Ngày 9/11 tại Samsung Creative Campus - thành phố Deagu (Hàn Quốc) đã diễn ra Diễn đàn Toàn cầu Thành phố Sáng tạo Âm nhạc UNESCO Daegu lần thứ 6.
Tham dự diễn đàn có 200 cá nhân đến từ các thành phố sáng tạo của 10 quốc gia gồm Hàn Quốc, Việt Nam, Mỹ, Pháp, Đức, Canada, Italia, Tây Ban Nha, Indonesia, Estonia.
Là thành phố đầu tiên của Việt Nam gia nhập mạng lưới các thành phố âm nhạc của UNESCO (UCCN), ông Đặng Quang Tú - Chủ tịch UBND TP Đà Lạt đã gửi lời chúc mừng nồng nhiệt đến Diễn đàn Toàn cầu Thành phố Sáng tạo Âm nhạc UNESCO Daegu lần thứ 6.
Tại diễn đàn, đại diện TP Đà Lạt cũng nhấn mạnh, các cam kết của thành phố sẽ góp phần nâng cao vai trò của âm nhạc trong việc giảm thiểu các thách thức đến từ quá trình biến đổi khí hậu. Ông Đặng Quang Tú mong muốn, trong 4 năm tới, Đà Lạt sẽ nhận được sự chia sẻ các kinh nghiệm và sáng kiến đến từ các thành phố trên thế giới, đặc biệt là từ Deagu.
Đại biểu tham gia diễn đàn đến từ các thành phố sáng tạo của 10 quốc gia. |
Tại diễn đàn, các vấn đề liên quan đã được các chuyên gia đặt ra. Cụ thể, theo UNEP, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc đã chỉ ra, các thành phố là tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu, do các hoạt động đô thị là nguồn phát thải khí nhà kính. Các ước tính cho thấy các thành phố chịu trách nhiệm cho 75% lượng khí thải CO2 toàn cầu, trong đó giao thông vận tải và các tòa nhà là những nguồn đóng góp lớn nhất.
Trước mối đe dọa mất đa dạng sinh học toàn cầu và biến đổi khí hậu, các quyết định về lối sống của chúng ta đang khiến hành tinh gặp nguy hiểm. Trong khi đó, rác thải và ô nhiễm ngày càng gia tăng, khoảng cách giàu nghèo ngày càng sâu rộng. Sức khỏe, giáo dục, sự công bằng và trao quyền đều bị ảnh hưởng tiêu cực. Vì vậy, mỗi người cần hành động có mục tiêu để giải quyết tình trạng tiêu thụ tài nguyên vượt quá khả năng sản xuất của hành tinh.
Trao đổi tại diễn đàn, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương – Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đánh giá, với tư cách là thành phố sáng tạo mới gia nhập mạng lưới các thành phố âm nhạc của UNESCO, các sáng kiến địa phương và quốc tế mà Đà Lạt đã cam kết như “Thanh âm của đại ngàn” hay “Bản đồ nghệ thuật Đà Lạt”… đều hướng tới việc góp phần gia tăng tính thích ứng, giảm nhẹ áp lực đô thị và sử dụng các giải pháp âm nhạc nhằm tạo động lực kết nối và định hình chuỗi hành động. Điều này hướng tới một nền kinh tế sản xuất sạch và tiêu dùng bền vững, quản lý chất thải nhựa và thực phẩm..., lượng khí thải carbon, cùng các dự án âm nhạc nhằm lan tỏa nhận thức chung tay vì một Đà Lạt xanh và trong lành, vì một hành tinh trung hòa về khí hậu.
Lãnh đạo TP Đà Lạt bấm nút gửi hồ sơ gia nhập Mạng lưới Thành phố Sáng tạo đến UNESCO. |
Trước đó, ngày 31/10, TP Đà Lạt chính thức gia nhập Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO (UCCN) trong lĩnh vực âm nhạc.
Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO khởi xướng năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố coi sáng tạo là yếu tố chiến lược cho sự phát triển bền vững, công nghiệp văn hóa là trọng tâm của các kế hoạch phát triển đô thị.
Đến nay, Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO gồm 350 thành phố từ hơn 100 quốc gia, có sự phát triển dựa trên sự sáng tạo ở 7 lĩnh vực như thủ công và nghệ thuật dân gian, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông và âm nhạc.