Cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, thân sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Mộ liệt sĩ Võ Quang Nghiêm tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Lệ Thủy (Quảng Bình)
Mộ liệt sĩ Võ Quang Nghiêm tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Lệ Thủy (Quảng Bình)
(PLO) - Mộ liệt sĩ Võ Quang Nghiêm đang ở đâu? Đó là một câu hỏi lớn, từng thúc bách mọi người sau khi ông bị giặc thủ tiêu.  

Cố đại tá Thái Bá Nhiệm (1929 - 2015) nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình. Trước đó, lúc Quảng Bình chưa trở lại tỉnh cũ (1989), ông là chính ủy Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, sau đó là Phó bí thư thường trực tỉnh Bình Trị Thiên.

Người viết bài này đã nhiều lần đến thăm và khai thác tư liệu lịch sử tại nhà riêng của ông ở số 12 đường Hàn Mặc Tử, phường Đồng Mỹ, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình để viết bài. 

Một trong những tư liệu lịch sử quý giá chúng tôi khai thác được, kỷ niệm sâu sắc trong quãng đời hoạt động cách mạng của ông, là việc trực tiếp chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ và cả sự thân chinh gặp các nhân chứng lịch sử để giúp đại tướng Võ Nguyên Giáp – Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam làm tròn chữ hiếu, tìm được hài cốt của thân sinh mình, sau 28 năm bị giặc Pháp thủ tiêu.

Dũng khí kiên cường  

Sau ngày đất nước thống nhất, bà Võ Thị Lài, em ruột Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng đại diện Đảng ủy, Ủy ban xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã vào gặp Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Trị Thiên đề đạt nguyện vọng: Chính quyền tạo điều kiện để giúp gia đình tìm được hài cốt thân sinh, cụ Võ Quang Nghiêm, sau gần 28 năm mất tích. 

Thấy đây là một công việc khó khăn nhưng đầy ý nghĩa, lãnh đạo tỉnh Bình Trị Thiên lúc bấy giờ sau khi họp bàn, quyết định giao trọng trách này cho Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đảm trách.

Đại tá Thái Bá Nhiệm, người Lệ Thủy cùng quê với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng lãnh đạo Bộ chỉ huy Tỉnh đội Bình Trị Thiên vô cùng cảm động khi đọc báo cáo của Đảng ủy, UBND xã Lộc Thủy gửi vào, tường trình về quãng thời gian hoạt động cách mạng của cụ Võ Quang Nghiêm. 

Cố đại tá Thái Bá Nhiệm

Cố đại tá Thái Bá Nhiệm

Theo đó, mọi người biết rằng, cụ Võ Quang Nghiêm, thân sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Cố thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Võ Thuần Nho, quê làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, lúc sinh thời là một nhà Nho yêu nước. Cụ dạy chữ Hán và làm nghề bốc thuốc Bắc cứu chữa cho những người nghèo. 

Thời kỳ 1930 – 1931, nhà cụ là nơi nhóm họp và lui tới ca hát, học tập của nhóm học sinh tiến bộ ở làng An Xá như Võ Nguyên Giáp, Đào Viết Doãn, Võ Hoàng, Võ Chương Hiến, Hoàng Hựu, Võ Thuần Nho. Sau đó, phong trào ảnh hưởng đến một số thanh niên ở hai làng Thạch Bàn, Phú Thọ của huyện Lệ Thủy. Năm 1931, tổ chức Đảng ở An Xá, Thạch Bàn, Phú Thọ ra đời. Địa điểm liên lạc tại chùa An Xá.

Trong lúc hoạt động của tổ chức Đảng trên đà phát triển và ảnh hưởng lan rộng trong quần chúng thì bọn mật thám Pháp đánh hơi được nên ráo riết truy lùng. Chúng bắt giam một số đồng chí chủ chốt như Nguyễn Hữu Chuyên, Đào Viết Doãn. 

Cụ Võ Quang Nghiêm tuy lúc bấy giờ chưa đứng trong tổ chức Đảng nhưng đã hết lòng ủng hộ hoạt động của nhóm. Là người có tuổi, từng trải, cụ luôn theo dõi hoạt động của kẻ địch để bảo vệ cho các đồng chí hoạt động. 

Có lần các đồng chí đang in truyền đơn tại chùa An Xá, phát hiện có người lạ mặt đến, cụ Nghiêm đã làm tín hiệu để các đồng chí kịp thời cất giấu tài liệu và sơ tán.

Ảnh hưởng rất lớn từ những hoạt động của hai chiến sĩ cách mạng Võ Nguyên Giáp và Võ Thuần Nho nên tháng 5/1947, bọn lính Pháp từ Đồng Hới, Mỹ Trung (Quảng Ninh) kéo lên, từ Thương Phong (Lệ Thủy) tràn sang, đằng đằng  sát khí, bao vây làng An Xá. Chúng đốt nhà, cướp của, bắn giết nhiều người dân vô tội và bắt đi một số người, trong đó có cụ Võ Quang Nghiêm. 

Những người từng bị bắt với cụ, sau khi trở về, kể chuyện lại, tại nhà lao Đồng Hới, bọn mật thám đánh đập cụ rất dã man. Các câu hỏi của chúng chỉ là: “Hiện nay tên Giáp có liên lạc không? Đang ở đâu?”. 

Cụ Võ Quang Nghiêm nén mọi đau đớn, tức giận, trả lời với chúng: “Con tôi tự đi làm cách mạng. Hiện nó đang ở đâu, làm gì, các ông biết rõ hơn tôi. Tôi đâu có biết”.

Ba ngày sau, chúng chuyển cụ vào nhà lao Thừa Phủ ở thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên. Tại đây, cụ Võ Quang Nghiêm chịu nhiều ngón đòn tra tấn vô cùng dã man. 

Ông Phạm Trọng Lại, người ở Hương Phú, Hương Trà tỉnh Thừa Thiên (nay đã mất) lúc bấy giờ là người hoạt động bí mật. Một mặt ông giả làm Trưởng tề cho chính quyền thực dân, thực chất ông tích cực tham gia hoạt động cách mạng. Bị lộ, ông bị giặc bắt. 

Chúng giam chung ông với cụ Võ Quang Nghiêm. Sau này, thoát khỏi nhà tù, ông Phạm Trọng Lại đã thuật chuyện lại với mọi người sự việc mình chứng kiến. 

Hôm đó, sau khi tra tấn cụ, bọn mật thám đã hỏi: “Tại sao không biết dạy con để con lộng hành, hoạt động chống lại chính quyền quốc gia?”. Cụ Võ Quang Nghiêm trả lời: “Bây chừ tôi muốn dạy nó lắm, vậy nhờ các ông bắt giùm nó đưa về đây cho tôi”. Câu trả lời là một sự mỉa mai, thách thức lũ giặc. Chúng giận dữ trút phẫn nộ đòn roi xuống cụ. 

Cụ bị chúng trói cánh gà, dẫn đi trên nhiều tuyến đường của thành phố Huế để thị uy mọi người và tiếp tục lung lạc tinh thần cụ. Trước tinh thần bất khuất, kiên trung của cụ, chúng đã đưa cụ nhốt vào “Ca sô âm phủ”, nơi giam hãm tù chính trị nguy hiểm. 

Biệt giam này vừa chật chội, hôi hám, vừa tăm tối. Vì thế, chỉ thời gian ngắn, cụ bị ốm nặng, nhưng chẳng hề được săn sóc. Trước sự đấu tranh quyết liệt của những tù nhân, chúng buộc lòng chuyển cụ sang bệnh viện Huế để cứu chữa rồi cụ mất tích ở đây.

Đọc tường trình trên, Bộ Chỉ huy quân sự kết hợp với Ban chính sách chế độ của Sở Thương Binh Xã hội tỉnh Bình Trị Thiên đã tiến hành làm thủ tục, đề nghị Nhà nước suy tôn danh hiệu liệt sĩ chống Pháp và tặng bằng Tổ quốc ghi công cho cụ Võ Quang Nghiêm.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến viếng mộ thân sinh tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến viếng mộ thân sinh tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà

Cuộc tìm kiếm gian nan  

Mộ liệt sĩ Võ Quang Nghiêm đang ở đâu? Đó là một câu hỏi lớn, thúc bách mọi người lúc này.

Một chuyên ban điều tra được thành lập do Đại tá Thái Bá Nhiệm, chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Trị Thiên làm trưởng ban.

Sau thời gian tìm hiểu, ban điều tra đã tiếp cận được với cụ Đồng ở xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc; và cụ Thiều, cụ Xuân ở xã Trường Thủy, thành phố Huế. Họ là những người từng phụ trách công việc chôn cất tử thi trong Bệnh viện Huế trước đây. 

Những nhân chứng này cho biết: một ngày giữa trưa tháng 6/1949, cụ Võ Quang Nghiêm đã trút hơi thở cuối cùng. Giặc đã tống cụ vào nhà xác nằm chung với những người chết không có thân nhân. 

Biết cụ Võ Quang Nghiêm là thân sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nên những nhân chứng đã nghĩ cách ghi nhớ đặc biệt khi tiến hành công việc. Tất cả mong một ngày nào đó sẽ có dịp báo lại với gia đình người đã khuất. 

Những người trực tiếp khâm liệm cho biết: cụ Võ Quang Nghiêm có hàm răng đen (có thể khi còn sống, cụ đã nhuộm chăng?), tứ chi dài và to. Họ đã bí mật đặt cụ trong một quan tài gỗ, trong lúc nhiều tử thi không có thân nhân khác thì chỉ chôn bằng chiếu hoặc bằng vải xô. 

Địa điểm chôn cất cụ Võ Quang Nghiêm thuộc nghĩa địa xã Trường Thủy, thành phố Huế. Các nhân chứng còn cho biết, mộ cụ Võ Quang Nghiêm đặt chếch về phía núi Kim Phụng, phía ngoài cùng, trong một dãy gồm bốn mộ. Ba mộ kia không có quan tài, một huyệt đặt chung hai tử thi.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Trị Thiên tiến hành lập Hội đồng khai quật và xác minh hài cốt cụ Võ Quang Nghiêm. Hội đồng gồm các đồng chí Thái Bá Nhiệm, chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Trị Thiên, Phan Thanh Thảo – Bí thư Đảng ủy, Võ Đăng Quế - Chủ tịch UBND, Nguyễn Văn Đặng – Chủ nhiệm UBMTTQVN xã Thủy Trường, Trần Xuân Tế - Phó Ban chính sách và Võ Thanh Chu – Cán bộ Ban chính sách thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Trị Thiên, Nguyễn Vân Tanh – Cán bộ Phòng Chính sách Cục Chính trị Quân khu 4. 

Ngày 12/1/1977, theo hướng dẫn của ba cụ Đồng, Xuân, Triều, những người trước đây ở trong Ban từ thiện đã chôn cất cụ Võ Quang Nghiêm và các tử thi, bệnh nhân vô chủ, vệ binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Trị Thiên đã tiến hành làm nhiệm vụ cất bốc và cải táng cụm mộ.

Tập thể Hội đồng và những người có mặt vô cùng xúc động và vui mừng khi tìm thấy hài cốt cụ Võ Quang Nghiêm ở ngôi mộ số 1 đúng như đặc điểm lời những nhân chứng kể lại.

Chiều ngày 12/1/1977, từ thành phố Huế, Đại tá Thái Bá Nhiệm, Trưởng ban tìm kiếm cất bốc mộ liệt sĩ Võ Quang Nghiêm, điện về Hà Nội báo tin cho Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Từ đầu dây nói bên kia, tiếng Đại tướng vui mừng, xúc động nghẹn ngào: “Cảm ơn nhân dân Huế, cảm ơn các đồng chí đã tìm được cha tôi...”.

Một chuyến xe đò kết hoa, cắm cờ đưa ngay hài cốt cụ Võ Quang Nghiêm từ Huế về Lệ Thủy, Quảng Bình ngay chiều hôm đó. Thế là sau 28 năm, kể từ ngày bị giặc bắt, cụ Võ Quang Nghiêm lại về nằm nghỉ ở ngôi nhà cũ của mình trong sự viếng thăm nồng hậu của bà con, làng xóm và chính quyền các cấp. 

Ba ngày sau, hài cốt của cụ được đưa xuống một chiếc đò, có đủ cờ hoa, theo con sông Kiến Giang thân thương chảy qua nhiều làng quê để về mai táng tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Lệ Thủy, đặt tại xã Mai Thủy, sát nhánh Đông đại lộ Hồ Chí Minh.

Vì quá bận việc nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó chưa vào được để dự buổi lễ long trọng này. Ông đã cử con trai cả thay mặt mình, cùng những người trong gia đình vào Quảng Bình chịu tang theo mọi thủ tục của địa phương.

Sau đó, cứ mỗi lần vào Quảng Bình công tác, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam lại về viếng nghĩa trang liệt sĩ huyện Lệ Thủy và mộ thân sinh, cụ Võ Quang Nghiêm trong nỗi xúc động khôn tả. Và tại đây, gia đình, nhân dân Lệ Thủy vẫn thường xuyên đến thắp nhang, tỏ lòng tôn kính, biết ơn người đã sinh thành ra một tướng tài của Việt Nam, góp phần quan trọng cho nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tự do và phồn thịnh./.

Đọc thêm

Công tác xây dựng Đảng tại Bộ Ngoại giao đạt nhiều kết quả quan trọng

Đoàn kiểm tra 1477 của Ban Bí thư làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao. (Ảnh: TTXVN)
(PLVN) - Đoàn kiểm tra số 1477 của Ban Bí thư do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng làm Trưởng đoàn vừa làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tổ chức thực hiện Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương liên quan đến xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Chuyển đổi số trong Quân đội gắn với an toàn thông tin

Hội nghị triển khai nhiệm vụ về CĐS và thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) trong Bộ Quốc phòng năm 2024. (Ảnh: mod.gov.vn)
(PLVN) - Chuyển đổi số trong Quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ là một xu thế tất yếu trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 mà còn là nhiệm vụ chiến lược, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Quân đội đã và đang triển khai đồng bộ các chính sách, giải pháp nhằm xây dựng lực lượng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, đáp ứng yêu cầu quốc phòng trong kỷ nguyên số.

Hành trình bảo vệ chủ quyền không gian mạng trước thách thức thời đại

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Đại tá Vũ Hữu Hanh - PBTĐU, Tư lệnh Bộ Tư lệnh 86 trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba trao tặng Trung tâm 586. (Ảnh trong bài: Trung tâm 586)
(PLVN) - Không gian mạng là vùng “lãnh thổ đặc biệt” của quốc gia. Đấu tranh và bảo vệ chủ quyền không gian mạng là nhiệm vụ quan trọng thiết yếu, lâu dài của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Đảng ta nhận định rõ: Nguy cơ xảy ra chiến tranh mạng, mất an ninh thông tin ngày càng tăng và đặt ra mục tiêu phải chủ động phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả chiến tranh mạng.

80 năm vẻ vang Quân đội nhân dân Việt Nam

Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 được nhân dân thế giới ngợi ca là “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. (Ảnh tư liệu: dangcongsan.vn)
(PLVN) - Ngày 22/12/1944, Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam chính thức ra đời, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc. Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, QĐND Việt Nam không chỉ ghi dấu ấn trong những chiến công vang dội, mà còn tiếp tục là lực lượng tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ thiêng liêng!

Tổng Bí thư Tô Lâm trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 12/12/2024. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
(PLVN) - Thời gian qua, tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo. Tình hình càng phức tạp, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng càng nặng nề, khó khăn càng nhiều hơn. Trong bối cảnh đó, Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam đã và đang hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào những thành tựu toàn diện của đất nước.

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
Sáng 20/12, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng, trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương, dự và đọc Diễn văn tại Lễ kỷ niệm.

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 80 năm Ngày QĐND Việt Nam

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 80 năm Ngày QĐND Việt Nam
Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944- 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989- 22/12/2024), sáng 20/12/2024, tại Hà Nội, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Quân ủy Trung ương – Quốc Bộ Quốc phòng đến đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.