Tổ chức xã hội – chỗ dựa của gia đình nạn nhân
“Trong những năm gần đây, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng gia tăng. Số trẻ em nhỏ tuổi bị xâm hại tình dục nhiều hơn trước, trong đó có cả trẻ em trai” – Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan đã đưa ra nhận định tại “Diễn đàn các tổ chức xã hội và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam trong phòng ngừa, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em bị xâm hại tình dục”, do Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phối hợp với Bộ LĐTB&XH tổ chức.
Minh chứng cho nhận định này, số liệu báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân TP HCM cho thấy trong 4 năm từ 2012-2015 toàn thành phố có 606 vụ xâm hại tình dục trẻ em (hiếp dâm trẻ em 170 vụ; giao cấu với trẻ em 335 vụ; dâm ô với trẻ em 101 vụ), chiếm 89,8% số vụ xâm hại tình dục trên địa bàn. Còn theo bà Tô Thị Kim Hoa - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM, trong năm 2016, thành phố xảy ra 15 vụ với 17 trẻ bị xâm hại, đa số trẻ bị xâm hại ở độ tuổi từ 6 đến 10, đặc biệt có trẻ chỉ mới 2 tuổi rưỡi.
Thành phố Hồ Chí Minh không phải là trường hợp cá biệt trong vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em, mà đây là nỗi đau chung của cả nước. Con số Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, trong 5 năm từ 2011-2015, cả nước có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em với gần 10.000 nạn nhân. Số trẻ em nhỏ tuổi bị xâm hại tình dục nhiều hơn trước, có cả trẻ em gái và trẻ em trai. Nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em có tính chất nguy hiểm, phức tạp như: bố đẻ xâm hại con gái ruột, cha dượng hiếp dâm con riêng của vợ, ông xâm hại cháu, thầy giáo xâm hại học sinh…
Trước những sự việc nghiêm trọng như vậy, vai trò của các tổ chức xã hội và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam trong việc giúp đỡ gia đình nạn nhân đòi lại công lý cho các nạn nhân trẻ em bị xâm hại tình dục cũng như nghiêm trị thủ phạm là rất quan trọng. Đơn cử tại TP HCM, năm Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM đang theo dõi hỗ trợ can thiệp, bảo vệ hai trường hợp: cháu B.N.L 5 tuổi và N.T.L 6 tuổi bị người làm đậu hũ kế bên nhà xâm hại, mẹ hai cháu đã đến Hội yêu cầu hỗ trợ gia đình trong thủ tục kháng cáo vì án cho người phạm tội quá nhẹ (6 năm tù); cháu N.M.N 2,5 tuổi bị thanh niên cùng xóm trọ hiếp dâm, thương tật 61%, Hội đã vào cuộc ngay từ đầu hỗ trợ tiền điều trị cho cháu, phối hợp địa phương hỗ trợ gia đình đưa vụ án ra xét xử trong tháng 12 này. Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cơ quan thường trực phía Nam trong năm 2016 cũng đã tiếp nhận 5 vụ việc dâm ô, hiếp dâm trẻ em…
Những vướng mắc từ luật
Tuy nhiên, trong quá trình bảo vệ trẻ em các tổ chức xã hội cũng gặp không ít khó khăn, trong đó có vướng mắc từ luật khiến những nạn nhân trẻ em không được công lý bảo vệ.
Nói về vấn đề này, ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan cho rằng hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em vẫn còn khoảng trống. Mặc dù đã có quy định về quy trình, trách nhiệm, thẩm quyền đánh giá nguy cơ và quản lý trường hợp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục nhưng chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, thiếu quy định cụ thể đầu mối tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác và phối hợp xác minh, đánh giá, điều tra về hành vi xâm hại, tình trạng mất an toàn hoặc gây tổn hại, mức độ nguy cơ gây tổn hại đối với trẻ em; chưa có quy định về thẩm quyền, thủ tục tách trẻ em ra khỏi cha mẹ, người chăm sóc trong trường hợp chính cha mẹ, người chăm sóc có hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em; thiếu hệ thống theo dõi để đảm bảo những trẻ em này không tiếp tục bị bạo lực, bị xâm hại tình dục. Vai trò của cán bộ bảo vệ trẻ em, nhân viên công tác xã hội làm việc về trẻ em chưa được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật của Nhà nước để bảo đảm quyền hạn pháp lý khi thực hiện việc can thiệp, hỗ trợ bảo vệ trẻ em, đặc biệt là bảo vệ trẻ em trong tình trạng khẩn cấp.
Ở góc độ địa phương, trực tiếp đối mặt và giải quyết với nạn xâm hại tình dục trẻ em ngày càng gia tăng, bà Tô Thị Kim Hoa - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM cũng đã chỉ ra những nguyên nhân từ pháp luật. Trước hết đó là vấn đề chứng cứ trong các vụ việc xâm hại tình dục. Bà Tô Thị Kim Hoa cho rằng, chứng cứ rất khó xác định nếu không được phát hiện kịp thời trong khi các vụ án xâm hại tình dục trẻ em thường không bắt được quả tang, không có người làm chứng, trẻ bị hại còn quá nhỏ chưa nhận thức được hoặc hạn chế nhận thức do suy nghĩ yêu thương tự nguyện là không phạm tội. Chứng cứ khó như thế nhưng hiện nay, theo bà Kim Hoa việc giám định pháp y còn hạn chế, không quy định trưng cầu giám định pháp y tình dục trẻ em là loại đặc biệt để được thực hiện nhanh nhằm phát hiện tội phạm nên đến khi giám định thì chứng cứ đã mất. Bên cạnh đó việc không công khai kết quả giám định pháp y cho gia đình bị hại cũng gây khó cho việc hỗ trợ khởi kiện.
“Theo quy định tại khoản 8 Điều 157 Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016 thì tội phạm sẽ không bị khởi tố nếu người bị hại hoặc đại diện cho người bị hại không yêu cầu khởi tố hoặc rút đơn. Nhưng trong nhóm tội theo điều luật này có cả một số tội xâm hại tình dục. Tuy nhiên, nhóm tội này xâm phạm nghiêm trọng đến sức khỏe, nhân phẩm và tương lai của trẻ em, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục và trật tự trị an của địa phương nên kiến nghị xét lại quy định này theo hướng nếu người bị hại hoặc gia đình người bị hại không yêu cầu khởi tố hoặc rút đơn yêu cầu thì chỉ xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo khi quyết định hình phạt mà thôi. Bên cạnh đó, kiến nghị đưa tội xâm hại tình dục trẻ em vào dạng điều tra đặc biệt để không bỏ lọt tội phạm gây thiệt thòi cho người bị hại là trẻ em” - bà Tô Thị Kim Hoa nhấn mạnh.