Theo lời kể từ bệnh nhân (40 tuổi, Hà Nội), trước khi tắm biển, cô gái đã thoa kem chống nắng song nhiều vùng da vẫn bị cháy nắng. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị bỏng nắng và phải dùng thuốc bôi kết hợp uống để điều trị.
Trực tiếp điều trị cho bệnh nhân này, BS Hoàng Văn Tâm - Phó Trưởng Khoa Điều trị nội trú ban ngày, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết, bệnh nhân bị bỏng nắng, phải dùng thuốc bôi kết hợp đường uống để điều trị. Sau 2 ngày điều trị, tình trạng của bệnh nhân dịu dần, tiến tới ổn định.
Theo bác sĩ Tâm đây không phải trường hợp cá biệt. Cao điểm mùa hè, mỗi tuần, Bệnh viện tiếp nhận, khám cho khoảng 3-5 bệnh nhân bỏng nắng.
"Không chỉ phụ nữ mới bị bỏng nắng, mà nam giới cũng bị bỏng da do nắng nhiều, bởi nam giới ít khi bôi kem chống nắng. Khoa từng tiếp nhận bệnh nhân nam bỏng nắng một cách rất... ấn tượng. Toàn thân bọc kín, riêng bàn chân có đi dép "tổ ong", nắng xuyên qua những điểm "lỗ chỗ". Kết quả, chân nam thanh niên 20 tuổi này bỏng rộp những chỗ "rỗng" đó" - BS Tâm cho hay.
Theo BS Hoàng Văn Tâm, tiếp xúc quá mức với ánh sáng mặt trời trong thời gian ngắn mà không có biện pháp bảo vệ kịp thời sẽ gây bỏng nắng, tổn thương mắt như đục thủy tinh thể, da bị bỏng, khô, sạm, tạo nếp nhăn, lão hóa nhanh. Nếu tiếp xúc kéo dài, tích lũy có thể gây ung thư da.
Để da tiếp xúc với ánh nắng mà không có biện pháp bảo vệ sẽ gây bỏng nắng (ảnh minh họa) |
Bác sĩ khuyến cáo người dân cần có các biện pháp chủ động để bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của UV như hạn chế ra nắng giờ cao điểm. Khi ra nắng cần sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF ít nhất ở mức 30+ và thoa sau mỗi hai tiếng. Có thể sử dụng viên uống chống nắng phối hợp để bảo vệ da, tuy nhiên, viên uống chống nắng không nên được "thần thánh" hoá.
Các bác sĩ cho biết, không chỉ có trời nắng, nhiệt độ cao thì con người mới bị ảnh hưởng bởi tia UV mà cả khi trời râm mát, hay ngồi trong nhà, trong xe ô tô, tia UV vẫn có khả năng xuyên qua cửa kính, cửa sổ, gây hại cho da. Thậm chí, nếu lái xe dưới nắng gắt trong thời gian kéo dài dễ gây tăng sắc tố da, nám má, da lão hóa sớm, nguy cơ cháy nắng, bỏng nắng thậm chí là nguy cơ ung thư da.
Vì vậy, người dân vẫn cần thực hiện các biện pháp chống nắng ngay cả khi ngồi trong ôtô, trong nhà. Đơn cử, khi ngồi trong xe ô tô, có thể sử dụng các biện pháp chống nắng vật lý như mặc quần, áo dài, che chắn vùng da hở. Bôi kem chống nắng kỹ lưỡng cho vùng da hở như mặt, cổ tay tiếp xúc với vô lăng….