Ngày 13/6/2015, bà Hillary Clinton có buổi vận động tranh cử đầu tiên ở thành phố New York. Trước cặp mắt háo hức của hàng nghìn người, bà mặc bộ vest màu xanh hoàng gia của Ralph Lauren, với chiếc áo lót đồng màu bên trong.
Sự phối hợp màu sắc và phụ kiện trong trang phục này an toàn đến mức khó có thể tạo ra lỗi thời trang nào. Tuy vậy, nó khiến cho bà trở thành đối tượng bị châm biếm trên các trang mạng xã hội suốt thời gian dài.
Ấm áp nhờ kiểu tóc, tông trang điểm...
Kể từ đó, bà Clinton đã nhận ra tác động to lớn từ phong cách thời trang và hình ảnh bản thân đối với kết quả tranh cử. Và bà thuê hẳn một đội ngũ chuyên gia xây dựng hình ảnh để thực hiện điều này.
Một trong những cái tên đáng lưu ý nhất trong hàng ngũ trên là nhà thiết kế Kemal Harris đến từ nhà mốt House of Cards. Chính ông là người đã thiết kế nên các bộ vest chỉn chu, mềm mại giúp bà Hillary trở nên nổi bật giữa các chính trị gia khác.
Và cái giá của sự đầu tư này là không hề rẻ. Bên cạnh việc mặc những bộ đồ vest từ thương hiệu thời trang nổi tiếng là Ralph Lauren, bà Clinton còn là khách hàng trung thành của nhà thiết kế Nina McLemore, với giá thành trung bình cho mỗi bộ trang phục dao động từ 900-1.500 USD.
Kristine Schake, người từng là phụ tá thân cận của đệ nhất phu nhân Michelle Obama cũng tham gia đội ngũ này, với nhiệm vụ quảng bá hình ảnh nữ tính và mềm mại hơn cho bà Clinton.
Schake đã đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích cho bà Clinton trong việc sử dụng phong cách thời trang và ngôn ngữ cơ thể cùng nhiều chiến thuật PR khác để định hình con người công chúng của bà, mà một trong số đó chính là thủ thuật “cười bằng mắt”, khiến cho vẻ ngoài của bà có vẻ ấm áp và đáng tin cậy hơn.
Một yếu tố rất quan trọng khác nữa góp phần tạo nên hình ảnh bản thân cho bà Clinton chính là kiểu tóc và cách trang điểm, mà bà tin tưởng giao phó cho Barbara Lacy và Isabelle Goetz.
Với sự tư vấn của các chuyên gia này, bà Clinton hiện tại được đặc trưng bởi mái tóc ngắn, dầy dặn và bồng bềnh mà nhà thiết kế quá cố Oscar de la Renta từng gợi ý, cùng với lối trang điểm tông hồng – trắng nhẹ nhàng. Liệu pháp chăm sóc tóc bằng bơ và phương pháp nhuộm sáng cũng góp phần đáng kể trong việc “làm mềm” hình ảnh của bà mỗi khi xuất hiện.
Trang phục hoạ tiết, nhiều màu sắc giúp hình ảnh bà Hillary Clinton trở nên mềm mại, nữ tính hơn trước mắt công chúng |
Thời trang phục vụ chính trị
Việc dùng thời trang để tạo nên tiếng nói trong giới chính trị, cũng như xây dựng hình ảnh đặc trưng chính là một dấu hiệu cho thấy bước chuyển mới trong chiến lược tranh cử của bà Clinton.
Đầu năm 2011, khi còn giữ chức Ngoại trưởng Mỹ, bà Clinton từng thể hiện niềm yêu thích kỳ lạ với túi xách màu hồng. Hiệu ứng tích cực từ tuyên bố này khiến cho đội ngũ tạo dựng hình ảnh của bà Clinton ngay sau đó đã khuyến khích bà thể hiện nhiều hơn bản năng phụ nữ, như niềm yêu thích túi xách, tông màu sáng, hay các bộ suit đồng màu để tạo nên những bản sắc quyền lực đặc trưng cho chính bản thân bà.
Ngay khi bắt đầu chiến dịch tranh cử từ tháng 6/2015, bà Clinton cũng đăng tải hình ảnh các bộ vest đỏ, trắng, đen trên Instagram kèm theo chú thích: “Sự lựa chọn khó khăn” (“hard choices”). Từ khoá này ngay sau đó đã trở thành một trào lưu trên các trang mạng xã hội, và giúp nhiều người quan tâm thời trang chú ý tới bà Clinton hơn các ứng viên khác.
Bức ảnh "Hard choices" của bà Clinton gây bão mạng xã hội |
Tháng 2, bà tiếp tục tạo nên dấu ấn trong chiến dịch tranh cử bằng bằng bộ sưu tập “Made for History”, một dự án thời trang với sự tham gia của các nhà thiết kế hàng đầu nước Mỹ.
Ba thiết kế trong bộ sưu tập đầu tiên gồm những chiếc áo thun in ảnh chân dung bà Clinton được tạo nên bởi Marc Jacobs, Tory Burch cùng hai nhà thiết kế Maxwell Osborne và Dao-Yi Chow của thương hiệu Public School.
Chiếc áo này sau đó được tổng biên tập tạp chí thời trang hàng đầu thế giới Vogue là Anna Wintour, người mẫu Kendall Jenner và chính nhà thiết kế Marc Jacobs diện. Cả ba đều thể hiện sự hậu thuẫn mạnh mẽ đối với bà Clinton, với mong muốn nước Mỹ có được nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử.
Ảnh hưởng phong cách Michele Obama
Việc Vogue thể hiện sự hậu thuẫn dành cho bà Clinton là điều không có gì ngạc nhiên nếu tính đến sức ảnh hưởng lớn lao từ phu nhân tổng thống Michele Obama lên doanh số bán lẻ quần áo.
Được mệnh danh là biểu tượng thời trang mới của nước Mỹ, bà Michelle rất biết cách biến Nhà Trắng thành một thánh đường thời trang mới, nơi bà phô diễn rất nhiều bộ cánh khiến công chúng không khỏi trầm trồ khi chứng kiến, và đổ xô nhau đi mua để có được vẻ đẹp như vị đệ nhất phu nhân Mỹ.
Có thể thấy, trong thời đại mới, các chính trị gia không chỉ cần có dày dạn kinh nghiệm trên chính trường, mà còn phải biết cách tiếp cận các phương tiện truyền thông xã hội và các bước phát triển mới trong công nghệ cũng như thời trang.
Cựu ngoại trưởng Clinton và chính khách Bernie Sanders đang cùng đứng trên cán cân quyền lực của cuộc đua vào Nhà trắng, và rõ ràng, vị phu nhân nhà Clinton đã thắng một bước trong cuộc chơi thời trang.