Cứu sản phụ bị biến chứng thai kỳ đặc biệt nguy hiểm

Hình ảnh BV Sản Nhi BG cung cấp
Hình ảnh BV Sản Nhi BG cung cấp
0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang mới mổ cấp cứu sản phụ N.T.T.L bị rau tiền đạo trung tâm, rau cài răng lược xuyên bàng quang hiếm gặp, gây băng huyết đe doạ tính mạng ở tuần 34 thai kỳ. Bé trai 1,8 kg chào đời an toàn.

Chị T. L. cho biết: “13 tháng đầu thai kỳ, tôi từng bị ra máu phải điều trị giữ thai, bác sỹ dặn tôi cần phải nghỉ ngơi và giữ tinh thần thật tốt để không ảnh hưởng tới em bé trong bụng. Nhưng sang tới tuần thứ 27 thai kỳ, tôi thấy rất khó chịu, bụng gò căng cứng và bị ra máu nên phải nhập Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang để được điều trị giữ thai chờ ngày con chào đời”.

Tại Khoa Sản I (bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang), các bác sỹ phát hiện thai phụ L. bị rau tiền đạo trung tâm hoàn toàn, nghi ngờ rau cài răng lược nguy hiểm và được theo dõi sát tình trạng của mẹ và thai nhi.

Tuy nhiên, sang tới tuần thứ 34 thai kỳ, chi L. bị ra huyết từng đợt. Thai phụ được dùng thuốc cầm máu nhưng không hiệu quả.

Nhận thấy đây là một trường hợp cực kỳ phức tạp bởi thai phụ L. có tiền sử phẫu thuật lấy thai 2 lần, phẫu thuật chửa vết mổ 1 lần, lần này lại bị rau tiền đạo trung tâm hoàn toàn và cài răng lược trong khi đang bị ra huyết nhiều, nếu phẫu thuật viên không dày dạn kinh nghiệm thì nguy cơ thai phụ sẽ tử vong do không kịp cầm máu. Ngay sau đó các bác sỹ trong kíp trực đã mời Thầy thuốc ưu tú - Bác sỹ CKII Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện hội chẩn và trực tiếp phẫu thuật để đảm bảo an toàn cho 2 mẹ con sản phụ.

Khi tiến hành phẫu thuật, kíp phẫu thuật của Giám đốc Bệnh viện Lê Công Tước, Bác sỹ CKII Nguyễn Thị Nhiên và Bác sỹ CKI Nguyễn Ngọc Tân gỡ dính mạc nối ra khỏi tử cung, gỡ dính tử cung ra khỏi thành bụng, gỡ dính phúc mạc đoạn dưới và bàng quang ra khỏi đoạn dưới tử cung. Đồng thời để kiểm tra mức độ rau cài răng lược và nhận thấy rau tiền đạo trung tâm hoàn toàn, rau cài răng lược đã đâm xiên hết lớp cơ tử cung đến lớp thanh mạc, có một phần gai rau đâm xuyên qua lớp thanh mạc vào thành bàng quang vô cùng nguy hiểm đối với thai phụ và thai nhi. Bác sỹ Lê Công Tước quyết định mổ dọc thân tử cung để lấy thai nhi và đón bé trai nặng 1,8kg chào đời an toàn.

Tiếp đó, ekip đã tiến hành kẹp cắt dây chằng tròn, dây chằng tử cung buồng trứng, động mạch tử cung 2 bên và bóc tách dây chằng bàng quang để cắt tử cung bán phần thấp lấy hết diện rau bám giữ lại cổ tử cung cho sản phụ L. Theo các bác sĩ BV Sản nhi Bắc Giang, việc khó khăn nhất của trường hợp này là phải làm sao để gỡ dính, tách rời bàng quang khỏi mặt trước tử cung, bộc lộ được toàn bộ đoạn dưới tử cung để sẵn sàng cắt tử cung bán phần mà không gây chảy máu sau khi lấy thai, không gây tổn thương các cơ quan lân cận bởi sản phụ đã bị băng huyết trước khi mổ; hơn nữa rau cài răng lược đã đâm xiên bàng quang nếu trong quá trình gỡ dính mà không có kỹ thuật tốt, phẫu thuật viên thực hiện không chính xác thì sẽ gây chảy máu ồ ạt, sản phụ có thể truỵ mạch và nguy cơ tử vong ngay trên bàn mổ.

Sau hơn 2 giờ căng thẳng, kíp phẫu thuật đã giúp sản phụ thoát khỏi cơn nguy kịch. Bé trai nặng 1,8kg do sinh non thiếu tháng nên ngay sau khi chào đời đã được đưa về Khoa Sơ sinh của Bệnh viện để các bác sỹ theo dõi, chăm sóc đặc biệt. Điều trị hậu phẫu tại Khoa Sản II, sức khoẻ của sản phụ Loan cũng phục hồi tốt.

BSCKII. Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang khuyến cáo, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, đặc biệt là với những người đã từng sinh mổ khi thấy chậm kinh từ 07 - 10 ngày cần đi siêu âm để xác định chính xác vị trí làm tổ của thai.

Nếu thai làm tổ ở vùng thân và đáy tử cung thì để phát triển bình thường, còn nếu thai làm tổ ở vị trí bất thường như vùng gần eo tử cung hoặc tại vết mổ đẻ cũ thì nên đình chỉ thai sớm, tránh sau này phát triển trở thành chửa vết mổ hoặc rau tiền đạo trung tâm, rau cài răng lược.

Để phát hiện sớm rau cài răng lược và hạn chế biến chứng rau cài răng lược trong khi sinh hoặc sau sinh thì phụ nữ mang thai cần phải được quản lý thai nghén, siêu âm bởi các bác sĩ sản khoa có trình độ chuyên môn vững vàng tại các cơ sở y tế uy tín có đầy đủ trang thiết bị sản khoa hiện đại.

Nếu được chẩn đoán xác định rau cài răng lược thì nên sinh em bé tại các bệnh viện tuyến tỉnh hoặc tuyến Trung ương thay vì cơ sở y tế tuyến cơ sở để tránh những tai biến đáng tiếc có thể xảy ra đe dọa sự an toàn của mẹ và thai nhi.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Dùng thêm thuốc ngoài đơn bác sĩ, người đàn ông rơi vào nguy hiểm

Người bệnh nhập viện trong tình trạng tổn thương da nghiêm trọng (Ảnh: Ngọc Phúc)
(PLVN) - Trong thời gian sử dụng thuốc theo đơn điều trị xương khớp, bệnh nhân N.Đ.T (nam, 65 tuổi, trú tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) liên tiếp sử dụng nhiều loại thuốc khác ngoài đơn của bác sĩ. Người bệnh sau đó bị tổn thương da 70% kèm theo loét niêm mạc miệng, mắt và bộ phận sinh dục...

Đau đầu kéo dài, bé gái 9 tuổi được phát hiện có khối u não lớn

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi.
(PLVN) - Bệnh viện E vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhi nữ 9 tuổi, có khối u màng não lớn. Đây là ca bệnh khó vì người bệnh nhỏ tuổi, kích thước khối u lớn, nằm ở vị trí nguy hiểm, buộc phải phẫu thuật nếu không sẽ đe dọa đến chức năng thần kinh và tính mạng người bệnh.

Bộ Y tế thông tin về vaccine COVID-19 của AstraZeneca có thể gây máu đông

Bộ Y tế thông tin về vaccine COVID-19 của AstraZeneca có thể gây máu đông
(PLVN) - Trước thông tin AstraZeneca lần đầu tiên thừa nhận vaccine COVID-19 có thể gây cục máu đông, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, đây là tác dụng phụ hiếm gặp mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã từng cảnh báo khi tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca.