Đô thị hóa “tự phát” nên bấp bênh
Sự xuất hiện các khu đô thị mới, khu công nghiệp đã thay đổi không gian nông thôn và đẩy tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh chóng với những hệ lụy về môi trường tự nhiên, môi trường xã hội… khi trình độ quản lý và ý thức của cộng đồng vẫn bị ảnh hưởng của lối tư duy “sau lũy tre làng”. Với nhu cầu mưu sinh, các dòng di dân từ nông thôn ra đô thị và những vùng nông thôn đã được đô thị hóa là một trong những nguyên nhân cơ bản gây ra những khó khăn quá tải trong các đô thị hiện đại về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Trong đó, vấn đề môi trường sống (do rác thải tăng nhanh, tỷ lệ thuận với tốc độ gia tăng dân số trong khi diện tích sống lại bị thu hẹp) và sinh kế của người dân vùng đô thị hóa bởi diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp là những khó khăn lớn nhất mà không dễ giải quyết và tạo sức ép rất lớn cho các vùng được đô thị hóa và đô thị trung tâm.
Thực tế cho thấy, tốc độ đô thị hóa đã biến các vùng ven đô (vốn là các huyện thuần nông) chuyển mình thành đô thị trong điều kiện chưa được chuẩn bị đầy đủ về hạ tầng và ý thức của người dân. Vì thế, ô nhiễm môi trường, tỷ lệ tội phạm và vi phạm pháp luật, tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai, sự xuống cấp về đạo đức xã hội một phần do các phong tục truyền thống bị nhạt nhòa, thậm chí biến mất… có thời điểm bị đẩy lên mức “cực điểm”, đe dọa đến sự an toàn của cộng đồng dân cư tại vùng đô thị hóa.
TS. Michael Di Gregorio, Trưởng đại diện Quỹ châu Á tại Việt Nam cũng nhận xét, tốc độ gia tăng nhanh chóng dân số Hà Nội và đô thị hóa đã làm gia tăng áp lực đối với việc sử dụng đất và nước, tạo ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, nguồn cung cấp lương thực, đặc biệt là sinh kế đối với người nông dân sống trong khu vực thành phố.
Theo Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, việc hình thành các khu đô thị mới hoặc khu công nghiệp làm suy giảm diện tích đất nông nghiệp, đa số người nông dân khu vực ven đô mất đi nguồn thu nhập duy nhất, nhiều người phải chuyển đổi nghề nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế. Việc đất nông nghiệp giảm sút khiến lĩnh vực nông nghiệp bị thu hẹp dần, làm giảm nguồn cung về lương thực, thực phẩm cho đô thị.
Cơ cấu kinh tế vùng ven đô có sự thay đổi lớn theo hướng chuyển dần từ nông nghiệp sang công nghiệp xây dựng, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại. Vành đai xanh của Thủ đô Hà Nội ngày càng bị thu hẹp, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường đô thị, mất đi hệ sinh thái tự nhiên vốn có của khu vực ven đô. Có sự phân hóa giàu nghèo và những mâu thuẫn về lợi ích giữa các nhóm xã hội.
Lấy ví dụ khu vực ven Đại lộ Thăng Long (Hà Nội). Dù đô thị đang từng bước hình thành ở đây với các khu công nghệ cao, làng sinh viên… nhưng người dân sống xung quanh vẫn là những nông dân và các hoạt động nông nghiệp của họ rất tương phản với bê tông, đường trải nhựa…, nên mới có cảnh “đàn bò di chuyển trên đại lộ nghìn tỉ để đến được bãi chăn thả”, lúa chín bất thường do bị “ươm” trong ánh đèn cao áp hàng ngày, hay cầu Nhật Tân (đang được khai thác với tốc độ tối đa 80km/giờ và đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Sở Giao thông vận tải Hà Nội nghiên cứu điều chỉnh tốc độ lên đến 90km/h để khai thác tốc độ tối đa trên cây cầu hiện đại này) vẫn phải dành khoảng thời gian từ 22h-5h sáng ngày hôm sau cho những chiếc xe thô sơ từ vùng ven đô sử dụng để di chuyển vào trung tâm Hà Nội…
Xe thô sơ di chuyển trên cầu Nhật Tân. (Ảnh.laodong) |
Phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái để “cứu” môi trường
Đó là một trong những giải pháp để giải quyết hậu quả của quá trình đô thị hóa được đưa ra tại Hội thảo “Đô thị hóa và phát triển nông nghiệp ven đô, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân” do Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức mới đây. Theo nhiều ý kiến tại Hội thảo, Hà Nội cần quan tâm đến vấn đề môi trường vùng ven đô trong quá trình đô thị hóa, nhất là cần phải phát triển nông nghiệp sinh thái.
TS.Trần Trọng Phương- Phó trưởng Khoa Quản lý Đất đai (Học viện Nông nghiệp) cho biết: Hà Nội đã xác định “nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn”. Theo đó, hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho sản xuất nông nghiệp được đầu tư xây dựng ngày càng tốt hơn; hàng năm có khoảng 80% nông dân ở vùng ven đô được đào tạo, tập huấn; 80% người dân được dùng nước sạch; hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn chỉnh…
Tuy nhiên, đô thị hóa tăng nhanh đã khiến diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp; phát triển thiếu bền vững; đồng thời tình trạng ô nhiễm nước, không khí dẫn đến môi trường sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong giai đoạn 2011- 2015, diện tích đất nông nghiệp giảm trung bình 5.500- 6.000 ha/năm (bình quân mỗi năm giảm trên 1.000ha). Nguyên nhân chính là do đất sản xuất nông nghiệp bị chuyển sang đất phi nông nghiệp.
Vùng ven đô là nơi liên kết giữa khu vực nội thành và ngoại thành về kinh tế và xã hội: cung cấp lương thực, thực phẩm sạch, an toàn... cho cư dân nội thành, cho các khu đô thị mới liền kề và các nhóm dân cư phi nông nghiệp tại chỗ. Vành đai xanh khu vực ven đô ngoài việc cung cấp lương thực, thực phẩm còn có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường cho thành phố.
Do đó, một số giải pháp phát triển được các đại biểu hiến kế cho thành phố ngay tại Hội thảo như: Triển khai áp dụng công nghệ cao vào các lĩnh vực nông nghiệp ven đô ngoại thành; tiếp tục chính sách đất đai, dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp; sử dụng đất nông nghiệp sạch trong lĩnh vực xây dựng đô thị; đấu giá quyền sử dụng đất, huy động đất đai xây dựng cơ sở hạ tầng, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái…
Đặc biệt, Hà Nội cần có kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo sinh kế cho những người nông dân sau khi đã thu hồi đất nông nghiệp, đảm bảo môi trường sống cho toàn thành phố. Nghiên cứu của Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đề xuất quy định tỷ lệ diện tích là 50%, 70%, 100% cho loại hình đất nông nghiệp sạch và giao cho các hợp tác xã nông nghiệp khai thác sử dụng trồng rau sạch theo tiêu chuẩn Vietgap. Cơ quan chức năng cần điều chỉnh cục bộ mục đích sử dụng một cách linh hoạt trong việc quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên và kế hoạch sử dụng đất định kỳ, trên địa bàn các quận, huyện có khả năng đô thị hóa để hình thành các địa điểm sản xuất nông nghiệp sạch.
Cơ chế ưu đãi cần được áp dụng là ưu đãi đầu tư đối với các dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch cho các hợp tác xã nông nghiệp có người dân bị mất đất trong quá trình đô thị hóa. Mức cụ thể đề xuất là miễn hoặc giảm 70% hoặc 50% tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách nhà nước đối với dự án đầu tư đó; miễn hoặc giảm tiền thuê đất khi chuyển mục đích sử dụng đất từ quy hoạch đất cây xanh đô thị sang đất nông nghiệp sạch; không thu tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất từ quy hoạch đất cây xanh đô thị sang đất nông nghiệp sạch.
Các dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch cho các hợp tác xã nông nghiệp thực hiện trong các khu vực được quy hoạch là công viên cây xanh không phải lập quy hoạch mặt bằng. UBND các cấp chủ động xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hợp tác xã đối với các khu đất sản xuất nông nghiệp sạch, trên cơ sở quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt.
Hướng giải quyết tầm vĩ mô cho vấn đề đô thị hóa là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng trong phát triển đô thị, lấp nhiều lĩnh vực bị bỏ trống đồng thời xóa chồng chéo trong nhiều lĩnh vực được đầu tư. Đồng thời, cần có sự điều chỉnh quy mô và tiến hành đô thị hóa cả vùng bị đô thị hoá và các lãnh thổ chịu tác động. Theo KTS. Trần Lan Hương, như vậy sẽ chấm dứt tình trạng đô thị hóa “tự phát” với những hệ lụy của nó.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần chú trọng đến việc đào tạo nghề cho người dân để chuyển dịch cơ cấu lao động và các chính sách xã hội với tinh thần “không cào bằng”, tạo điều kiện để những người dân vùng đô thị hóa bắt kịp tốc độ phát triển của đô thị, dần trở thành các công dân đô thị đầy đủ chứ không phải “ở đô thị, sống kiểu xóm làng” như nhiều vùng ven đô hiện nay.
Với các nhà văn hóa, xã hội học, một vấn đề đáng quan tâm để đô thị hóa không phát sinh hệ lụy xã hội là cần “giữ gìn và phát huy được những giá trị văn hoá đặc sắc của mỗi vùng miền, mỗi địa phương (vật thể cũng như phi vật thể), trong đó đặc biệt chú ý đến các di tích lịch sử, các làng cổ, các giá trị văn hoá phi vật thể để có thể trở thành những điểm du lịch hấp dẫn, cũng là khoảng đệm tạo sự thông thoáng cho đô thị” để các vùng đô thị hóa được “đứng được bằng bản năng và bản sắc riêng của chính mình” – KTS. Trần Lan Hương nêu quan điểm.