Hình minh họa |
“Nói dzậy hổng phải dzậy”
Trên đây là bình luận của một chuyên gia kinh tế. Cũng theo vị này, thật ra kêu thì kêu vậy nhưng nhìn chung các nhà kinh doanh BĐS vẫn rất “chảnh”, chẳng thèm nhặt nhạnh mấy đồng lời nhỏ lẽ mà nằm dài “án binh bất động”. Họ không dại gì đi vay ngân hàng với lãi suất cao để rồi phải chia sẻ nguồn lợi nhuận của mình với ngân hàng.
Trong nhiều hội nghị về BĐS do Bộ Xây Dựng cũng như hiệp hội BĐS của các tỉnh, thành phố tổ chức, giới BĐS đều ca thán, đỗ lỗi cho chính sách siết chặt tín dụng của Nhà nước. Ông Nguyễn Văn Đực - Giám đốc Công ty TNHH Đất Lành ở TP.HCM vừa gặp chúng tôi đã kêu trời: “BĐS lâm bệnh từ lâu rồi nhưng không có thuốc để chữa, giờ chỉ nằm chờ chết thôi!”
Theo lời ông Đực, TP.HCM đang tồn đọng hơn 60 ngàn căn hộ có giá trên 1 tỷ đồng, trong khi đó lại đói căn hộ dưới 500 triệu đồng, cung thì thừa, cầu thì thiếu, đó là nghịch lý hiện nay làm thị trường BĐS “chết đứng”… Vậy nhưng theo quan sát của chúng tôi, không khí làm việc ở công ty này vẫn khá tấp nập, điện thoại gọi tới giao dịch liên tục xem ra không như lời than vãn của ông giám đốc.
Theo đề xuất của Giám đốc Công ty Đất Lành, Nhà nước cần phải có chính sách “giải cứu” ngành BĐS trước khi quá muộn. Nhà nước nên cho xây căn hộ mi ni loại 30 đến 40m2 với giá từ 500 đến 700 triệu đồng cho người thu nhập thấp. “Hiện nay chúng ta đang quá viển vông vì trong khi tiền ít mà muốn nhà rộng thì chính anh tự mâu thuẫn với bản thân. Căn hộ nhỏ không phải là ổ chuột, vì các nước trên thế giới đều có căn hộ 20, thậm chí chỉ có 10m2 nhưng có ổ chuột đâu…” - ông Đực phát biểu.
Tuy nhiên lại có rất nhiều ý kiến phản bác ngay lập luận này. Nhiều người nghi ngờ, với căn hộ nhỏ xíu mà giá cao ngất ngưởng như thế liệu đã hợp lý hay chưa, hay chủ đầu tư lợi dụng tâm lý cần nhà ở để chặt chém người tiêu dùng và làm giàu cho một nhóm người nhất định? Giới chuyên môn cảnh báo, việc xây căn hộ quá nhỏ là đi ngược lại với chủ trương nâng cao chất lượng cuộc sống mà Nhà nước và toàn xã hội đang phấn đấu, ngoài ra, căn hộ nhỏ còn gây ra nhiều hệ lụy khác mà chưa thể lường hết được.
“Không phải rớt giá mà là đưa giá về quỹ đạo”
Theo giới thạo tin, trong khi nhiều ngành kinh tế đang mấp mé bờ vực phá sản thì thực ra ngành BĐS vẫn đang có lãi khá cao. Giá BĐS hiện này vẫn còn ở mức rất cao, nhất là với phân khúc chung cư cao cấp. Còn với nhóm căn hộ trung bình, dẫu giá có sụt giảm so với trước thì hiện nay ở TP.HCM chủ đầu tư vẫn còn lợi nhuận lớn. Theo tính toán, tổng chi phí cho một 1m2 căn hộ loại trung bình chỉ hết khoảng 8 đến 10 triệu đồng, trong khi giá bán hiện dao động từ 12 đến 18 triệu/m2.
Trong một phát biểu mới đây, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM đã thẳng thắn thừa nhận: Mặc dù thị trường BĐS đang ảm đạm, nhưng rồi sẽ bừng sáng vì đây là giai đoạn thử thách, là sự dưỡng sức để tạo nên sức bật mới cho ngành BĐS trong thời gian tới.
Trên thực tế, đúng như lời ông Châu nói, nhiều nhà kinh doanh BĐS ở TP.HCM giờ này đang đi chơi golf, du lịch, nghỉ mát… để chờ cơ hội lớn. Tiềm lực tài chính của họ được cho là thừa đủ để duy trì thời gian “ngủ đông” chừng một vài năm.
Việc siết chặt tín dụng với lĩnh vực BĐS của Nhà nước trong thời gian này là một việc làm hết sức đúng đắn và cần thiết, được người dân đánh giá rất cao vì góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Sâu xa hơn, chính sách này còn là cơ hội để lành mạnh mạnh hóa thị trường BĐS, “xì hơi bong bóng”, tiến tới tạo điều kiện cho những người dân không có nhà để ở có thể mua được nhà.
Nhiều chuyên gia nhận định trong thời gian tới thị trường BĐS sẽ còn tiếp tục hạ giá để đi dần vào một quỹ đạo ổn định. Nếu giá BĐS hợp lý thì không chỉ cơ hội mua nhà của tầng lớp thu nhập thấp sẽ nhiều hơn mà về phía mình, Nhà nước cũng không còn phải “ngồi trên đống lửa” để lo chính sách nhà ở cho nhân dân. “Lúc đó, Nhà nước sẽ không còn phải chạy theo kêu gọi các nhà đầu tư xây nhà giá thấp để hỗ trợ Nhà nước giúp nhân dân, thay vào đó Nhà nước sẽ có nhiều thời gian hơn cho các chính sách an sinh xã hội khác”.
Ngọc Quý