Tội phạm ma túy là tội phạm quốc tế, Việt Nam rất gần “tam giác vàng”, nơi sản xuất, buôn bán ma túy. Theo thống kê gần đây, 70% lượng ma túy vào nước ta từ Tây Bắc, chủ yếu là Điện Biên, Hòa Bình, Sơn La.
Không còn là “dấu hiệu” nữa mà thực sự Việt Nam đã trở thành địa bàn trung chuyển của những đường dây vận chuyển ma tuý xuyên quốc gia. Từ “tam giác vàng” đi bằng đường bộ vào Việt Nam, từ Việt Nam đi đường biển ra các nước.
Điều rất mừng là, ngành Công an và các lực lượng chức năng khác như Biên phòng, Hải quan đã dự báo được việc chuyển hướng của tội phạm ma tuý nên thời gian qua đã “tóm” được nhiều vụ lớn như vậy.
Tuy nhiên, nguy cơ Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển vẫn nguyên đó. Ma tuý đổ vào Việt Nam vẫn rất lớn, thể hiện ở việc giá ma tuý trong nước vẫn... chưa tăng cao. Theo quy luật “cung – cầu”, nếu ngăn chặn hiệu quả, “cung gảm” thì giá ma tuý trong nước phải tăng rất cao mới đúng. Điều đó cho thấy, cần phân tích, nhận định tình hình đúng và có phương án tiếp tục đấu tranh hiệu quả là rất cần thiết lúc này.
Không chỉ “đánh án”, bóc gỡ các đường dây lớn, để góp phần đấu tranh chống tội phạm ma túy, luật pháp nước ta đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần. 8/13 tội danh có quy định hình phạt cao nhất tới chung thân, tử hình. Nghiêm khắc như vậy nhưng vì lợi nhuận “siêu khủng”, tội phạm bất chấp.
Cuộc đấu tranh này còn khó khăn, gian nan ở chỗ, cai nghiện, quản lý người nghiện. Hiện số có hàng trăm ngàn người nghiện tại Việt Nam. Cả nước có hệ thống cơ sở cai nghiện. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là hầu hết các cơ sở đều quá tải. Hiệu quả cai nghiện hiện thấp, tới 90% tái nghiện là con số thực tế, càng “đau đầu” hơn khi số tái nghiện đa phần là thanh niên.
Số lượng người nghiện ma tuý tăng lên nhanh chóng, nhưng cai nghiện hiệu quả thấp là điều đáng lo… Luật pháp hiện hành xác định sử dụng ma túy là tệ nạn xã hội, chỉ xử lý hành chính khó mang lại tác dụng. Vấn đề không phải là “đẩy” từ “tệ nạn” lên “hình sự” để xử lý mà đây thực sự là vấn đề lớn, phải tiếp tục suy nghĩ, “luật hóa”. Trong khi chưa kiểm soát được buôn bán, vận chuyển thì không có gì đảm bảo kiểm soát được sử dụng, nếu còn “khoảng trống” luật pháp.
Đấu tranh chống tội phạm ma túy không còn là quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước mà còn là cam kết quốc tế của Việt Nam. Dù nhìn ở góc độ nào cũng cho thấy, cuộc đấu tranh này phải kiên trì, đồng bộ trên các mặt. Suy cho cùng, đấu tranh chống tội phạm ma túy là cuộc đấu tranh vì văn hóa.