Ba (cố Phó thủ tướng, cha của Bạc Hy Lai).

Ông Lệnh Hồ Dã có 6 người con, người con gái cả là Lệnh Quế Anh do người vợ đầu sinh, sau khi cha mẹ bỏ nhau, người con gái này đi theo mẹ và cắt mọi quan hệ với cha cùng gia đình họ Lệnh Hồ. Bà vợ thứ hai Vương Lê Minh sinh được 5 người con.

Là người có tư tưởng nhiệt thành, ông Lệnh Hồ Dã đặt tên các con theo kiểu khẩu hiệu, lần lượt là: Phương Châm, Chính Sách, Đường Lối (Lộ Tuyến), Kế Hoạch, Hoàn Thành. Khi đặt tên các con, ông Lệnh Hồ Dã đâu ngờ những người con của ông đều phạm tội và lần lượt bị bắt, bị điều tra.

Có lẽ những cú sốc liên tiếp trong vài năm qua đã khiến cặp vợ chồng già này lần lượt qua đời chỉ trong vòng 10 ngày: bà Vương Lê Minh qua đời ngày 20/3/2015, còn ông Lệnh Hồ Dã thì đi theo bà 9 ngày sau đó…

Người anh cả Lệnh Phương Châm đi lính, năm 1977 phục viên, làm nghề lau kính các tòa nhà cao tầng, không may ngã từ trên cao xuống và bị chết. Ông này có con gái là Lệnh Hồ Yến và cậu con trai Lệnh Hồ Kiếm được chú Lệnh Kế Hoạch nhận làm con nuôi, hiện đang sống ở Singapore.

Người con trai thứ hai Lệnh Chính Sách sinh năm 1952 là cán bộ ở địa phương, từ tháng 1/2008 được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch Chính Hiệp tỉnh Sơn Tây, do vi phạm kỷ cương pháp luật nghiêm trọng, đã bị tạm giam để điều tra từ ngày 19/6/2014.

Lệnh Lộ Tuyến, người con thứ tư, cũng là con gái duy nhất của ông Lệnh Hồ Dã là cán bộ, vợ của Vương Kiện Kháng, Phó chủ tịch thành phố Vận Thành, tỉnh Sơn Tây đang bị giam giữ để điều tra từ ngày 13/7/2015 do liên quan đến tham nhũng.

Lệnh Hoàn Thành là người con út, sinh năm 1960, cử nhân kinh tế, từng công tác thời gian dài ở hãng tin Tân Hoa xã, biên tập viên tạp chí “Liễu Vọng”, sau đó là Phó Chánh văn phòng Tân Hoa xã, Tổng giám đốc công ty quảng cáo của Tân Hoa xã.

Về sau, Lệnh Hoàn Thành quay sang mở công ty kinh doanh, làm Chủ tịch Tập đoàn xe hơi Hoa Tinh, cùng chị dâu Tôn Thục Mẫn (vợ Lệnh Phương Châm) và cháu hợp tác làm ăn.

Tuy nhiên do liên quan đến làm ăn phi pháp nên Lệnh Hoàn Thành và vợ là Lý Bình, MC Đài truyền hình trung ương (CCTV) đều đang bị điều tra. Hiện Lệnh Hoàn Thành đã trốn sang Mỹ, đổi tên là Vương Thành, đã có tên trong danh sách đối tượng của chiến dịch “Săn cáo”.

Lệnh Kế Hoạch là người con thứ 5, cũng là người con “thành đạt” nhất của ông Lệnh Hồ Dã nhưng rốt cục cũng không thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật do phạm phải những tội lỗi nghiêm trọng…

Lệnh Kế Hoạch có vợ và 1 con trai. Vợ ông ta, bà Cốc Lệ Bình, sinh 1959, quê Sơn Đông là một phụ nữ xinh đẹp. Sau khi kết hôn bà về cơ quan trung ương Đoàn công tác, từng làm giám đốc công ty IT nên Cốc Lệ Bình lập ra trang web Quỹ xã hội thanh thiếu niên, giữ chức Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cung thanh thiếu niên.

Tháng 11/2003, ít lâu sau khi Lệnh Kế Hoạch được bổ nhiệm Chánh văn phòng TW Đảng, Cốc Lệ Bình đã thành lập tổ chức công ích gọi là “Chương trình khởi nghiệp quốc tế thanh niên Trung Quốc” (YBC), tự làm Phó chủ tịch, Tổng cán sự.

Ngay hôm thành lập, cơ quan này đã được các doanh nghiệp “hiếu kính” mấy trăm triệu tệ. Do quỹ này làm ăn khuất tất, mờ ám, chủ yếu là vỏ bọc để nhận hối lộ nên ngày 3/12/2012 Cốc Lệ Bình đã bị bắt cùng một số người khác.

Bà ta cũng liên quan đến vụ án tham nhũng của Bộ trưởng Đường sắt Lưu Chí Quân. Em trai bà ta là Cốc Nguyên Húc, Đảng ủy viên, Phó giám đốc Sở CA tỉnh Hắc Long Giang cũng đang bị điều tra vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.

Vợ chồng Lệnh Kế Hoạch – Cốc Lệ Bình đều có tác phong sinh hoạt không lành mạnh, “ông ăn chả, bà ăn nem”. Báo chí từng phanh phui chuyện bà ta gian dâm với “em nuôi” Nhuế Thành Cương, MC của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) (hiện đang bị điều tra về tội làm gián điệp). Còn Lệnh Kế Hoạch thì bị kết luận “gian dâm với nhiều phụ nữ”…/.

(Mời xem tiếp trên Pháp luật 4 phương số 71, ngày 19/9/2016)

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.