COVID-19 tới 6 giờ ngày 20/1: Nhiều nước ghi nhận số ca mắc mới cao chưa từng thấy

0:00 / 0:00
0:00
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 3.108.367 trường hợp mắc COVID-19 và 7.582 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 338 triệu ca, trong đó trên 5,57 triệu người không qua khỏi.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại La Habana, Cuba, ngày 17/1/2022. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6h ngày 20/1 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 338.369.256 ca, trong đó có 5.579.889 người tử vong.

Tiến trình mở cửa trở lại tại nhiều nước đang đối mặt với thách thức mới, đi kèm nguy cơ dịch leo thang nghiêm trọng với sự xuất hiện và lây lan nhanh của biến thể Omicron. Biến thể mới đang khiến đồ thị dịch COVID-19 đảo chiều, số ca mắc mới và tử vong tăng trở lại ở nhiều nơi.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong tiếp tục gây lo ngại và bất thường, những vùng dịch “nóng nhất” nằm ở châu Âu khi dịch bệnh tái bùng phát, số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước thuộc châu lục này. Đây chính là tâm dịch hiện nay của thế giới. Hiện nay, biến thể Omicron đang là biến thể chiếm đa số ca mắc tại các điểm dịch nóng của thế giới.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 18/1/2022. Ảnh: Kyodo/ TTXVN

Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 500.000 ca), Pháp cũng lần đầu tiên kể từ đầu dịch tới nay chứng kiến trên 400.000 ca/ngày, trong khi Mỹ cũng là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 1.000 ca.

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 272.000.000 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 59 triệu ca và trên 96.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 19/1, thế giới có 106 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 84 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.

Trong bối cảnh có nhiều quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao chưa từng có, nhiều nước đã quyết định hủy sự kiện hoặc giới hạn hoạt động tụ tập đông người sẽ tạo cơ hội cho biến thể Omicron lây lan.

Với tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tiếp tục tăng, nhiều nước trên thế giới đang lần lượt điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, chuyển từ “zero COVID-19” sang “sống chung với COVID-19. Tuy nhiên, việc xuất hiện biến thể mới Omicron đang làm chậm quá trình “bình thường mới” ở một số nước và khiến thế giới đối mặt với nguy cơ một “trận sóng thần” COVID-19 mới.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Osaka, Nhật Bản, ngày 18/1/2022. Ảnh: Kyodo/ TTXVN

Ngày 19/1, Nhật Bản ghi nhận 41.485 ca mắc mới COVID-19, cao nhất từ trước đến nay. Đây cũng là ngày thứ 2 liên tiếp số ca mắc mới tại nước này lên một mốc cao mới.

Thủ đô Tokyo ghi nhận 7.377 ca mắc, vượt xa mức đỉnh điểm 5.908 ca từng ghi nhận hồi tháng 8/2021. So với ngày 12/1, số ca mới tại thủ đô Tokyo ngày 19/1 tăng thêm 5.179 ca, tức tăng hơn 3 lần sau một tuần.

Trung bình số ca mắc mới trong giai đoạn 7 ngày gần nhất là 4.598,4 ca/ngày, cao gấp 4 lần so với tuần trước đó. Hơn 40% số ca mắc mới tại Tokyo trong ngày 19/1 vừa hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine phòng bệnh.

Trước đó cùng ngày, Nhật Bản đã tuyên bố tình trạng phòng dịch trọng điểm tại Tokyo và 12 tỉnh khác, theo đó các nhà hàng phải đóng cửa sớm hơn và dừng hoặc hạn chế bán đồ uống có cồn.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Brussels, Bỉ. Ảnh: AFP/TTXVN

Ấn Độ ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trong 8 tháng qua, với 282.970 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 37,9 triệu ca, cao thứ hai sau Mỹ. Số ca tử vong trong ngày cũng lên tới 441 ca, mức cao nhất trong ngày kể từ đầu năm 2022 đến nay.

Dù tỷ lệ lây nhiễm đã giảm thời gian gần đây ở những thành thị lớn, song các chuyên gia nhận định đỉnh dịch có thể đạt vào giữa tháng sau và tác động của đợt lây nhiễm này sẽ chỉ được xác định rõ trong 2 đến 3 tuần sau đó.

Khoảng 70% trong số 939 triệu dân số trưởng thành ở Ấn Độ đã hoàn thành chương trình tiêm chủng cơ bản và chiến dịch tiêm mũi tăng cường cho nhân viên y tế và nhóm nguy cơ cao đang được triển khai. Tuy nhiên, vẫn còn hàng triệu người ở Ấn Độ đang chờ được tiêm mũi đầu tiên.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Berlin, Đức, ngày 12/1/2022. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại châu Âu, Pháp ghi nhận số ca mắc mới theo ngày ở mức cao nhất từ trước đến nay, với 464.000 ca, trong bối cảnh biến thể Omicron đang lan rộng tại quốc gia châu Âu này. Tính trung bình trong tuần qua Pháp có hơn 300.000 ca mắc mới mỗi ngày.

Đức cũng đã ghi nhận 112.323 ca mắc mới và 239 ca tử vong, đánh dấu lần đầu tiên kể từ đầu dịch, Đức ghi nhận trên 100.000 ca mới trong một ngày. Hiện Đức đã siết chặt hơn nữa các biện pháp nhằm cắt đứt chuỗi lây lan của dịch bệnh, trong đó có việc giới hạn hoạt động của các quán bar và nhà hàng, chỉ có phép những người đã tiêm chủng đầy đủ hoặc đã khỏi bệnh được tới những địa điểm này.

Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Karl Lauterbach cảnh báo làn sóng lây nhiễm với biến thể mới Omicron ở nước này sẽ đạt đỉnh trong vài tuần tới, đồng thời kêu gọi nhanh chóng áp đặt quy định tiêm chủng bắt buộc để đẩy lùi làn sóng dịch tiếp theo.

Một địa điểm xét nghiệm COVID-19 ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 18/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Brussels, Hội nghị liên vùng Y tế của Bỉ (CIM) ngày 19/1 đã “bật đèn xanh” cho kế hoạch sử dụng vaccine ngừa COVID-19 Nuvaxovid do công ty Novavax của Mỹ phát triển.

Trên cơ sở ý kiến của Lực lượng đặc nhiệm tiêm chủng, Bộ trưởng Y tế của các thực thể khác nhau của Bỉ đã quyết định dành ưu tiên vaccine Nuvaxovid cho những người có nguy cơ cao bị phản ứng dị ứng với các loại vaccine hiện có, hoặc đã chịu nhiều tác dụng phụ sau khi tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên.

Theo thống kê, hiện chỉ có khoảng 3.000 người Bỉ bị các tác dụng phụ của vaccine ngừa COVID-19 nên giới chức y tế nước này sẽ phân phối Nuvaxovid cho các nhóm dân cư khác, thí dụ như những người mắc chứng sợ vaccine, trên cơ sở người nào đến trước sẽ được phục vụ trước.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Thiên Tân, Trung Quốc, ngày 15/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Mỹ, Mexico và Brazil đều ghi nhận số ca mắc mới và tử vong cao nhất. Mexico ghi nhận số ca mắc mới theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, với 49.343 trường hợp. Ngoài ra, Mexico cũng có thêm 320 trường hợp tử vong do COVID-19 - mức tử vong theo ngày cao nhất kể từ cuối tháng 11/2021. Mexico đã có tổng cộng 4.434.758 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 301.789 ca tử vong.

Brazil ghi nhận 137.103 ca mắc mới và 351 ca tử vong - mức thống kê theo ngày cao nhất kể từ giữa tháng 11/2021, trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan mạnh. Tính đến thời điểm này, Brazil đã ghi nhận 23.211.894 trường hợp mắc bệnh, với 621.517 ca tử vong. Số ca lây nhiễm tăng đột biến tại Brazil kể từ đầu năm nay do sự xuất hiện của biến thể Omicron cũng như các lễ hội nhân dịp Giáng sinh và Năm mới. Hiện gần 70% dân số Brazil đã được tiêm chủng đầy đủ. Các chiến dịch tiêm phòng COVID-19 cho trẻ em dưới 5 tuổi cũng sẽ được triển khai trong tuần này.

Tại Mỹ, gần 9,5 triệu trẻ em đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 kể từ khi đại dịch bùng phát, đặc biệt "tăng đột biến" trên cả nước thời gian gần đây. Theo Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP), gần 1 triệu trường hợp trẻ em mắc COVID-19 được báo cáo trong tuần kết thúc vào ngày 13/1 vừa qua, tăng 69% so với 580.000 ca ghi nhận tuần trước đó và tăng gấp 3 lần con số của hai tuần trước.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại La Habana, Cuba, ngày 17/1/2022. Ảnh: THX/ TTXVN

Ngày 18/1, các chuyên gia dịch tễ hàng đầu Cuba dẫn các dự báo gần đây cho biết đảo quốc Caribe này đang trải qua cao điểm lây nhiễm từ đợt bùng phát đại dịch COVID-19 hiện tại và số ca bệnh sẽ nhanh chóng giảm.

Trong cuộc họp cùng ngày với Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel, các nhà khoa học nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai tiêm liều tăng cường vaccine ngừa COVID-19 để kiểm soát dịch bệnh. Nhiều mô hình dự báo cùng chỉ ra rằng số ca lây nhiễm sẽ tiếp tục tăng lên trong những ngày tới, do đó cần phải siết chặt các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.

Tiến sĩ khoa học Raúl Guinovart cho biết qua quan sát làn sóng lây nhiễm ở các quốc gia khác, đợt bùng phát đại dịch COVID-19 lần này ở Cuba cũng phải trải qua giai đoạn các ca lây nhiễm tăng lên nhanh chóng trước khi suy giảm. Ông Guinovart cảnh báo cần theo dõi sát tình hình dịch bệnh, lưu ý các biện pháp phòng ngừa và quan trọng nhất là tiếp tục triển khai tiêm chủng.

Cũng tại cuộc họp, Giám đốc Khoa học và công nghệ thuộc Bộ Y tế Ileana Morales đã trình bày bản cập nhật về chiến lược tiêm chủng quốc gia, theo đó hơn 4 triệu người dân Cuba, tương đương 50% dân số đủ điều kiện tiêm chủng, đã tiêm mũi tăng cường ngừa COVID-19. Bà Morales cũng cho biết ngành công nghiệp dược phẩm sinh học Cuba vẫn tiếp tục sản xuất các loại vaccine để đảm bảo chương trình tiêm chủng diễn ra thuận lợi.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định phải mất thời gian dài nữa đại dịch COVID-19 mới có thể kết thúc, đồng thời bác bỏ quan điểm cho rằng biến thể Omicron không gây ra nguy cơ nào.

Người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo không nên xem nhẹ biến thể Omicron vốn lây lan nhanh kể từ tháng 11/2021. Hiện đang có luồng ý kiến cho rằng biến thể Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn so với các biến thể trước, song dường như ít gây bệnh nặng. Điều này đã làm dấy lên cuộc tranh luận liệu COVID-19 có đang ở thời điểm chuyển từ giai đoạn đại dịch sang bệnh đặc hữu - mà con người có thể chung sống với virus SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, WHO nêu rõ số ca mắc mới tăng mạnh đồng nghĩa với việc nhiều người vẫn còn mắc bệnh nặng và nguy kịch.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 17/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 19/1, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 51.779 ca mắc mới COVID-19 và 262 ca tử vong. Tổng số ca bệnh ở khu vực này tới nay vượt 15.915.886 trường hợp và 311.029 ca tử vong.

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua diễn biến phức tạp và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác. Số ca tử vong và nhất là số ca mắc mới tăng vọt trong khu vực.

Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Lào và Việt Nam.

Sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á cấm nhập cảnh du khách nước ngoài, lùi kế hoạch mở cửa và tăng cường khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch. Hiện đã có ít nhất 9 quốc gia ASEAN ghi nhận các ca nhiễm Omicron. Tuy nhiên, về cơ bản, các nước đang ngày càng khống chế tốt đại dịch và số ca tử vong không cao.

Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy tháng qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đều giảm đáng kể.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Quezon, Philippines, ngày 18/1/2022. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ngày 19/1, Philippines tiếp tục ghi nhận số ca bệnh mới ở mức cao và dẫn đầu toàn khối với trên 22.000 ca bệnh. Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á với trên 15.000 ca mắc mới và 142 ca tử vong. Philippines thông báo ghi nhận ít nhất 2 trường hợp đầu tiên tử vong do nhiễm biến thể Omicron trong khi có thêm 492 ca nhiễm biến thể này.

Trong số các ca nhiễm mới biến thể Omicron có 332 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 160 ca là người Philippines trở về từ nước ngoài. Philippines đang nỗ lực ngăn chặn làn sóng dịch thứ 4 trong bối cảnh số ca mắc mới liên tiếp lập đỉnh trong tháng này do người dân di chuyển nhiều, ý thức tuân thủ các biện pháp phòng dịch kém trong khi các biến thể Omicron và Delta lây lan nhanh.

Trong khi đó, Thái Lan cũng là một điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 19/1 ghi nhận thêm trên 7.000 ca bệnh mới và 12 người tử vong.

Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 30 bệnh nhân mới và không ghi nhận ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang từng bước nới lỏng giãn cách xã hội và đã mở cửa lại đất nước.

Trong khi đó, dịch bệnh tại Lào đang diễn biến khó lường, tổng số ca bệnh đã vượt 127.000, số ca mắc mới trên 1.200 ca mỗi ngày, số ca tử vong tại “xứ sở triệu voi” trong 24 giờ qua là 7 trường hợp.

Nhìn chung, toàn khối đang đối mặt với mối đe dọa Omicron, khiến số ca bệnh tăng mạnh, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 9/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.

Đọc thêm

Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2025

Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2025
(PLVN) - Trao đổi với các đối tác tại Việt Nam, Giám đốc cao cấp chương trình Sức khỏe cộng đồng của Quỹ Sáng kiến Bloomberg, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước. Bộ Y tế cần xây dựng thêm công cụ và hướng dẫn để ngăn ngừa sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá mới, cũng như việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng...

Cẩn trọng với "thầy thuốc" online

Người dân nên tiếp cận thông tin trên mạng xã hội từ các nguồn uy tín. (Ảnh: PV)
(PLVN) -  Việc tiếp nhận thông tin chưa được kiểm chứng, không bảo đảm độ chính xác tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt trong lĩnh vực y tế và sức khỏe có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người.

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới
(PLVN) - Trong khi hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ đứng thứ hai gây tử vong và bệnh tật, song Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Trước thực trạng này, các chuyên gia đã trao đổi về những thách thức còn tồn tại để tìm ra các giải pháp thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Hà Nội: Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

Đoàn kiểm tra liên ngành công tác ATTP kiểm tra tại một cơ sở. (Ảnh: Bích Hằng)
(PLVN) - Ông Đặng Thanh Phong - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho biết, Thành phố hiện có hơn 72.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm, trong đó ngành Y tế quản lý khoảng 39.000 cơ sở. Cơ quan chức năng đã tăng cường thanh, kiểm tra và giám sát ATVSTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể.

Dịch sốt xuất huyết lan rộng

Dịch sốt xuất huyết lan rộng
(PLVN) - Trước đây, sốt xuất huyết chủ yếu tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung, tuy nhiên hiện nay, dịch lan rộng ra Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên. Đặc biệt, các địa phương miền Bắc như TP Hà Nội và một số tỉnh miền núi cũng đã ghi nhận dịch sốt xuất huyết lưu hành.

Nhập viện cấp cứu, điều trị tâm thần do hút thuốc

Bệnh nhân nhập viện do bị tràn khí màng phổi. Ảnh: Thanh Thanh
(PLVN) - Ông N.B.T (sinh năm 1969, ở Đông Anh, Hà Nội) mới được chuyển đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng khó thở, đau chói vùng ngực phải, khi hít vào càng đau quặn hơn không chịu được.

Mối nguy 'bánh mì bẩn'

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) -  Sự việc hơn 300 người nghi ngộ độc thực phẩm, 1 người không qua khỏi sau khi ăn bánh mì mua từ một tiệm tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khiến chúng ta buộc phải nhìn thẳng vào một sự thật. Đó là món ăn đường phố nói chung và bánh mì thịt nói riêng, nét “ẩm thực độc đáo” của Việt Nam; nếu không được chế biến, bảo quản kỹ lưỡng, không được quản lý chặt chẽ đầu vào, người bán không có tâm; thì đã, đang và sẽ là một mối nguy cho xã hội.