Tức tối không quịt được tiền, rủ đàn em trả thù nhà nghỉ
Theo hồ sơ vụ án, khoảng l9h ngày 23/1/2011, Trần Ngọc Hồ sinh năm 1973, quê Bình Định, thường trú ở quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh cùng nhóm bạn đến thuê phòng 307 nhà nghỉ Ngọc Điệp (đường Đinh Bộ Lĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh) để sử dụng ma túy.
Đến 0h ngày 25/1, Hồ trả phòng rồi nói là không đủ 600 nghìn đồng để trả nên nhân viên nhà nghỉ không cho nhóm Hồ về khiến hai bên xảy ra xô xát. Sự việc được anh Nguyễn Thanh Tùng - lễ tân nhà nghỉ báo lên công an phường nhờ can thiệp.
Hồ gọi điện nhờ người nhà mang tiền đến để trả cho nhà nghỉ, nhưng gã tỏ ra tức tối, quyết tâm trả thù nhà nghỉ này.
Sau khi về nhà mẹ, Hồ gọi điện cho Huỳnh Tấn Phát, sinh năm 1993, ngụ quận 3 nhờ đi chém nhân viên nhà nghỉ để trả thù. Lúc này Phát đang ngồi chơi cùng Nguyễn Ngọc Thành (sinh năm 1992), Nguyễn Ngọc Thanh (sinh năm 1991), Nguyễn Văn Cường (sinh năm 1991) tại chốt dân phòng phường 15, quận Bình Thạnh nên Phát kêu cả nhóm cùng đi.
Những thanh niên này tưởng đó là việc của Phát nên gật đầu đồng ý.
Cả nhóm chạy đến ngã tư Hàng Xanh lấy mã tấu và tuýp sắt được 2 thanh niên tên Hải ‘lú’ và Hiền ‘hâm’ (chưa rõ lai lịch) mang tới. Sau khi có “hàng”, cả nhóm kéo đến nhà nghỉ Ngọc Điệp để chém người.
Lúc này, anh Đặng Quốc Việt là nhân viên lễ tân mới thay ca cho anh Tùng nên không biết gì về xích mích trước đó. Thấy anh Việt đang đứng trước cửa, Thành, Cường liền lấy mã tấu, tuýp sắt chém liên tiếp vào đầu, vai anh Việt rồi lên xe đồng bọn chờ bên ngoài tẩu thoát.
Được mọi người đưa đi cấp cứu kịp thời, dù giữ được mạng sống nhưng anh Việt bị thương tật vĩnh viễn 51% vì chấn thương sọ não nặng.
Khôn ngoan không lại với… tòa
Ngày 14/5/2011, Công an quận Bình Thạnh bắt khẩn cấp đối với Thành. Từ lời khai của Thành, các đối tượng khác nhanh chóng bị tóm gọn và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Giữa năm 2017, vụ án được TAND TP.HCM đưa ra xét xử và tuyên phạt Nguyễn Ngọc Thành 14 năm tù; Nguyễn Văn Cường và Huỳnh Tấn Phát 12 năm tù; Nguyễn Ngọc Thanh 6 năm tù đều với tội danh “giết người”. Riêng Trần Ngọc Hồ bỏ trốn biệt tăm nên bị nhà chức trách phát lệnh truy nã.
Sau 5 năm lẫn trốn, giữa năm 2016, Hồ bị bắt khi về thăm nhà.
Ngày 16/8/2017, Trần Ngọc Hồ được đưa ra xét xử. Tại phiên tòa, Hồ một mực kêu oan, cho rằng mình không hề liên quan tới vụ án giết người. “Bị cáo không hề biết có lệnh truy nã.
Bị cáo bỏ trốn khỏi nhà trọ sau khi vụ án xảy ra là vì vợ bị cáo lúc đó đang mang thai, bị cáo không muốn dính gì tới sự việc của bị cáo Phát và những người khác gây ra tại nhà nghỉ Ngọc Điệp. Hơn nữa khi trốn lên Bình Phước, do gia đình hai bên nội ngoại mâu thuẫn nhau nên bị cáo cũng không liên lạc với cả hai bên…”- bị cáo Hồ chối tội.
Lý giải về nguyên nhân vì sao Nhóm của Phát lại mang mã tấu đi chém người, trong khi nhóm này không mâu thuẫn gì với lễ tân nhà nghỉ, mà mâu thuẫn là từ bị cáo, Hồ cho rằng, “Bị cáo chơi rất tốt với mấy anh em, ở Bình Thạnh hỏi ai cũng biết Trần Hồ chơi chân tình cả. Chắc vì như vậy, mà khi nghe chuyện những anh em đó mới làm như thế…”.
Tuy nhiên trái ngược với những lời phủ nhận của Hồ, các bị án cũng được tòa triệu tập tới phiên tòa và trình bày rằng, hôm đó Phát nghe Hồ báo có sự việc và nhờ Phát tới chém lễ tân nhà nghỉ nên Phát rủ những người khác theo. Các phạm nhân này cũng cho biết trước lúc tới hiện trường thì Hồ đã gọi điện cho 2 đàn em khác mang mã tấu và tuýp sắt tới cho nhóm đi.
“Hôm đó chém xong lễ tân nhà nghỉ, chúng tôi đều về báo cáo tình hình với anh Hồ, ngủ tại nhà anh Hồ và anh Hồ cảm ơn”- các phạm nhân khai.
Thấy Hồ vẫn quanh co chối tội, HĐXX ‘đánh đòn tâm lý’ bằng cách hỏi nhiều câu hỏi để xem cách phản ứng của bị cáo này. HĐXX nhấn mạnh, nhân chứng đều khai bị cáo Hồ cho người nhà mang hung khí để nhóm Phát đi giết người, vậy cần phải làm rõ hành vi người thân của bị cáo có đồng phạm trong vụ án này hay không…
Tuy nhiên với bản tính khôn ranh của một người từng ăn cơm tù nhiều lần nên bị cáo Hồ rất bình tĩnh lý giải từng nội dung và tìm cách chối tội…
Biết bị cáo quá khôn ngoan, HĐXX đành chuyển qua một hướng khác cao hơn bằng cách để cho bị cáo đưa ra những đề nghị thì bị cáo tỏ ra càng thể hiện sự am hiểu và tinh vi hơn
“Bị cáo đề nghị HĐXX cần phải làm rõ việc bị cáo đã gọi điện nhờ Phát đi đánh người lúc mấy giờ, nội dung cuộc điện thoại đó là gì? Hôm đó bị cáo đang ở công an phường để giải quyết việc thiếu tiền nhà nghỉ thì sao mà gọi điện cho Phát được…”.
Việc đề nghị này của Hồ khiến cho HĐXX lắc đầu ngao ngán vì bị cáo quán khôn ngoan (theo lý lịch bị cáo chỉ học lớp 1), bởi vụ án đã diện ra 6 năm trời thì làm gì có chuyện truy xuất được những cú điện thoại đó.
Sau khi nghị án, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo này 16 năm tù về tội giết người. Vừa tuyên án, bị cáo Hồ đã vùng vằng kêu oan./.