Ông Lê Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư TP Đà Nẵng được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm DSAC.
DSAC được xem là trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo đầu tiên của cả nước. Đơn vị này trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, được hình thành trên cơ sở chuyển giao, tiếp nhận và tổ chức lại Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP Đà Nẵng trực thuộc Sở Nội vụ Đà Nẵng.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh trao quyết định bổ nhiệm ông Lê Hoàng Phúc làm Giám đốc Trung tâm DSAC. |
Trung tâm DSAC có bộ máy tinh gọn gồm Ban Giám đốc và 2 phòng chuyên môn gồm Phòng Hành chính và Đào tạo; Phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế.
Trung tâm có 3 chức năng chính là đào tạo, bồi dưỡng lĩnh vực thiết kế vi mạch, bản dẫn và trí tuệ nhân tạo; hỗ trợ thu hút đầu tư trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; liên kết, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, bản dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Trước mắt, trong giai đoạn 2024-2025, Trung tâm DSAC tập trung thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ chính, đó là: hoàn thiện khung pháp lý về cơ cấu tổ chức hoạt động, đề án vị trí việc làm, củng cố kiện toàn bộ máy nhân sự và cơ sở vật chất cho Trung tâm DSAC; đề xuất dự thảo cơ chế chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch, trí tuệ nhân tạo thành phố Đà Nẵng; triển khai hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; hoạt động hợp tác quốc tế, hỗ trợ các doanh nghiệp.
Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, việc khẩn trương hình thành hệ thống các chính sách đi cùng và bộ máy chuyên trách để tận dụng được các cơ hội lớn trong phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo mở ra trong bối cảnh hiện nay được lãnh đạo thành phố xác định như là một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa có tính chiến lược, lâu dài đối với Đà Nẵng. Trong đó, việc thành lập Trung tâm DSAC là một trong những hoạt động cụ thể hóa quyết tâm chính trị của Đà Nẵng trong thực thi nhiệm vụ cấp bách, chiến lược nêu trên.
Theo ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam hiện là nước duy nhất trên thế giới có mối quan hệ chiến lược toàn diện với tất cả các "cường quốc bán dẫn" và Bộ TT-TT đang dự thảo chiến lược quốc gia phát triển vi mạch bán dẫn dự kiến trình chính phủ phê duyệt trong quý 1-2024.
Trong đó, 3 khâu quan trọng trong công nghiệp bán dẫn gồm thiết kế, sản xuất, lắp ráp kiểm tra đóng gói. Việt Nam xác định chiến lược phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp về thiết kế và nhân lực thiết kế. Chế tạo và sản xuất các module là các linh kiện, thu hút FDI liên doanh với doanh nghiệp Việt lắp ráp kiểm tra và đóng gói; xây dựng các nhà máy sản xuất chip ở phân khúc dưới - là thành phần tạo nên các thiết bị điện thoại thông minh, xe điện…
Về nhân lực, Việt Nam phấn đấu đến 2030 có khoảng 50 ngàn kỹ sư thiết kế chip, 200 ngàn kỹ sư điện tử bán dẫn và 500 ngàn công nhân làm việc trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, kinh nghiệm quốc tế cho thấy cần thiết lập trung tâm nghiên cứu chế tạo bán dẫn để cung cấp dịch vụ nghiên cứu, chế tạo, đóng gói kiểm thử, thiết kế vi mạch, tích hợp hệ thống cho các hoạt động nghiên cứu, đào tạo các trường. Các trung tâm này có thể kết hợp ngân sách nhà nước hoặc kết hợp với ngân sách xã hội. Mục tiêu phát triển mạng lưới trung tâm nghiên cứu, chế tạo bán dẫn quốc gia gồm 3 trung tâm quốc gia đặt tại Hà Nội – Đà Nẵng – TP HCM cố gắng đưa vào hoạt động sớm nhất năm 2025. Đà Nẵng là đơn vị tiên phong trên cả nước thành lập trung tâm nghiên cứu đào tạo, thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo.