Cuộc chiến chống ung thư của “lâm tặc” từng sa chân tù tội

Sau khi ra tù, anh Trân chăm lo làm ăn, đến nay mỗi năm thu nhập gần 200 triệu đồng
Sau khi ra tù, anh Trân chăm lo làm ăn, đến nay mỗi năm thu nhập gần 200 triệu đồng
(PLO) -Sau khi ra tù, trở về cuộc sống đời thường, anh Lê Ngọc Trân (SN 1975, trú khu phố Phú Thứ, thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa, Bình Định) đã chí thú làm ăn thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Trên hành trình ấy, anh còn kiên cường đối mặt với căn bệnh ung thư quái ác và tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở địa phương.

Sa chân vào tội lỗi

Anh Lê Ngọc Trân là anh cả trong một gia đình nông dân nghèo có 7 người con. Gia cảnh khó khăn nên anh phải sớm nghỉ học, bươn chải đủ nghề để giúp đỡ cha mẹ và lo cho các em ăn học. Cuộc sống cứ thế trôi qua từng ngày, cho đến năm 1999 cha của anh bất ngờ bị tai biến mạch máu não. 

Để có tiền chạy chữa, bao nhiêu vật dụng lớn nhỏ trong nhà đều lần lượt “đội nón” ra đi. Thế nhưng, dù cố gắng đến đâu, anh và mọi người cũng chẳng thể giữ được ông ở lại. Từ khi cha mất, anh như trở thành một con người khác, dữ dằn và bất cần hơn.

Năm 2000, phong trào khai thác gỗ trái phép tại các cánh rừng Hòa Thịnh, Hòa Mỹ ở huyện Tây Hòa trở nên rầm rộ. “Khi ấy, tôi đi làm thuê làm mướn suốt ngày cũng chỉ đủ ăn. Đúng lúc quẫn trí, thấy người khác sáng tay không vào rừng, chiều cầm tiền đi ra, vậy là ham. Không chút đắn đo, tôi liền theo chân mấy ông anh đi làm lâm tặc”, anh Trân trầm ngâm nhớ lại. 

Đến tháng 4/2000, trong một chuyến làm lâm tặc, anh Trân bị các lực lượng chức năng xã Hòa Thịnh bắt quả tang. Do nghe theo lời kích động của các đối tượng xấu nên nhóm của Trân đã chửi bới, lăng mạ và tấn công làm bị thương một công an viên.

Với hành vi gây rối trật tự công cộng, Lê Ngọc Trân bị TAND huyện Tây Hòa kết án 2 năm 6 tháng tù. Đó cũng là thời điểm vợ anh vừa mới hạ sinh con gái đầu lòng.

Lỡ sa chân vào con đường tội lỗi, một mình nằm trong chốn tù ngục nhìn cuộc sống qua song sắt lạnh lẽo, nghĩ về người vợ hiền và con thơ đang ngóng chờ ở nhà, trong lòng anh Trân lại dấy lên những xót xa, ân hận. Từ đó, anh quyết tâm thay đổi để làm lại cuộc đời. Nhờ cải tạo tốt, anh được đặc xá, tha tù trước thời hạn 9 tháng.

“Lúc đầu tôi nghĩ muốn hòa nhập cộng đồng, chỉ cần có lòng tin và ý chí, quyết tâm cao là đủ. Nhưng khi đối mặt với thực tế lại khó vô cùng. Gần hai năm xa rời cuộc sống đời thường, nhiều đổi thay khiến tôi hết sức bỡ ngỡ. Nhưng điều mà tôi khổ nhất chính là thái độ xa lánh, kỳ thị của những người xung quanh. Tôi đi xin việc khắp nơi nhưng vô ích bởi chẳng ai dám thuê một thằng vừa đi tù về. Vậy là phải nằm nhà suốt gần một năm trời”, anh Trân bộc bạch.

Anh Lê Ngọc Trân từng sa chân vào con đường tội lỗi
Anh Lê Ngọc Trân từng sa chân vào con đường tội lỗi

Đường hoàn lương 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2004, anh Trân vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh huyện Tây Hòa để đầu tư nuôi 150 con gà, vịt. Mỗi ngày, nhìn đàn gà, vịt ăn khỏe, chóng lớn, trong lòng vợ chồng anh không khỏi mừng thầm. Vậy mà, chỉ cách hai hôm trước ngày xuất chuồng, một trận đại dịch ập tới khiến đàn gà, vịt chết sạch, gia đình coi như trắng tay. 

Không nhụt chí, anh Trân tiếp tục vay thêm 30 triệu đồng để tái đàn. Thế rồi trời không phụ lòng người chịu khó, năm đó, vợ chồng anh chăn nuôi thành công, đủ tiền trả nợ ngân hàng. Cũng từ đó, anh mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi đạt hiệu quả cao.

Giờ thì anh đã có cơ ngơi khá khang trang với một ngôi nhà cấp 4 rộng rãi và cơ sở chăn nuôi với hơn 1.400 con vịt đẻ, 200 con vịt xiêm, 5 con bò lai, 30 con heo thịt  đem lại tổng thu nhập gần 200 triệu đồng mỗi năm.

Cuối năm 2012, khi đang cho vịt ăn, anh Trân bỗng cảm thấy đầu óc choáng váng, toàn thân đang nóng chuyển sang lạnh toát. Nghi có điều bất ổn về sức khỏe, anh vội vàng đi khám bệnh. Nghe bác sĩ thông báo về căn bệnh ung thư bướu, trời đất quanh anh như sụp đổ.

Lúc ấy, anh cứ nghĩ cuộc đời mình vậy là chấm hết, chỉ muốn buông xuôi tất cả. Thế nhưng khi về nhà, vừa nhìn thấy nét mặt lo lắng của vợ và 2 cô con gái, anh liền thay đổi ý định. 

Anh Trân tâm sự: “Khi đó, khối u trong người tôi lớn đến mức nhiều bệnh viện đều từ chối mổ bởi cơ hội sống sót chưa đến 40%. Sau một thời gian dài nài nỉ, các y, bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh quyết định phẫu thuật với điều kiện tôi phải viết cam kết tự nguyện, không được khiếu kiện về sau. Tôi gật đầu không một chút đắn đo bởi đời mình đã một lần lầm lỡ và còn quá nhiều dự tính còn dở dang nên không thể chết vào lúc này được”. 

Ngay sau đó, ca phẫu thuật kéo dài 12 giờ đồng hồ đã thành công. Và quãng thời gian điều trị ung thư sau đó có lẽ là những tháng ngày khốn khổ nhất cuộc đời anh Trân. Tiền thì hạn hẹp, vợ con, anh em đều bận bịu nên hàng tuần chỉ mình anh bắt xe vào TP.Hồ Chí Minh để xạ trị. 

Anh Trân nhớ lại: “Lúc ấy, toàn thân tôi teo tóp, từ 79kg xuống còn chưa đầy 60kg. Người như xác không hồn, không ăn được gì. Nạp một chút cơm, cháo vào cũng nôn ói. Thế rồi nhờ lịch trình sinh hoạt khoa học và chăm chỉ luyện tập thể thao nên căn bệnh quái ác ấy đã phần nào được đẩy lùi. Lần cuối đi chụp xét nghiệm, trong người không còn tế bào ung thư, tôi vui mừng khôn xiết vì khát khao sống đã trở thành hiện thực”.

Ngôi nhà cấp 4 khang trang của vợ chồng anh Trân

 Ngôi nhà cấp 4 khang trang của vợ chồng anh Trân

Bảo vệ an ninh địa phương

Cuộc sống gia đình và sức khỏe ổn định, anh Trân năng nổ nhiệt tình tham gia làm thành viên Tổ bảo vệ dân phố khu phố Phú Thứ. Từ tháng 5/2013 đến nay, anh Trân đã trực tiếp tham gia hơn 7 vụ vây bắt các đối tượng trộm, cướp, góp phần bảo vệ sự bình yên trên địa bàn. 

Kỷ niệm mà anh Trân nhớ mãi chính là lần đầu tiên cùng bà con trong khu phố vây bắt các đối tượng trộm, cướp: “Lần bắt cướp làm tôi nhớ mãi là vào một ngày trung tuần tháng 5/2013. Lúc đó vào khoảng 1 giờ đêm, khi đi kiểm tra quanh trại vịt, tôi thấy 3 đối tượng lẻn vào nhà sau của ông Sáu Quân để trộm máy bơm nước. Thấy vậy, tôi liền điện cho một số người dân xung quanh để tổ chức vây bắt”. 

“Gần một giờ sau, khi các đối tượng trên cầm một bao tải đi ra, tôi liền hô hoán cho mọi người cùng biết. Thấy vậy bọn chúng vùng chạy, tôi liền rượt theo, nhanh chóng quật ngã và khống chế được 1 tên. Một đối tượng khác cũng bị người dân nhanh tay tóm gọn. Riêng đối tượng còn lại lợi dụng đêm tối nhanh chân tẩu thoát, nhưng sau đó cũng bị cơ quan chức năng bắt giữ”, anh Trân kể. 

Mới đây, anh Lê Ngọc Trân là một trong những cá nhân, tập thể tham dự Hội nghị biểu dương mô hình, cá nhân điển hình thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù tổ chức tại thủ đô Hà Nội và được Bộ Công an tặng bằng khen. 

Anh Trân cho biết: “Trong cuộc đời, cánh cửa này đóng lại ắt sẽ có cánh cửa khác mở ra. Không ai trưởng thành mà không một lần vấp ngã. Điều quan trọng là phải dũng cảm nhìn thẳng vào lỗi lầm quá khứ để làm cho hiện tại và tương lai tốt đẹp hơn. Và trên hành trình trở về nẻo thiện, tôi đã cố gắng rũ bỏ quá khứ tội lỗi, vượt qua những mặc cảm tự ti, vượt lên chính mình để làm lại cuộc đời”.

Trung tá Nguyễn Mười, Trưởng Công an thị trấn Phú Thứ, cho biết: “Từ một người lầm lỗi, anh Lê Ngọc Trân đã sớm biết hối cải, vươn lên trong cuộc sống, nhanh chóng hòa nhập cộng đồng. Với bản tính hiền lành, chất phác, anh chăm chỉ làm ăn, đem lại cho gia đình kinh tế vững vàng.

Ngoài ra, bản thân anh còn năng nổ, tích cực tham gia rất hiệu quả công tác giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương. Đây là một tấm gương điển hình cần phát huy và nhân rộng”. 

Đọc thêm

Cẩn trọng với "thầy thuốc" online

Người dân nên tiếp cận thông tin trên mạng xã hội từ các nguồn uy tín. (Ảnh: PV)
(PLVN) -  Việc tiếp nhận thông tin chưa được kiểm chứng, không bảo đảm độ chính xác tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt trong lĩnh vực y tế và sức khỏe có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người.

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới
(PLVN) - Trong khi hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ đứng thứ hai gây tử vong và bệnh tật, song Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Trước thực trạng này, các chuyên gia đã trao đổi về những thách thức còn tồn tại để tìm ra các giải pháp thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Hà Nội: Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

Đoàn kiểm tra liên ngành công tác ATTP kiểm tra tại một cơ sở. (Ảnh: Bích Hằng)
(PLVN) - Ông Đặng Thanh Phong - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho biết, Thành phố hiện có hơn 72.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm, trong đó ngành Y tế quản lý khoảng 39.000 cơ sở. Cơ quan chức năng đã tăng cường thanh, kiểm tra và giám sát ATVSTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể.

Dịch sốt xuất huyết lan rộng

Dịch sốt xuất huyết lan rộng
(PLVN) - Trước đây, sốt xuất huyết chủ yếu tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung, tuy nhiên hiện nay, dịch lan rộng ra Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên. Đặc biệt, các địa phương miền Bắc như TP Hà Nội và một số tỉnh miền núi cũng đã ghi nhận dịch sốt xuất huyết lưu hành.

Nhập viện cấp cứu, điều trị tâm thần do hút thuốc

Bệnh nhân nhập viện do bị tràn khí màng phổi. Ảnh: Thanh Thanh
(PLVN) - Ông N.B.T (sinh năm 1969, ở Đông Anh, Hà Nội) mới được chuyển đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng khó thở, đau chói vùng ngực phải, khi hít vào càng đau quặn hơn không chịu được.

Mối nguy 'bánh mì bẩn'

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) -  Sự việc hơn 300 người nghi ngộ độc thực phẩm, 1 người không qua khỏi sau khi ăn bánh mì mua từ một tiệm tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khiến chúng ta buộc phải nhìn thẳng vào một sự thật. Đó là món ăn đường phố nói chung và bánh mì thịt nói riêng, nét “ẩm thực độc đáo” của Việt Nam; nếu không được chế biến, bảo quản kỹ lưỡng, không được quản lý chặt chẽ đầu vào, người bán không có tâm; thì đã, đang và sẽ là một mối nguy cho xã hội.