Cựu thủ tướng bị cáo buộc 'thụt két' quỹ công và bà vợ 'ăn chơi'

Cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak và phu nhân Rosmah Mansor
Cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak và phu nhân Rosmah Mansor
(PLO) - Chỉ ít ngày sau khi bị đánh bại trong cuộc tổng tuyển cử, vợ chồng cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak bị tân thủ tướng Mahathir Mohamad cấm xuất ngoại. 

Hàng chục cảnh sát vũ trang sau đó tới nhà của cựu thủ tướng Najib ở Kuala Lumpur, sau khi ông đi cầu nguyện ở nhà thờ Hồi giáo về. Cuộc khám xét kéo dài sáu giờ, các cảnh sát sau đó chuyển những túi lớn từ căn nhà lên xe tải. Hàng chục cảnh sát khác cũng xuất hiện tại một khu nhà hạng sang ở quận khác tại Kuala Lumpur, nơi ông Najib có một căn hộ. 

Tân thủ tướng Mahathir Mohamad, 92 tuổi cho rằng có đủ bằng chứng để điều tra một vụ bê bối hàng tỷ USD của quỹ nhà nước 1Malaysia Development Berhad (1MDB) do ông Najib thành lập. Các cuộc khám xét trên được tiến hành trong khuôn khổ cuộc điều tra vụ bê bối liên quan đến quỹ này.

Bà Rosmah bị cáo buộc mua một viên kim cương hồng trị giá 23 triệu USD bằng tiền từ quỹ đầu tư. 1MDB được chính quyền trước đây thành lập với mục đích phát triển kinh tế qua các khoản đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, quỹ này nhanh chóng rơi vào tình trạng nợ nần lên tới hơn 12 tỷ USD. Đến thời điểm hiện tại, ông Najib phủ nhận mọi cáo buộc. 

Một trong những vấn đề khiến dư luận Malaysia quan tâm từ lâu, đó là nghi vấn vợ chồng cựu thủ tướng, trong đó đặc biệt là bà vợ, “ăn chơi khét tiếng”. Bà Rosmah Mansor sinh năm 1951 ở bang Negri Sembilan, Malaysia, trong một gia đình có bố mẹ đều là giáo viên. Bà tốt nghiệp chuyên ngành xã hội học và nhân chủng học tại đại học Malaya, sau đó lấy bằng thạc sĩ ở đại học Louisiana, Mỹ năm 1978.

Bà từng làm giám đốc một ngân hàng, sau đó chuyển sang ngành bất động sản. Tranh thủ thời cơ nền kinh tế đang phát triển mạnh, bà Rosmah bán những bất động sản xa xỉ cho giới nhà giàu Malaysia.

Năm 1987, ông Najib Razak, khi đó là Bộ trưởng Văn hóa, Thanh niên và Thể thao, ly hôn người vợ đầu và kết hôn với bà Rosmah. Hai người có hai con, trong đó con gái Nooryana là vợ của cháu trai Tổng thống Kazakhstan.

Đam mê hàng hiệu

Kể từ năm 1991, khi ông Najib được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng, những tai tiếng về sự hống hách và lối sống xa hoa của Rosmah cũng bắt đầu lan truyền. Bà có niềm đam mê với nữ trang cao cấp và được cho là đã đe dọa đóng cửa một cửa hàng trang sức khiến họ phải tặng bà một món đồ trị giá hàng chục nghìn RM. 

Năm 2011, bà bị đồn nhập khẩu một chiếc nhẫn kim cương 24 triệu USD từ một nhà trang sức ở New York, Mỹ. Số tiền quá lớn khiến hầu hết người dân Malaysia kinh ngạc nhưng không phải là khó hiểu khi nhìn vào bộ sưu tập túi Hermes Birkin đồ sộ của bà Rosmah.

Bà Rosmah nổi tiếng với những bộ cánh, trang sức đắt tiền
Bà Rosmah nổi tiếng với những bộ cánh, trang sức đắt tiền

Bà có ít nhất hơn chục chiếc túi cùng một mẫu nhưng khác màu của thương hiệu xa xỉ nước Pháp. Mỗi chiếc ước tính có giá thấp nhất là 150 ngàn USD và tổng giá trị của bộ sưu tập này lên tới hơn một triệu USD.

Bà Rosmah cũng đam mê đồng hồ xa xỉ và sở hữu nhiều chiếc nạm kim cương trị giá hàng chục nghìn USD của các thương hiệu như Hublot hay Richard Mille Lady.

Năm 2015, bà vấp phải làn sóng chỉ trích khi tiêu tốn hơn 300 USD để thuê chuyên gia tới tận nhà làm tóc, trong khi mức thu nhập tối thiểu của người Malaysia chưa đến 230 USD một tháng, thậm chí các nhà phê bình còn cho rằng con số này ít khi đạt được. 

Năm 2016, tờ Wall Street Journal dẫn một báo cáo hé lộ rằng vợ của ông Najib đã chi tổng cộng ít nhất sáu triệu USD vào quần áo, giày dép, trang sức trong vòng bảy năm, từ 2008 đến 2015. Con số này được thu thập từ thẻ tín dụng của bà. 

Tờ báo nêu nghi vấn về nguồn gốc của số tiền khi "bà là con duy nhất trong một gia đình giáo viên, không có công việc ổn định và chồng của bà là một quan chức lâu năm với mức lương thường niên 100 ngàn USD". Hầu hết các khoản mua sắm của bà Rosmah được ghi nhận ở các trung tâm thương mại cao cấp tại Anh, Mỹ bên cạnh nhiều quốc gia khác. 

Cùng năm, chuyến công tác của bà đến Qatar bằng máy bay VIP của chính phủ tiêu tốn hơn 100 ngàn USD và bà còn bị cáo buộc tham nhũng gần 300 ngàn USD công quỹ để mua các sản phẩm chống lão hóa.

Trong khi lối sống xa hoa của đệ nhất phu nhân khiến dư luận Malaysia phẫn nộ, bà tuyên bố rằng mình đã dùng tiền tiết kiệm để thỏa mãn nhu cầu mua sắm. "Tôi mua một số trang sức và váy bằng tiền riêng của mình. Điều đó có gì là sai", bà Rosmah nói trong cuốn tiểu sử được xuất bản năm 2013, trong đó giải thích về bê bối liên quan đến chiếc nhẫn hàng triệu USD và việc vợ của một thủ tướng thường xuyên được tặng quà đắt tiền thay vì phải tự mua.

Theo tài liệu từ vụ kiện của Bộ Tư Pháp Mỹ vào tháng 7/2016, gần 30 triệu USD từ quỹ đầu tư nhà nước 1MDB do ông Najib thành lập từ năm 2009 để phát triển kinh tế đã bị sử dụng để phục vụ cho việc mua sắm của bà Rosmah, trong đó có một viên kim cương hồng để gắn vào vòng cổ.

Sau chỉ sáu năm hoạt động, 1MDB gây nợ lên tới 12 tỷ USD, đẩy ông Najib vào vòng lao lý với cáo buộc tham nhũng. Khi khám xét nhà của cựu thủ tướng Malaysia hôm 16/5, cảnh sát đã tịch thu gần 300 túi hàng hiệu và 72 bao tiền, chất đầy năm xe.

Phẫu thuật thẩm mỹ

Sự ăn chơi của bà Rosmah, thậm chí bị Azrene Ahmad, con gái riêng của bà với người chồng đầu tiên, xác nhận. Cô này công khai trên Facebook việc mẹ mình đã chỉnh sửa toàn bộ gương mặt, điều mà bà luôn chối bỏ bấy lâu nay. Cô cho biết các bác sĩ thẩm mỹ thường xuyên lui tới nhà của bà Rosmah và gương mặt cứng đờ, kỳ lạ của bà là do tiêm chất làm đầy. 

Theo bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ nổi tiếng Singapore Siew Tuck Wah, bà Rosmah là một bằng chứng sống của việc lạm dụng dao kéo. Cụ thể, bà Rosmah đã cấy mũi, tiêm botox vào cằm, trán, bọng mắt, điều chỉnh lông mày quá cao. "Những bức ảnh cũ của Rosmah năm 1989 cho thấy bà là một phụ nữ rất xinh đẹp, khác xa với ngoại hình của bà hiện nay", ông nói.

Hình ảnh bà Rosmah năm 1989 và hiện nay
Hình ảnh bà Rosmah năm 1989 và hiện nay

"Tôi lớn lên ngưỡng mộ hai con người đó, yêu thương và kính trọng họ. Nhưng khi trưởng thành, tôi nhìn thấy ở họ sự ích kỷ và tham lam hơn tất thảy. Tôi nhiều lần chứng kiến họ hành động vượt quá giới hạn, các vụ thương thảo và những cái bắt tay vì mục đích quyền lực và thỏa mãn lòng tham", Azrene Ahmad, con gái riêng của phu nhân cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak viết trên mạng xã hội. 

Ahmad là con gái của bà Rosmah Mansor với người chồng đầu tiên. Ngày 9/5, người dân Malaysia chứng kiến sự quay lại chính trường một cách ngoạn mục của cựu thủ tướng Mahathir 92 tuổi. "Ngày hôm nay đã đánh dấu sự kết thúc của một thời đại chuyên chế độc tài mà nhiều người đã hằng cầu mong", cô Ahmad viết trên Facebook và Instagram. 

Cô Ahmad cáo buộc hai vợ chồng cựu thủ tướng Najib Razak "tiêu tiền như nước vào đồ trang sức, hối lộ quan chức nhằm thâu tóm thêm quyền lực" và miêu tả "những vali chứa đầy tiền được trao tay" và "nhiều tài khoản ngân hàng được mở ở nước ngoài để đưa tiền ra khỏi Malaysia" cùng "những két sắt tích trữ đầy trang sức, đá quý và tiền mặt".

Con gái riêng của vợ cựu thủ tướng Malaysia còn cáo buộc cha mẹ coi cô là "món hàng" trao đổi quyền lực. "Bị biến thành con lừa chuyên chở những món đồ có giá trị ra, vào đất nước chẳng vui vẻ gì", Ahmad viết. "Họ còn nỗ lực gả bán tôi cho người trả giá cao nhất hoặc người có vị trí cao nhất nhằm giúp họ có thêm lợi thế và địa vị xã hội".

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tri thức bán dẫn từ Nhật Bản sang Việt Nam

Hình ảnh tại hội thảo.
(PLVN) - Hội thảo nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tri thức về ngành sản xuất chất bán dẫn từ Nhật Bản sang Việt Nam, hỗ trợ phát triển năng lực chuyên môn, nghiên cứu của nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam; tạo ra các cơ hội việc làm, thực tập và đào tạo cho sinh viên và các chuyên gia Việt Nam tại Nhật Bản...

Ưu điểm 'xe tăng tốt nhất thế giới' của Nga

Một mẫu xe tăng hiện đại hoá từ nguyên mẫu T-72 của Nga.
(PLVN) - Dù có thiết kế rất đơn giản nhưng xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 của Nga là xe tăng tốt nhất thế giới, hãng tin Sputnik dẫn lời nhà báo Brandon Weichert trên ấn phẩm The National Interest (TNI) của Mỹ khẳng định.

Vì sao UNESCO khuyến nghị bảo tồn di sản nghe nhìn?

Hoạt động kiểm kê phim tại Kho lưu trữ UNESCO. (Ảnh: UNESCO)
(PLVN) - Di sản nghe nhìn là những tư liệu quý giá về lịch sử, văn hóa và sự phát triển của con người. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số cùng với các nguy cơ tự nhiên và nhân tạo đang đe dọa sự tồn tại của các tài liệu này. Nhận thức được điều đó, UNESCO đã không ngừng thúc đẩy các sáng kiến bảo tồn di sản nghe nhìn, nhằm đảm bảo tính bền vững và khả năng tiếp cận cho các thế hệ tương lai.